Hai phút có một người chết vì COVID-19 ở Iran

Cứ hai giây lại có một người nhiễm, hai phút có một ca tử vong vì COVID-19 trong bối cảnh Iran liên tục ghi nhận kỷ lục về dịch bệnh.
10/08/2021 08:48

 

Iran, quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất vì COVID-19 ở Trung Đông, ghi nhận thêm 40.808 ca nhiễm và 588 ca tử vong trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca lên lần lượt 4.199.537 và 94.603. Đây tiếp tục là ngày Iran ghi nhận số ca tử vong cao kỷ lục kể từ khi dịch bùng phát.

"Cứ hai giây có một nhiễm và gần như mỗi hai phút có một người chết vì COVID-19 ở Iran", đài truyền hình quốc gia đưa tin, thêm rằng gần như 31 tỉnh của nước này đã nâng cảnh báo từ cam lên đỏ. Tháng trước, Iran báo cáo một ca tử vong sau mỗi ba phút vì dịch. Bệnh viện ở nhiều thành phố đã hết giường cho bệnh nhân mới.

Giới chức địa phương phàn nàn về tình trạng tuân thủ giãn cách xã hội kém, trong khi nhiều người dùng mạng xã hội chỉ trích chiến dịch tiêm chủng chậm chạp của chính phủ. Khoảng 4% trong số 83 triệu dân Iran được tiêm chủng đầy đủ.

Vào tháng 1, Lãnh tụ tinh thần tối cao Iran Ayatollah Ali Khamenei ra lệnh cấm nhập khẩu vaccine do Mỹ và Anh sản xuất, vì cho rằng không đáng tin cậy. Iran cũng cáo buộc lệnh trừng phạt của Mỹ làm cản trở việc mua và vận chuyển vaccine của nước này.

k3

Y tá chăm sóc cho bệnh nhân COVID-19 tại một bệnh viện ở thủ đô Tehran, Iran

Thế giới đã ghi nhận 204.015.030 ca nhiễm COVID-19 và 4.314.590 ca tử vong, trong khi 183.201.995 người đã bình phục, theo trang thống kê thời gian thực Worldometers.

Mỹ, vùng dịch lớn nhất thế giới, đã báo cáo 36.720.257 ca nhiễm và 633.708 ca tử vong kể từ khi dịch bùng phát, sau khi tăng lần lượt 75.469 và 254 trong 24 giờ qua.

Tỷ lệ nhập viện vì COVID-19 hiện tại ở một số bang bị ảnh hưởng nặng nề nhất của đượt bùng phát mới cao gấp đôi so với tỷ lệ trung bình quốc gia, theo Bộ Y tế và Dịch vụ nhân sinh Mỹ. Tại Mỹ, trung bình 21 người nhập viện trong mỗi 100.000 dân. Tỷ lệ cao gấp đôi ở Louisiana, Mississippi, Alabama và Arkansas.

Trong khi đó, số ca nhiễm mới trung bình ở Mỹ đã chạm ngưỡng 100.000, mức cao nhất kể từ tháng 2. Tiến sĩ Rochelle P. Walensky, giám đốc Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC) mô tả giai đoạn hiện tại là "đại dịch của những người chưa tiêm chủng".

Lầu Năm Góc dự kiến đề xuất Tổng thống Joe Biden thông qua phương án yêu cầu binh sĩ tiêm vaccine COVID-19 trong vài tuần tới, hoặc thực hiện kế hoạch ngay khi Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) phê duyệt đầy đủ các loại vaccine.

CDC Mỹ ngày 9/8 phát cảnh báo đi lại với hàng loạt nước từ châu Âu tới châu Á, như Iceland, Pháp, Israel, Thái Lan và một số nước khác vì ca nhiễm tăng. Trong đó, Iceland và Pháp được dán nhãn cảnh báo cấp 4, khuyến nghị công dân không đi tới hai nước này.

Tại châu Âu, nhiều nước đã bắt đầu triển khai "hộ chiếu vaccine" trong nước bất chấp phản đối.

Pháp chính thức áp dụng quy định giấy chứng nhận sức khỏe đối với những người muốn tới nhà hàng, quán cà phê, đi tàu đường dài và đến bệnh viện kể từ ngày 9/8. Trước đó, từ ngày 21/7, Pháp yêu cầu xuất trình "giấy thông hành", chứng minh đã tiêm vaccine hoặc có xét nghiệm âm tính với COVID-19, đối với những người tới các địa điểm công cộng có trên 50 người.

Người dân Pháp cuối tuần qua đã bước vào tuần thứ tư liên tiếp biểu tình phản đối quy định này. Tổng thống Emmanuel Macron đã lên tiếng kêu gọi người dân chấp hành các quy định về COVID-19 và tăng cường tiêm vaccine.

