Hàng chục ca can thiệp bào thai thành công, giúp trẻ được chữa bệnh từ trong bụng mẹ

Theo thông tin ghi nhận được từ Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, trong một năm qua bệnh viện này đã can thiệp bào thai cho 40 sản phụ và giúp 20 trẻ chào đời khỏe mạnh.
26/09/2020 08:10

Sáng 25/9, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội tổ chức Hội nghị ứng dụng kỹ thuật sinh học phân tử và laser quang đông trong điều trị hội chứng truyền máu song thai, dải xơ buồng ối.

PGS.TS Nguyễn Duy Ánh, Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, cho hay can thiệp bào thai là kỹ thuật hiện đại nhất trong sản khoa hiện nay. Với quan điểm thai nhi cũng là bệnh nhân, các bác sĩ dùng kỹ thuật này can thiệp những cơ quan của bào thai, thậm chí cả não, tim, màng phổi, để chữa bệnh cho trẻ. Việt Nam đã tiếp cận kỹ thuật này bằng những ca can thiệp bào thai đầu tiên vào cuối năm 2019.

PGS_Anh_1

PGS.TS Nguyễn Duy Ánh cùng BSCKI Nguyễn Thị Sim thực hiện một ca can thiệp buồng ối. Ảnh: BSCC

Ngày 14/12/2019, sản phụ Lộc Thị Hường (23 tuổi, ở Nghệ An) là trường hợp đầu tiên sinh con sau khi được mổ can thiệp y học bào thai tại Bệnh viện Phụ sản Hà Nội.

Đến nay, 20 sản phụ (gồm 16 ca ở miền Bắc, 3 trường hợp miền Trung và một người tại miền Nam) đã sinh con khỏe mạnh. Hai mươi sản phụ khác sau can thiệp đang chờ ngày sinh.

"Không có ca nào được can thiệp gặp biến chứng trong suốt thai kỳ. Các ca sinh đều mẹ tròn con vuông, khỏe mạnh. Nhiều thai nhi chỉ nặng vài trăm gram đã được các bác sĩ chăm sóc khỏe mạnh, không gặp vấn đề về sức khỏe", PGS Ánh cho biết.

Bệnh viện Phụ sản Hà Nội là bệnh viện công đầu tiên và duy nhất hiện nay đang triển khai kỹ thuật này. Thành công của Việt Nam được đánh giá ngang tầm với những nước tiên tiến nhất về cả kỹ thuật và tỷ lệ thành công.

Theo PGS Ánh, khó khăn nhất trong kỹ thuật này là phải can thiệp chuẩn để không dẫn tới sẩy thai và sinh non.

"Đây là kỹ thuật mới, can thiệp rất nhạy cảm và khó khăn. Việc động chạm vào buồng tử cung sẽ ảnh hưởng tới thai nhi và tâm lý sản phụ. Về phía đồng nghiệp, khó khăn nhất là khi tuyến dưới chuyển đến chúng tôi, một nửa số ca trong tình trạng quá muộn", PGS Ánh chia sẻ.

Nhiều trường hợp phải can thiệp bào thai từ hơn 20 tuần. Các ca được can thiệp tại bệnh viện này chủ yếu là thai 17-26 tuần, nặng chỉ vài gram. Nếu không can thiệp để sửa chữa tổn thương, thai nhi sẽ tử vong trong bụng mẹ.

"Các bác sĩ không đợi sản phụ sinh con rồi mới can thiệp hay thụ động theo dõi diễn biến bào thai trong tử cung. Giờ đây, chúng ta chủ động coi thai nhi là bệnh nhân. Bác sĩ phải chữa khỏi cho bệnh nhân đó", PGS Ánh khẳng định

Theo Zing News

comment Bình luận

largeer