Hà Tĩnh phong tỏa nguồn lây, tập trung khống chế bệnh viêm da nổi cục trên trâu bò

Đến thời điểm hiện tại, Hà Tĩnh có 8 thôn đã ghi nhận dịch bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò.
29/02/2024 16:16

Ngày 26/2/2024, tại thôn Mỹ Hoà, xã Phù Lưu (Lộc Hà) ghi nhận 1 con bò của 1 hộ chăn nuôi bị ốm. Sau đó 1 ngày, kết quả xét nghiệm ngành chuyên môn khẳng định vật nuôi này bị bệnh viêm da nổi cục, Lộc Hà chính thức là địa phương thứ 3 trên toàn tỉnh ghi nhận dịch bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò.

Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) kiêm Giám đốc Trung tâm Ứng dụng KHKT và Bảo vệ cây trồng, vật nuôi huyện Lộc Hà cho biết: “Ngay sau khi có kết quả xét nghiệm, huyện đã chỉ đạo xã Phù Lưu thực hiện các biện pháp nhằm hạn chế lây lan, kiểm soát nguồn bệnh như: Tiến hành tiêu độc khử trùng bằng vôi bột, hóa chất, đồng thời lập 2 chốt cảnh báo trên địa bàn. Ngành chuyên môn cũng ban hành công văn chỉ đạo tập trung các giải pháp cấp bách phòng, chống bệnh viêm da nổi cục theo quy định. Chỉ đạo các xã, thị trấn tăng cường hướng dẫn người chăn nuôi vệ sinh chuồng trại sạch sẽ; chăm sóc trâu, bò thật tốt để có sức đề kháng; tổ chức thông tin, tuyên truyền, hướng dẫn người dân chủ động giám sát gia súc có biểu hiện bị bệnh, nghi bị bệnh, kịp thời phát hiện, báo cáo chính quyền, cơ quan thú y và triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh; khẩn trương tiêm vaccine bao vây ổ dịch tại xã Phù Lưu và các xã, thị trấn thuộc vùng dịch uy hiếp trực tiếp theo quy định”.

hatinh

(Ảnh: Báo Hà Tĩnh)

Riêng đối với xã vùng dịch Phù Lưu, chính quyền địa phương đã yêu cầu “bật” chế độ phòng chống dịch mức cao nhất, cấp bách khoanh vùng, dập dịch; tiến hành cho người chăn nuôi cam kết thực hiện nuôi cách ly gia súc mắc bệnh để quản lý tại chuồng theo đúng quy định, tuyệt đối không chăn thả, giết mổ, bán chạy gia súc, không được đưa gia súc mẫn cảm về nuôi trong thời gian đang có dịch bệnh khi chưa qua 21 ngày.

Ngoài ra, địa phương tăng cường công tác quản lý hoạt động buôn bán, vận chuyển giết mổ động vật, sản phẩm động vật và hành nghề thú y trên địa bàn; xử lý nghiêm việc vận chuyển, giết mổ, buôn bán động vật, sản phẩm động vật bị nhiễm bệnh, hành nghề thú y làm lây lan dịch bệnh. Đặc biệt, chính quyền địa phương kêu gọi người dân không giấu dịch, không vi phạm các quy định trong chăn nuôi, nhất là thời điểm nguy cơ dịch bệnh trên đàn vật nuôi bùng phát cao như hiện nay.

Tại xã Tùng Lộc (Can Lộc), từ ngày 24/1/2024 lại nay đã có 38 con trâu, bò của 28 hộ dân thuộc 5 thôn bị nhiễm bệnh viêm da nổi cục, trong đó 4 con buộc phải tiêu hủy (ca mới nhất vào ngày 27/2/2024 tại thôn Nam Tân Dân).

Thời điểm này, tại thôn Nam Tân Dân, cán bộ thôn đang ráo riết quản lý chặt trâu, bò bị bệnh tại chuồng nuôi, không để tình trạng chăn thả chung khi vật nuôi chưa khỏi triệu chứng lâm sàng. Đồng thời, cán bộ thôn “đi từng ngõ, gõ từng nhà” tuyên truyền người dân không tăng đàn, mua mới trâu bò dịp này; tổ chức vệ sinh, tiêu độc, khử trùng tại vùng dịch, vùng có nguy cơ cao, các ổ dịch cũ; lập biển báo vùng có dịch viêm da nổi cục và các chốt kiểm dịch động vật tạm thời trên các trục đường... 

Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, đến thời điểm hiện tại, toàn tỉnh có 8 thôn của 3 xã thuộc 3 huyện (Lộc Hà, Can Lộc và Nghi Xuân) ghi nhận dịch bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò. Theo đó, có 40 con bò của 30 hộ bị mắc bệnh, trong đó 4 con bò bị chết, phải tiêu hủy với tổng trọng lượng 693 kg.

Theo Phó Trưởng phòng phụ trách Phòng Quản lý thú y (Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Tĩnh): Tổng đàn trâu bò toàn tỉnh hiện nay đạt hơn 235.000 con. Đây là giai đoạn giao mùa, thời tiết thất thường, mưa ẩm và các đợt rét cuối vụ dẫn theo nguy cơ dịch bệnh trên đàn vật nuôi gia tăng.

Để bảo vệ đàn vật nuôi, các địa phương cần tiếp tục chủ động nắm bắt thông tin, diễn biến dịch bệnh; thực hiện các giải pháp cấp bách phòng, chống bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò theo hướng dẫn nhằm ngăn chặn dịch bệnh lây lan trên diện rộng.

Riêng đối với các vùng có dịch, phòng NN&PTNT, Trung tâm Ứng dụng KHKT và Bảo vệ cây trồng vật nuôi các địa phương cần chủ động nắm bắt thông tin, diễn biến dịch bệnh; kịp thời tham mưu, bổ cứu, chấn chỉnh hạn chế trong công tác phòng, chống dịch viêm da nổi cục. Tổ chức hướng dẫn các nội dung chuyên môn về phòng, chống dịch bệnh; tiêm vaccine phòng bệnh trên đàn vật nuôi; chuẩn bị đầy đủ vật tư, dụng cụ, hóa chất, để ứng phó với các tình huống dịch bệnh trên địa bàn...

Theo Báo Hà Tĩnh

comment Bình luận

largeer