Hải Phòng: Tăng cường phòng, chống bệnh sốt xuất huyết Dengue

Sở Y tế Hải Phòng vừa có văn bản số 2019/SYT-TTKSBT gửi UBND các quận, huyện; Các cơ sở khám, chữa bệnh; Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố; Trung tâm Y tế các quận, huyện về việc tăng cường phòng, chống bệnh sốt xuất huyết Dengue.
16/06/2024 10:15

Tính đến hết ngày 30/5/2024, thành phố Hải Phòng ghi nhận 267 ca mắc, tăng 202 ca so với cùng kỳ năm 2023. Bệnh sốt xuất huyết Dengue (SXHD) hiện là bệnh lưu hành tại Hải Phòng và có xu hướng tăng cao vào mùa hè - thu khi thời tiết nắng mưa đan xen nhau khoảng tháng 6 đến tháng 9. Tuy nhiên, hiện nay, trong tháng 5 năm 2024 có số lượng ca mắc được ghi nhận tăng đột biến là 186 ca (tháng 5/2023 là 4 ca).

Thực hiện công văn số 643/VSDTTƯ ngày 7/5/2024 của Viện Vệ sinh dich tễ Trung ương về việc tăng cường công tác phòng, chống Sốt xuất huyết, để tăng cường công tác phòng, chống bệnh SXHD tại các địa phương, không để dịch bệnh bùng phát, Sở Y tế đề nghị các đơn vị thực hiện một số nội dung sau:

sxh

(Ảnh minh họa: Thanhphohaiphong)

Trung tâm Y tế các quận, huyện:

Tăng cường giám sát ca nghi nhiễm, ca mắc mới trên địa bàn để phát hiện sớm và xử lý kịp thời, triệt để ổ dịch SXHD tại địa phương theo đúng hướng dẫn của Bộ Y tế, kiên quyết không để ổ dịch lan rộng và kéo dài.

Triển khai các hoạt động truyền thông bằng nhiều hình thức, truyền tải thông điệp phòng, chống SXHD tới người dân. Tăng cường phát động chiến dịch vệ sinh môi trường, diệt lăng quăng/bọ gậy tại cộng đồng.

Chủ động phối hợp với các Ban, ngành, tổ chức chính trị xã hội trên địa bàn triển khai các hoạt động diệt lăng quăng/bọ gậy, vệ sinh môi trường, đảm bảo các hộ gia đình tại vùng có dịch và có nguy cơ phải được kiểm tra, giám sát các bể, dụng cụ chứa nước, các vật dụng, đồ phế thải, nơi sinh sản của muỗi một cách thường xuyên để tiến hành các biện pháp xử lý.

Rà soát hóa chất, vật tư, trang thiết bị, máy móc phục vụ công tác phòng chống SXHD, căn cứ thực tế hàng năm dự trù nhu cầu kinh phí đề xuất Phòng Y tế trình Ủy ban nhân dân quận, huyện bố trí nguồn kinh phí.

Ủy ban nhân dân các quận, huyện:

Tăng cường chỉ đạo Phòng Y tế, Trung tâm Y tế chủ động triển khai các hoạt động phòng, chống SXHD trên địa bàn.

Huy động các Ban, ngành, tổ chức chính trị xã hội phối hợp với ngành Y tế trong việc triển khai các hoạt động diệt lăng quăng/bọ gậy, vệ sinh môi trường, đảm bảo các hộ gia đình tại vùng có dịch và có nguy cơ phải được kiểm tra, giám sát các bể, dụng cụ chứa nước, các vật dụng, đồ phế thải, nơi sinh sản của muỗi một cách thường xuyên để tiến hành các biện pháp xử lý.

Chủ động bố trí nguồn kinh phí để mua sắm hóa chất, vật tư, trang thiết bị và máy móc phục vụ cho công tác phòng, chống SXHD tại địa phương.

Các cơ sở khám, chữa bệnh:

Tổ chức tốt việc thu dung điều trị bệnh nhân, tập huấn hựớng dẫn chẩn đoán, điều trị bệnh sốt xuất huyết, cập nhật và theo dõi chặt chẽ nhóm người bệnh có nguy cơ cao (người cao tuổi, trẻ nhỏ, phụ nữ có thai, người bệnh nền mãn tính); Chuẩn bị sẵn sàng, đầy đủ vật tư, trang thiết bị và thuốc để hạn chế tối đa các trường hợp tử vong do SXH, đồng thời rà soát, điều chỉnh quy trình tiếp nhận, sàng lọc, phân loại ca bệnh, có kế hoạch phân tuyến điều trị, hỗ trợ tuyến dưới, tránh tình trạng quá tải bệnh viện.

Thực hiện nghiêm túc, đầy đủ, kịp thời chế độ thống kê, báo cáo thường quy theo Thông tư 54/TT-BYT của Bộ Y tế.

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố:

Lập kế hoạch và triển khai kiểm tra, giám sát công tác vệ sinh môi trường, đánh giá các chỉ số muỗi, lăng quăng bọ gậy tại một số bến xe, sân bay, nhà ga, cầu cảng, khu vực công cộng,…

Báo cáo kết quả kiểm tra, giám sát theo quy định tại Quyết định số 3711/QĐ-BYT ngày 19/9/2014 của Bộ Y tế về việc ban hành Hướng dẫn giám sát và phòng, chống bệnh Sốt xuất huyết Dengue.

Minh Huy

comment Bình luận

largeer