Hải Dương gia tăng số lượng người cao tuổi nhập viện

Tại các bệnh viện, cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh Hải Dương, số lượng người cao tuổi nhập viện liên tục tăng mạnh. Đa số người cao tuổi nhập viện trong tình trạng bệnh nặng, mang theo nhiều bệnh lý nền như tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn mỡ máu.
31/12/2022 15:47

Trung bình mỗi ngày, Khoa Đột quỵ, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hải Dương tiếp nhận hơn 10 bệnh nhân từ 60 tuổi trở lên. Đa phần các bệnh nhân đến đây đều có bệnh lý nền, khi gặp thời tiết thay đổi, nhiệt độ giảm mạnh thường sẽ tái phát các bệnh về đường hô hấp, tim mạch, huyết áp, xương khớp, tai biến mạch máu não… Nhiều người nhập viện trong tình trạng bệnh nặng phải hỗ trợ thở bằng bình oxy.

nguoi-gia-dq-nao-2-1656951234843858252156-crop-1672415470795419513383

(Ảnh minh hoạ)

Được biết tại Khoa Đột quỵ, ngày cao điểm lên tới 56 bệnh nhân điều trị, trong khi đó khoa chỉ có 46 giường, một số bệnh nhân phải nằm ở cáng và giường gấp trong thời gian 24 giờ.

Còn tại Bệnh viện Phục hồi chức năng tỉnh Hải Dương, những ngày qua, số lượng người già đến khám và nhập viện cũng tăng cao, trung bình mỗi ngày bệnh viện tiếp nhận trên 30 người cao tuổi đến khám và điều trị các bệnh liên quan tim mạch, xương khớp, huyết áp…

Theo dự báo, trong những ngày cuối năm, trời rét đậm kèm mưa, do ảnh hưởng của các đợt không khí lạnh, sẽ làm ảnh hưởng đến sức khỏe người cao tuổi. Chính vì thế, việc chủ động phòng tránh và kiểm soát bệnh lý theo mùa có ý nghĩa rất quan trọng để phòng bệnh hiệu quả đối với người cao tuổi.

Bác sĩ Hoàng Văn Huỳnh, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Hải Dương cho biết: Thời tiết lạnh tràn về, để bảo vệ sức khỏe người cao tuổi có sức đề kháng kém, có nhiều bệnh lý nền thì việc chủ động phòng bệnh là rất quan trọng. Để phòng bệnh cho người cao tuổi, bên cạnh các biện pháp tăng cường sức đề kháng, bằng việc chủ động bổ sung chế độ dinh dưỡng hợp lý, người dân cần chủ động theo dõi dự báo thời tiết để điều chỉnh thói quen sinh hoạt phù hợp, giữ ấm cơ thể cả khi ở nhà và ra ngoài đường, ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng, luyện tập trong môi trường nhiệt độ ấm; giữ vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường sống; đảm bảo giờ giấc sinh hoạt hợp lý và chủ động tiêm đầy đủ vaccine phòng bệnh…

Với những bệnh nhân có bệnh nền thì phải liên hệ với bác sĩ khám thường xuyên theo định kỳ. Người cao tuổi hạn chế ra khỏi nhà khi không cần thiết. Tránh việc tiếp xúc lạnh đột ngột như tắm, ra khỏi nhà tập thể dục buổi sáng. Các nhà ở vùng nông thôn, miền núi nên được che kín để giữ nhiệt trong nhà, không nên mở toang cửa để khí lạnh lùa vào nhà. Khi phát hiện có một trong các dấu hiệu như: Miệng méo sang một bên, nói khó, tay chân một bên bị tê yếu... thì ngay lập tức đưa bệnh nhân vào bệnh viện mà không nên trì hoãn.

Theo VTV

comment Bình luận

largeer