Hải Phòng: Quản lý chặt chẽ mô hình bếp ăn bán trú trong trường học trên địa bàn quận Kiến An

Làm thế nào để đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm trong bếp ăn bán trú tại các trường học luôn là trăn trở của nhà trường, gia đình và các ban, ngành trên địa bàn quận Kiến An.
24/03/2023 14:14

Tăng cường kiểm tra, giám sát

Bếp ăn bán trú là mô hình không còn mới đối với các trường mầm non, tiểu học. Tuy nhiên, làm thế nào để duy trì, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, đảm bảo chế độ dinh dưỡng cho trẻ học bán trú luôn là nỗi lo, trăn trở của nhà trường, gia đình và các ban, ngành trên địa bàn quận Kiến An.

Empty

Bữa ăn của các cháu trường mầm non Trần Thành Ngọ, Kiến An

Quận Kiến An hiện có 12 trường tiểu học và 17 trường mầm non (14 trường công lập và 03 trường ngoài công lập, chưa kể các nhóm trẻ) đang thực hiện mô hình bếp ăn bán trú. Nhận thức được tầm quan trọng của công tác quản lý, thực hiện bếp ăn bán trú tại các trường tiểu học, mầm non trên địa bàn, ngành giáo dục quận phối hợp với ngành y tế thường xuyên có những chỉ đạo cụ thể nhằm đảm bảo tốt nhất công tác vệ sinh an toàn thực phẩm trong các bữa ăn của học sinh. Tuy nhiên, cho đến nay, trong công tác quản lý bếp ăn bán trú hiện vẫn chưa có bản quy chuẩn, tiêu chí quy định cụ thể nào để đánh giá mức độ vệ sinh an toàn thực phẩm tại các trường học.

Empty

Bữa ăn của các cháu trường mầm non Trần Thành Ngọ, Kiến An

Trao đổi với phóng viên, Bà Hoàng Thị Hương – Phó Trưởng Phòng Giáo dục quận Kiến An, cho biết: Nhận thức được tầm quan trọng của công tác đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm tại các trường học, ngay trước thềm năm học mới, ngành giáo dục quận phối hợp với Phòng y tế, Ban quản lý an toàn thực phẩm quận tiến hành tập huấn, nâng cao kiến thức vệ sinh an toàn thực phẩm cho đội ngũ chế biến thức ăn cho trẻ tại các trường tiểu học, mầm non. Đồng thời tiến hành kiểm tra cơ sở vật chất, bếp ăn bán trú tại các trường. Qua công tác kiểm tra, đoàn kiểm tra yêu cầu các cơ sở giáo dục phải đảm bảm điều kiện về cơ sở vật chất, vệ sinh an toàn, tách biệt giữa khu chế biến thực phẩm tươi sống và thực phẩm chín, đảm bảo nguyên tắc 1 chiều,… Các đơn vị cung cấp thực phẩm cho nhà trường phải có giấy phép đăng ký kinh doanh, giấy chứng nhận đảm bảo điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm, cam kết cung cấp thực phẩm đảm bảo an toàn, có nguồn gốc. Đối với nhân viên nấu bếp phải có đủ điều kiện sức khỏe, có chuyên môn chế biến thực phẩm, có chứng chỉ nấu ăn theo quy định. Quy trình tiếp nhận, chế biến thực phẩm phải tuân thủ nghiêm ngặt theo các khâu từ tiếp nhận, ghi chép đầy đủ số lượng chất lượng của thực phẩm vào sổ giao nhận thực phẩm hằng ngày, đến chế biến, bảo quản thức ăn, lưu mẫu thức ăn…

Empty

Bữa ăn của các cháu trường mầm non Trần Thành Ngọ, Kiến An

“Ban kiểm tra liên ngành của quận gồm y tế, thanh tra, ban quản lý an toàn thực phẩm, giáo dục,… thường xuyên tiến hành kiểm tra theo định kỳ công tác vệ sinh an toàn thực phẩm tại các trường tiểu học và mầm non. Bên cạnh đó, trong các đợt kiểm tra chuyên môn, phòng giáo dục cũng kết hợp kiểm tra luôn cả công tác vệ sinh an toàn thực phẩm tại các trường. Công việc này được tiến hành thường xuyên”, bà Hương nói.

