Hải Phòng: chủ động, tăng cường phòng, chống bệnh đau mắt đỏ

Bệnh viện Mắt Hải Phòng vừa có những đề xuất, tham mưu cho Sở Y tế đề ra các biện pháp quyết liệt nhằm ngăn chặn nguy cơ bùng phát của bệnh đau mắt đỏ trên địa bàn thành phố.
25/09/2023 22:16

Theo số liệu thống kê tại Bệnh viện Mắt Hải Phòng, tháng 7 và tháng 8 năm 2023, Bệnh viện đã tiếp nhận và điều trị 730 ca bệnh đau mắt đỏ. Sang tháng 9/2023, số ca nhiễm bệnh đau mắt đỏ có biểu hiện tăng đột biến, từ ngày 01/9/2023 đến hết ngày 24/9/2023, Bệnh viện tiếp nhận 717 ca, có ngày ghi nhận 50 – 70 ca.

bac sy benh vien mat hai phong dang kham cho benh nhan

Bác sỹ Bệnh viện Mắt Hải Phòng đang khám cho bệnh nhân đau mắt đỏ

Trước nguy cơ lây lan nhanh của bệnh đau mắt đỏ, để phòng, chống bệnh đau mắt đỏ một cách hiệu quả và hạn chế một cách thấp nhất số lượng người lây, nhiễm, Bệnh viện Mắt Hải Phòng đã có những tham mưu hữu hiệu, kịp thời cho Sở Y tế về công tác phòng, chống bệnh đau mắt đỏ trên địa bàn.

a5a220e0298cfdd2a49d

Ngày 07/9/2023, Bệnh viện Mắt Hải Phòng ra Thông báo số 529/TB-BVMHP Về việc phòng, chống bệnh đau mắt đỏ, gửi các cơ sở Y tế, các trường học và nhân dân trên địa bàn thành phố, trong đó nêu rõ: Đau mắt đỏ là tình trạng viêm kết mạc mắt, thường do vi khuẩn hoặc vi rút gây ra, nhưng phổ biến nhất là do một loại vi rút có tên Adenovirus. Khi bị nhiễm bệnh, người bệnh thường có các biểu hiện như: Đỏ mắt, có dử mắt, chảy nước mắt, có thể có giả mạc. Các biểu hiện khác có thể gặp là hơi sợ ánh sáng, sưng phù kết mạc, xuất huyết nhẹ dưới kết mạc. Tác nhân gây bệnh có thể gây viêm giác mạc (thường gặp sau khởi phát vài ngày - đây là dạng lâm sàng được ghi nhận hay gặp trong năm nay), ở thời điểm này mắt có thể đã đỡ sưng hoặc hết đỏ nhưng người bệnh có thế có các biểu hiện như: Nhìn mờ, chói, sợ ánh sáng. Ngoài các biểu hiện tại mắt, người bệnh có thể bị viêm họng, nổi hạch trước tai và sốt nhẹ. Bệnh thường biểu hiện ở một mắt nhưng có thể xảy ra ở cả hai mắt.

Bệnh đau mắt đỏ có thể gặp ở mọi lứa tuổi và vào tất cả thời điểm trong năm, nhưng phổ biến là ở trẻ em và người trẻ. Bệnh thường gia tăng vào thời điểm giao mùa (hè - thu). Do tác nhân chủ yếu của bệnh đau mắt đỏ là vi rút nên bệnh rất dễ lây lan và có thể bùng phát thành dịch trong cộng đồng.

Bệnh đau mắt đỏ thường lây truyền qua tiếp xúc trực tiếp với nước bọt, các dịch tiết từ mắt, mũi của bệnh nhân hoặc qua đồ dùng cá nhân, đồ chơi, khăn tay nhiễm nguồn bệnh, nước bị nhiễm khuẩn (nhất là nước ở các hồ bơi, bể bơi)...

