Hà Nội khuyến khích người dân tiếp tục đeo khẩu trang ở khu vực đông người và các phương tiện công cộng

Ngày 3/1, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Vũ Thu Hà ký ban hành Kế hoạch 04/KH-UBND về phòng, chống dịch thành phố Hà Nội năm 2024.
08/01/2024 14:58

Theo Kế hoạch, nhằm giảm tỷ lệ mắc và tử vong do các bệnh truyền nhiễm, khống chế kịp thời dịch bệnh, không để dịch lớn xảy ra góp phần bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân và phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô.

Trong năm 2024, UBND Thành phố yêu cầu nâng cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu các đơn vị, địa phương trong công tác phòng, chống dịch đảm bảo tính chủ động, linh hoạt, tự chịu trách nhiệm; thực hiện quan điểm thống nhất trong lãnh đạo; đưa tiêu chí kết quả công tác phòng, chống dịch vào chấm điểm đánh giá hàng tháng đối với địa phương và người đứng đầu chính quyền; đảm bảo thực hiện tốt phương châm "4 tại chỗ" tại các tuyến.

uu-diem-khau-trang-3d-huong-dan-deo-khau-trang-3d-202112151123185031

(Ảnh: Bách hóa xanh)

Thực hiện tốt công tác kiểm tra, giám sát dịch bệnh tại các tuyến, trong đó tập trung kiểm tra giám sát tại các xã, phường trọng điểm, khu vực ổ dịch phức tạp để chỉ đạo triển khai các biện pháp phòng chống dịch kịp thời.

Tiếp tục truyền thông về thông điệp "2K (Khẩu trang + Khử khuẩn)" trong phòng, chống dịch Covid -19; tuyên truyền khuyến khích người dân tiếp tục đeo khẩu trang khi ra ngoài đặc biệt là khi đi đến các khu vực công cộng, khu vực đông người, khi đi các phương tiện công cộng; tuyên truyền người dân thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và nước sạch hoặc dung dịch sát khuẩn tay nhanh; vệ sinh cá nhân sạch sẽ; vệ sinh môi trường nơi ở, nơi làm việc, học tập.

Thường xuyên, chủ động đánh giá nguy cơ dịch; xác định các khu vực nguy cơ cao bùng phát dịch bệnh, khu vực có ổ dịch phức tạp để tập trung nguồn lực triển khai các biện pháp phòng, chống dịch từ sớm, từ xa.

Giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh trên gia súc, gia cầm để chủ động triển khai các biện pháp phòng bệnh dịch lây từ động vật sang người; dịch bệnh truyền qua thực phẩm.

Tiếp tục thực hiện hiệu quả công tác kiểm soát dịch bệnh COVID-19, tổ chức thực hiện giám sát sự biến đổi của vi rút SARS-CoV-2 và thường xuyên đánh giá nguy cơ dịch bệnh để có biện pháp đáp ứng phù hợp và kịp thời.

Tổ chức các đợt cao điểm tổng vệ sinh môi trường phòng chống, dịch bệnh: trong dịp Tết Nguyên đán; vệ sinh môi trường sau mưa, lũ; vệ sinh môi trường trong trường học; tổ chức các chiến dịch vệ sinh môi trường diệt bọ gậy, thu gom phế thải, phế liệu để chủ động phòng, chống dịch sốt xuất huyết trước và trong mùa dịch.

100% UBND các cấp từ Thành phố đến xã, phường, thị trấn xây dựng và triển khai Kế hoạch phòng, chống dịch bệnh; bố trí sẵn sàng lực lượng tại chỗ, lực lượng tăng cường theo các cấp độ dịch tại địa phương.

100% UBND xã, phường, thị trấn xây dựng lực lượng cộng tác viên y tế - dân số, đội xung kích diệt bọ gậy,... nhằm hỗ trợ cơ quan y tế địa phương thực hiện công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân.

100% các quận, huyện, thị xã đến các xã, phường, thị trấn, các trường học, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, công trường xây dựng đóng trên địa bàn Hà Nội duy trì hoạt động tổng vệ sinh môi trường chủ động phòng, chống dịch bệnh hàng tuần.

Đảm bảo tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ cho trẻ em dưới 1 tuổi đạt trên 95% quy mô xã, phường, thị trấn; tiêm chủng các loại vaccine khác đạt tỷ lệ cao theo kế hoạch của chương trình tiêm chủng mở rộng; duy trì thành quả thanh toán bại liệt, loại trừ uốn ván sơ sinh, tiến tới loại trừ bệnh sởi.

Tăng cường công tác truyền thông phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm và truyền thông nâng cao sức khỏe tại cộng đồng, đảm bảo người dân được thông tin đầy đủ, chính xác, kịp thời nhằm nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi, chú trọng truyền thông nguy cơ, truyền thông trực tiếp.

Thu Hằng

comment Bình luận

largeer