Đảm bảo an toàn từng khâu trong chế biến thực phẩm

Năm học 2022 – 2023, trường Mầm non Trần Thành Ngọ (quận Kiến An, Thành phố Hải Phòng) có 370 cháu từ lớp nhà trẻ đến lớp 5 tuổi, trong đó số lượng các con ăn bán trú đạt khoảng 92%. Làm thế nào để đảm bảo vệ sinh, an toàn thực phẩm, đảm bảo chế độ dinh dưỡng cho các con, luôn là trăn trở của Ban Giám hiệu và đội ngũ giáo viên, nhân viên Trường mầm non Trần Thành Ngọ. Với quyết tâm cao nhất đảm bảo vệ sinh, an toàn thực phẩm, dinh dưỡng cho mỗi bữa ăn, nhà trường đặc biệt chú trọng công tác kiểm tra, giám sát chặt chẽ trong từng khâu tổ chức chế biến bữa ăn cho trẻ.

z4207526303144_269251b9625a3f10e7354560d1815bee

Bếp ăn của trường mầm non Trần Thành Ngọ

Cô giáo Phạm Thị Phương Oanh – Hiệu trưởng trường Mầm non Trần Thành Ngọ, cho biết: theo quy trình, nhà trường kí hợp đồng với công ty Phương Trang (là công ty đã được UBND quận, phòng y tế cấp phép phê duyệt) cung cấp thực phẩm cho nhà trường. Nguồn thực phẩm cung cấp phải đảm bảo chất lượng, có nguồn gốc rõ ràng. Hàng ngày nhà trường phân công nhân sự giám sát việc bàn giao thực phẩm, vệ sinh nhà bếp, các khâu chế biến thực phẩm luôn được kiểm thực theo 3 bước và lưu mẫu thức ăn theo quy định. Sáng thứ 2 hàng tuần, nhà trường công khai thực đơn trên hệ thống phần mềm, các phụ huynh chỉ cần quyét mã QR là xem được thực đơn của các con trong tuần.

Dinh dưỡng bữa ăn luôn đảm bảo theo quy định: đối với lớp nhà trẻ từ 600 – 651 Kcal/ngày và 615 – 726 Kcal/ngày đối với lớp mẫu giáo. Thực đơn trong ngày gồm 3 bữa: Bữa chính gồm 5 món (cơm trắng, món mặn, món xào, canh, tráng miệng); Bữa phụ trẻ được ăn thay đổi: cháo, xôi, sữa…; Bữa đệm trẻ được uống sữa hoặc nước hoa quả.

Empty

Khuôn viên trường Tiểu học Nguyễn Du

“Nhà trường là đơn vị đi đầu trong việc tổ chức bữa ăn tiêu chuẩn cho các con đảm bảo dinh dưỡng và vệ sinh an toàn thực phẩm, được các đoàn kiểm tra đánh giá cao. Đội ngũ cô nuôi của nhà trường có đầy đủ chứng chỉ sơ cấp, trung cấp chế biến ăn uống, hàng năm được tham gia các lớp tập huấn, bồi dưỡng chế biến, vệ sinh an toàn thực phẩm do Phòng Y tế tổ chức. Chế độ lương, thưởng, đóng bảo hiểm luôn được bảo đảm”, cô Oanh thông tin thêm.

Tuy nhiên, là một trường nằm trong trung tâm quận, với diện tích chật hẹp (1.263m2), khu vực nấu ăn nhỏ, điều này đã gây không ít khó khăn trong việc triển khai chế biến, nấu nướng thức ăn cho các cháu. Bên cạnh đó, kinh phí để mua sắm trang thiết bị cho bếp ăn còn hạn hẹp, kinh phí vận động tài trợ gặp không ít khó khăn vướng mắc.