Thông báo nhấn mạnh và khuyến cáo người dân: Hiện nay, bệnh đau mắt đỏ chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Do đó, đối với đau mắt đỏ thì người bệnh thường được điều trị triệu chứng như: Vệ sinh mắt (rửa mắt), giảm đau, chống viêm, tăng cường sức đề kháng và dùng kháng sinh chống bội nhiễm. Người dân có các biểu hiện của đau mắt đỏ nên đến các cơ sở y tế có chuyên khoa mắt để được khám loại trừ các nguyên nhân đau mắt khác và được hướng dẫn điều trị, phòng bệnh. Không nên tự mua thuốc điều trị, đặc biệt là các thuốc nhỏ mắt có Corticoid cần được dùng đúng chỉ định; Không nên sử dụng các biện pháp điều trị không khoa học như: xông lá trầu không, đắp lá cây ... để tránh gây biến chứng nặng nề hơn cho mắt.

135ba8efb98e6dd0349f

Hội nghị tập huấn cập nhật chẩn đoán và điều trị bệnh đau mắt đỏ tại Hải Phòng ngày 25/9/2023

Nhằm cung cấp kiến thức về công tác phòng, chống bệnh đau mắt đỏ cho các cơ sở y tế điều trị trên địa bàn thành phố Hải Phòng, chiều 25/9/2023, Bệnh viện Mắt Hải Phòng tổ chức Hội nghị tập huấn, cập nhật chẩn đoán và điều trị bệnh đau mắt đỏ. Đến dự và chỉ đạo Hội nghị có Thạc sỹ, Bác Sỹ chuyên khoa II Nguyễn Đức Quân – Giám đốc Bệnh viện Mắt Hải Phòng; Thạc sỹ, Bác sỹ Lê Hồng Sơn – Phó Giám đốc phụ trách chuyên môn; đại diện Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố; đại diện các Bệnh viện công lập và ngoài công lập, các Trung tâm y tế, các Phòng khám đa khoa; các Bác sỹ phụ trách chuyên khoa Mắt tại các bệnh viện, trung tâm y tế, phòng khám đa khoa trên địa bàn thành phố Hải Phòng.

Tại hội nghị, các đại biểu đã được nghe các thuyết trình báo cáo của các bác sỹ chuyên khoa mắt về bệnh đau mắt đỏ, tác nhân gây bệnh, biểu hiện của bệnh, cách phòng và điều trị bệnh,…

cac dai bieu du hoi nghi tap huan

Các đại biểu tham dự Hội nghị tập huấn cập nhật chẩn đoán và điều trị bệnh đau mắt đỏ

tại Hải Phòng ngày 25/9/2023

Phát biểu tại Hội nghị, Thạc sỹ, Bác sỹ Lê Hồng Sơn – Phó Giám đốc Bệnh viện Mắt Hải Phòng đã chỉ rõ một số điểm nổi bật của bệnh đau mắt đỏ năm nay: Bệnh đau mắt đỏ là một bệnh theo mùa, thường năm nào cũng xẩy ra. Tuy nhiên, diễn biến của bệnh đau mắt đỏ hiện nay có đặc điểm khác với mọi năm về thời điểm diễn ra tình trạng cao trào, đặc điểm lâm sàng, tác nhân gây bệnh. Do vậy, nguy cơ bệnh bùng thành dịch rất cao ảnh hưởng tới đời sống của nhân dân. Trước nguy cơ bùng phát của dịch bệnh, Bệnh viện đã tham mưu cho Sở Y tế để ra Thông báo về phòng, chống bệnh đau mắt đỏ trên địa bàn thành phố. Bên cạnh đó, Bệnh viện đã kết hợp với Đài PTTH Hải Phòng tổ chức lên sóng các chuyên đề về bệnh đau mắt đỏ; kết hợp với Cổng thông tin điện tử thành phố, Báo Hải Phòng đưa ra các thông báo, cảnh báo về nguy cơ, cách phòng, chống bệnh đau mắt đỏ.

Thạc sỹ, Bác sỹ Lê Hồng Sơn – Phó Giám đốc Bệnh viện Mắt Hải Phòng nhấn mạnh: Mặc dù được nhận định là bệnh không gây nguy hiểm đến tính mạng, tuy nhiên để phòng, tránh những nguy hại, tác động ảnh hưởng của bệnh đến đời sống của nhân dân, học tập của học sinh trên địa bàn thành phố. Do vậy, việc cập nhật chẩn đoán, phòng, chống và điều trị bệnh đau mắt đỏ là công việc thực sự cần thiết trong điều kiện chưa có thuốc đặc trị đặc hiệu hiện nay.

Văn Chương

         

comment Bình luận

largeer