"Đây là quyền công dân. Tự do chỉ tồn tại nếu tự do của mọi người được bảo vệ. Sẽ không còn nghĩa lý gì nếu việc thực hiện tự do của chúng ta lại khiến anh em, bạn bè, bố mẹ, hàng xóm và bất kỳ ai chúng ta gặp bị nhiễm bệnh. Khi đó tự do trở thành vô trách nhiệm", ông nói.

Pháp, vùng dịch thứ năm thế giới, đến nay báo cáo 6.310.933 ca nhiễm và 112.288 ca tử vong.

Tại Italy, cảnh sát cho biết đã phá một mạng lưới bán giấy chứng nhận y tế giả sau khi quốc gia này triển khai quy định "hộ chiếu vaccine". Họ đã xác định được bốn nghi phạm, trong đó có hai trẻ vị thành niên.

"Thẻ xanh" trở thành yêu cầu bắt buộc ở Italy để vào rạp chiếu phim, bảo tàng, địa điểm thể thao trong nhà hoặc nhà hàng kể từ ngày 6/8. Giấy thông hành này được cấp cho những người đã tiêm ít nhất một liều vaccine, khỏi COVID-19 trong vòng 6 tháng hoặc có kết quả xét nghiệm âm tính trong 48 giờ trước đó.

Kể từ ngày 1/9, thẻ xanh cũng được yêu cầu trên các chuyến tàu và xe buýt đường dài, đồng thời bắt buộc đối với nhân viên trường học, đại học và sinh viên.

Italy, nơi từng là tâm dịch của châu Âu, đã ghi nhận 4.400.617 ca nhiễm và 128.242 ca tử vong kể từ khi dịch bùng phát.

Anh, vùng dịch thứ sáu thế giới, đã báo cáo 6.094.243 ca nhiễm và 130.357 ca tử vong vì COVID-19. Anh được cho đang "tích trữ" hơn 200 triệu liều vaccine COVID-19 vào cuối năm nay.

Theo dữ liệu từ công ty phân tích khoa học đời sống Airfinity, khoảng 467 triệu liều vaccine COVID-19 đã được đặt hàng, trong đó 306 triệu được chuyển đến Anh vào cuối năm 2021. Tuy nhiên, quốc gia này chỉ cần 95 triệu mũi để đáp ứng nhu cầu tiêm chủng dự kiến cho tất cả người trên 16 tuổi và tiêm liều tăng cường cho nhóm dễ tổn thương nhất.

Tình hình COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp ở các nước Đông Nam Á, khi biến thể Delta dễ lây nhiễm hoành hành.

Brunei ghi nhận mức cao kỷ lục 42 ca nhiễm mới chỉ một ngày sau khi phát hiện ca lây nhiễm cộng đồng đầu tiên trong 15 tháng. Brunei hôm 7/8 ghi nhận 8 ca COVID-19 mới, trong đó 7 ca lây nhiễm cộng đồng và một ca nhập cảnh. Đây là các ca nhiễm cộng đồng đầu tiên được ghi nhận tại nước này kể từ ngày 6/8/2020.

Quốc gia Đông Nam Á đã ghi nhận 406 ca nhiễm và 3 ca tử vong kể từ khi dịch bùng phát.

Chính phủ Brunei đã khôi phục hàng loạt biện pháp kiểm soát trong hai tuần, bao gồm đóng cửa địa điểm tôn giáo, trường học chuyển sang học trực tuyến, nhà hàng không được phục vụ tại chỗ, đóng cửa các cơ sở thể thao cả trong nhà lẫn ngoài trời, cũng như các trung tâm giải trí và rạp chiếu phim.

Tại Philippines, quan chức y tế cho biết biến thể Delta, xuất hiện ở nước này từ giữa tháng 7, đã lan gần khắp cả nước khi 13 trong 17 khu vực báo cáo ca nhiễm. Ngày 8/8, Philippines báo cáo số ca tử vong tăng mạnh với 287 trường hợp, mức cao nhất trong 4 tháng qua. Gần 9.700 ca nhiễm mới cũng được ghi nhận.

Khu vực thủ đô Manila, nơi có khoảng 14 triệu người sinh sống, đã bị phong tỏa tuần trước nhằm ngăn biến thể lay lan. Biến thể đã khiến nhiều quốc gia Đông Nam Á ghi nhận số ca tăng kỷ lục và nhiều người lo ngại Philippines rơi vào tình trạng tương tự. Sau đợt bùng phát nghiêm trọng cách đây 4 tháng, số ca nhiễm COVID-19 ở quốc gia này đã bắt đầu tăng trở lại.

Philippines đến nay đã ghi nhận tổng cộng 1.667.714 ca nhiễm và 29.128 ca tử vong vì COVID-19, sau khi báo cáo thêm lần lượt 8.900 và 6 trường hợp trong 24 giờ qua.

(Theo Vnexpress) 

comment Bình luận

largeer