Empty

Khuôn viên trường Tiểu học Nguyễn Du

Cũng như Trường mầm non Trần Thành Ngọ, Trường tiểu học Nguyễn Du (quận Kiến An) luôn đặt vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm lên hàng đầu. Là trường tiểu học có số lượng học sinh lớn nhất quận Kiến An, năm học 2022 – 2023, Trường tiểu học Nguyễn Du có 34 lớp học, 1407 học sinh. Tuy nhiên số lượng học sinh đăng ký ăn bán trú chỉ đạt 50% tổng số học sinh, phần nào cũng giảm áp lực với cán bộ, giáo viên nhà trường.

Chia sẻ với phóng viên, cô Vũ Thị Mai Khanh – Hiệu trưởng Trường tiểu học Nguyễn Du cho biết: Qua tìm hiểu, khảo sát, nhà trường đã ký hợp đồng cung cấp thực phẩm với Công ty Phương Trang là đơn vị có uy tín và được các cơ quan có thẩm quyền của quận cấp phép. Nhà trường thành lập tổ nấu bếp, đầu giờ sáng, nhà trường cắt cử 1 cán bộ phụ trách giám sát việc nhập thực phẩm, ghi chép vào sổ, quá trình chế biến luôn đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Đội ngũ nấu ăn có đầy đủ chứng chỉ hành nghề, được kí hợp đồng lao động.

“Tuy nhiên, việc đội ngũ các cô nuôi của trường nói riêng và bậc tiểu học nói chung không được sự hỗ trợ về lương như bậc mầm non mà nhà trường phải tự chi trả đã tạo không ít khó khăn. Đồng thời, việc vừa quản lý chuyên môn, vừa quản lý bếp ăn bán trú đã phần nào ảnh hưởng đến hoạt động chuyên môn của nhà trường”, cô Khanh nói.

Khác với mô hình bếp ăn 1 chiều của các trường trên địa bàn, Trường tiểu học Lê Hồng Phong là đơn vị đi đầu trong thực hiện mô hình bếp ăn hoàn toàn mới. Nhà trường tiến hành kí hợp đồng với Công ty TNHH chế biến và cung cấp thực phẩm New Green, hàng ngày đội ngũ nấu ăn là người của công ty vận chuyển thực phẩm đến bếp ăn của trường dưới sự giám sát của cán bộ, giáo viên nhà trường, sau đó tiến hành chế biến. Đội ngũ nấu ăn của công ty có đầy đủ chứng chỉ nấu ăn, có sức khỏe, tính chuyên nghiệp cao. Các khâu chế biến thực phẩm luôn được đảm bảo và kiểm thực theo 3 bước, lưu mẫu thức ăn theo quy định. Với việc thực hiện mô hình này, Nhà trường sẽ giảm áp lực và sẽ có điều kiện tập trung nhiều cho hoạt động chuyên môn.

“Để đảm bảo chất lượng dinh dưỡng, vệ sinh an toàn thực phẩm trong bữa ăn, theo yêu cầu của nhà trường, hàng tuần Công ty TNHH chế biến và cung cấp thực phẩm New Green phải gửi thực đơn trước 1 tuần để Ban giám hiệu duyệt, những món ăn nào không phù hợp, không đảm bảo dinh dưỡng sẽ được yêu cầu thay đổi. Cùng với đó, nhà trường còn phân công 1 cán bộ giáo viên thường xuyên giám sát, kiểm tra công tác vệ sinh nhà bếp, nguồn thực phẩm và quy trình chế biến thức ăn, lưu mẫu thức ăn từng bữa theo quy định”, thầy Phạm Văn Xình – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lê Hồng Phong chia sẻ.

Theo ông Nguyễn Hùng Long – Phó Cục trưởng An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), việc kiểm soát an toàn thực phẩm tại bếp ăn bán trú các trường tiểu học, mầm non cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa hai ngành y tế và giáo dục cũng như toàn xã hội.

Văn Chương

comment Bình luận

largeer