Hải Phòng tăng cường các biện pháp phòng bệnh do virus Adeno

Bệnh do virus Adeno là một bệnh virus cấp tính với hội chứng lâm sàng đa dạng, thông thường bị nhiễm virus cấp ở đường hô hấp. Bệnh thuộc nhóm B trong Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm, xuất hiện quanh năm, nhưng phát triển mạnh nhất vào thời điểm giao mùa xuân - hè hoặc thu - đông.
29/09/2022 14:40

Theo thông tin từ Bệnh viện Nhi Trung ương, tính đến ngày 12/9/2022, tổng số ca nhiễm virus Adeno được ghi nhận tại bệnh viện là 412 ca, tăng 44,1% so với cùng kỳ, trong đó đã có 6 trường hợp bệnh nhân tử vong. Tính từ ngày 05 - 11/9/2022, Bệnh viện Nhi Trung ương đã ghi nhận 151 trường hợp dương tính với virus Adeno, tăng gần 2,2 lần so với tuần trước đó.

Để tăng cường các biện pháp phòng bệnh do virus Adeno, bảo vệ sức khỏe tốt nhất cho người dân trên địa bàn thành phố, đặc biệt các đối tượng có nguy cơ cao nhiễm virus này do sức đề kháng kém như: Trẻ em, phụ nữ có thai, người lớn tuổi, người bị bệnh mạn tính; Ngày 28/9/2022, Sở Y tế đã ban hành văn bản số 3418/SYT-TTKSBT về việc tăng cường các biện pháp phòng bệnh do virus Adeno, trong đó yêu cầu:

hp
hp1

1. Các đơn vị khám, chữa bệnh:

Thực hiện tốt công tác thu dung, cách ly, điều trị, cấp cứu bệnh nhân mắc bệnh do virus Adeno. Những trường hợp nhẹ có thể cách ly, theo dõi và điều trị tại nhà dưới sự giám sát của cán bộ y tế xã. Những trường hợp mắc bệnh nặng, bị bội nhiễm và có biến chứng cần được cách ly và điều trị tại cơ sở y tế.

Tại cơ sở khám chữa bệnh, nếu có bệnh nhân nghi ngờ hoặc khi có dịch bệnh do virus Adeno thì phải thực hiện triệt để công tác kiểm soát nhiễm khuẩn khi khám bệnh để tránh lây bệnh qua đường hô hấp, kết mạc mắt, mí mắt và phải đảm bảo sát khuẩn bàn tay và dụng cụ khám bệnh để tránh lây lan. Nếu nhân viên y tế bị bệnh phải được cách ly ngay môi trường tiếp xúc với bệnh nhân.

Xử lý môi trường. Không được dùng chung các đồ dùng của bệnh nhân, nhất là khăn mặt và các đồ dùng có thể bị nhiễm các chất xuất tiết của bệnh nhân như bát, thìa, cốc, chén, giường chiếu,... Phải sát trùng, tẩy uế các đồ dùng của bệnh nhân trong giai đoạn mắc bệnh cấp tính và sát trùng, tẩy uế lần cuối khi khỏi bệnh bằng các thuốc sát khuẩn thông thường.

2. Sở Y tế giao Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố, Trung tâm Y tế quận, huyện

Tăng cường giám sát, theo dõi số ca mắc virus Adeno trên địa bàn. Hướng dẫn triển khai áp dụng các biện pháp dự phòng nhiễm virus Adeno.

Kiểm soát chặt chẽ sự lây lan của virus Adeno, phát hiện sớm các ca bệnh tại cộng đồng, hướng dẫn người bệnh đến khám, chẩn đoán và điều trị kịp thời tại cơ sở y tế, hạn chế tối đa các biến chứng nặng và tử vong do nhiễm virus Adeno.

Tăng cường công tác tuyên truyền về khả năng lây lan, những biến chứng nguy hiểm nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời; các di chứng gây ảnh hưởng đến sức khỏe của người bệnh nhiễm virus Adeno.

Tuyên truyền cho người dân thực hiện nghiêm các quy định về đeo khẩu trang nơi công cộng.

Ở những nơi có dịch hoặc nguy cơ có dịch Adenoviruses thì nhân dân phải triệt để thực hiện vệ sinh cá nhân, nhất là vệ sinh mũi họng, mắt. Phải thường xuyên dùng nước sạch và giặt sạch khăn mặt bằng xà phòng.

Thực hiện nghiêm túc báo cáo ca bệnh, ổ dịch theo quy định tại Thông tư 54/2015/TT-BYT về bệnh truyền nhiễm.

3. Sở Y tế đề nghị Ủy ban nhân dân quận, huyện

Quan tâm và phối hợp để chỉ đạo đẩy mạnh tuyên truyền các biện pháp phòng bệnh do virus Adeno trong các trường học và cộng đồng. Tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch bệnh nói chung và phòng bệnh do virus Adeno nói riêng.

Duy trì hoạt động hiệu quả hệ thống giám sát tại cơ sở, hướng dẫn triển khai các biện pháp phòng bệnh, phát hiện sớm các trường hợp nghi ngờ, hướng dẫn người bệnh đến cơ sở y tế để được khám, điều trị sớm nhất, tránh các biến chứng nặng, hạn chế lây lan, bùng phát dịch.

Sở Y tế nhấn mạnh đây là nhiệm vụ cấp bách, đề nghị các đơn vị phối hợp, triển khai thực hiện.

Thu Trang

comment Bình luận

largeer