Hà Nội: Phát triển hệ thống Phục hồi chức năng giai đoạn 2023 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050

Phát triển hệ thống Phục hồi chức năng giai đoạn 2023 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 trên địa bàn thành phố Hà Nội là mục tiêu của Kế hoạch số 328/KH-UBND được UBND thành phố Hà Nội ban hành ngày 31/12/2023.
03/01/2024 10:24

Kế hoạch nhằm bảo đảm người khuyết tật và người có nhu cầu được tiếp cận dịch vụ Phục hồi chức năng có chất lượng, toàn diện, liên tục và công bằng, giảm tỷ lệ khuyết tật trong cộng đồng, góp phần vào sự nghiệp chăm sóc, bảo vệ, nâng cao sức khỏe Nhân dân, đảm bảo an sinh xã hội.

dia-chi-phuc-hoi-chuc-nang-tot-tai-hai-phong

(Ảnh minh họa)

Phấn đấu đến năm 2030, đảm bảo trên 90% trẻ em sơ sinh đến 6 tuổi được sàng lọc, phát hiện sớm, can thiệp sớm khuyết tật; 90% xã, phường, thị trấn triển khai mô hình Phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng; đảm bảo trên 90% cơ sở Phục hồi chức năng được duy trì, củng cố, kiện toàn và đầu tư phát triển; phấn đấu Bệnh viện phục hồi chức năng Hà Nội đạt mức chất lượng từ khá trở lên theo tiêu chí đánh giá chất lượng bệnh viện của Bộ Y tế và đạt tỷ lệ nhân viên y tế làm việc trong lĩnh vực Phục hồi chức năng tối thiểu 0,5 người/10.000 dân…

Phấn đấu đến năm 2050, phục hồi chức năng được phát triển tại tất cả các tuyến trong và ngoài ngành Y tế với sự đa dạng về phương pháp can thiệp đảm bảo cung cấp dịch vụ Phục hồi chức toàn diện, liên tục, chất lượng; đẩy mạnh hoạt động Phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng trở thành biện pháp chiến lược để giải quyết vấn đề khuyết tật trên địa bàn Thành phố và mọi người dân đều được tiếp cận với các dịch vụ sàng lọc, phát hiện sớm, can thiệp sớm khuyết tật và các kỹ thuật Phục hồi chức năng thiết yếu, phù hợp theo nhu cầu.

Đối tượng của Chương trình là Bệnh viện Phục hồi chức năng, khoa Phục hồi chức năng, các Bệnh viện đa khoa và chuyên khoa, Trạm Y tế xã, phường, thị trấn; người khuyết tật và các đối tượng có nhu cầu Phục hồi chức năng.

Để đạt được các mục tiêu trên, UBND Thành phố đề ra các giải pháp cụ thể về tăng cường công tác quản lý, lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện chính sách pháp luật về Phục hồi chức năng; tăng cường cung cấp các dịch vụ dự phòng, phát hiện sớm khuyết tật, quản lý, điều trị, chăm sóc người khuyết tật và người bệnh; duy trì, củng cố, nâng cấp phát triển hệ thống Phục hồi chức năng và phát triển chuyên môn kỹ thuật Phục hồi chức năng; đảm bảo nguồn nhân lực; nghiên cứu khoa học và hợp tác quốc tế; tăng cường truyền thông, vận động xã hội và kiểm tra, giám sát.

UBND Thành phố yêu cầu, các giải pháp thực hiện sát với tình hình thực tế và điều kiện nguồn nhân lực địa phương; bố trí ngân sách và có cơ chế, chính sách tăng cường công tác huy động nguồn lực để triển khai, thực hiện các hoạt động của kế hoạch. Các sở, ban, ngành thuộc UBND Thành phố, các ban, ngành ở địa phương, tổ chức, đơn vị phối hợp chặt chẽ, đồng bộ và thường xuyên tổ chức kiểm tra, giám sát, đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch. 

Thu Hằng

comment Bình luận

largeer