Hiểu về bệnh trĩ, nguy cơ biến chứng thành ung thư trực tràng?

Trĩ là căn bệnh phổ biến tại Việt Nam nhiều người gặp phải. Tuy nhiên, nhiều người lại chưa hiểu chính xác về căn bệnh này.
07/10/2020 13:42

Bệnh trĩ là gì?

Trong nhân gian có câu "thập nhân cửu trĩ” (cứ 10 người thì có 9 người có bị trĩ). Về thống kê thực tế, hiện chưa có con số chính xác và toàn diện về người mắc trĩ ở Việt Nam. Tuy nhiên, đây là căn bệnh phổ biến, nhiều người mắc phải.

Theo PGS.TS Nguyễn Xuân Hùng, Giám đốc Trung tâm PT Đại trực tràng- tầng sinh môn, Trưởng khoa Khám bệnh tổng hợp, BV Việt Đức, Phó chủ tịch hội Hậu môn trực tràng học VN: Trĩ là những cấu trúc giải phẫu mà bình thường có chức năng bình thường trong cơ thể. Khi nào cấu trúc này chuyển sang trạng thái bất thường với biểu hiện bất thường như đại tiện ra máu, đau, sa trĩ, tắc mạch trĩ thì lúc đó mới gọi là bệnh trĩ (chứ không gọi là trĩ).

Theo TS. BS cao cấp Lê Mạnh Cường- Phó GĐ BV Y học cổ truyền Trung ương, nguyên trưởng khoa ngoại BV, Phó chủ tịch Hội Hậu môn trực tràng học Việt Nam: Trĩ còn được gọi là đệm hậu môn, đây là một tổ chức có cấu trúc mạch nằm ở dưới lớp niêm mạc trong lòng ống hậu môn.

Như vậy, trĩ là một phần cấu trúc bình thường của ống hậu môn có vai trò quan trọng giúp đóng kín lỗ hậu môn.  Do đó, được xác định là bị bệnh trĩ khi tổ chức trĩ hay đệm hậu môn bị tổn thương gây chảy máu, giãn to, sa trượt khỏi vị trí bình thường trong lòng ống hậu môn.

Do đó, theo BS Cường, nói đến đặc điểm của bệnh trĩ nội thì không phải cứ hiểu búi trĩ nằm ở trong mới coi là bệnh trĩ nội mà trong một số trường hợp búi trĩ lòi ra ngoài thì vẫn được coi là bệnh trĩ nội. Vì thế, thực tế thăm khám và xét nghiệm cho bệnh nhân mà bác sĩ sẽ đưa ra kết luận là mắc bệnh trĩ kiểu gì và ở mức độ nào.

Benh-tri

Hình minh họa.

Còn theo TS. BS Phạm Thái Hưng- Trưởng khoa ngoại, BV Tuệ Tĩnh kiêm Phó chủ nhiệm bộ môn ngoại, Học viện Y dược học cổ truyên Việt Nam thì: Bệnh trĩ là do tĩnh mạch trực tràng hậu môn bị giãn quá mức gây xung huyết. Đám tĩnh mạch ở dưới niêm mạc vùng hậu môn gồm nhiều xoang tĩnh mạch to nhỏ không đều nhau. Và mỗi mạch máu khi này giãn phồng quá mức sẽ hình thành nên búi trĩ.

Bệnh trĩ có biến chứng thành ung thư trực tràng không?

Theo GS.TS.BS. Nguyễn Mạnh Nhâm, Chủ tịch Hội Hậu môn - Trực tràng Việt Nam, bệnh trĩ là bệnh lành tính không tiến triển thành ung thư, chỉ đau khi có biến chứng.

Hiện nay, trên thế giới vẫn chưa tìm ra nguyên nhân gây bệnh trĩ. Tuy nhiên, một số yếu tố tăng nguy cơ mắc bệnh được nhắc tới như: ngồi nhiều, ăn ít rau, uống ít nước… Tình trạng táo bón, trong 10 ca đến điều trị trĩ, thì có 7 ca bị táo bón. Có những điều kiện thuận lợi để bệnh trĩ dễ phát triển như: người ngồi nhiều (làm nghề lái xe, chạy xe, dân văn phòng…); người lao động nặng nhọc; người có bệnh lý viêm đại tràng, đái tháo đường; phụ nữ chửa đẻ.

GS. Nhâm khẳng định sau chữa trị 100% bệnh trĩ không bị tái phát là lừa dối bệnh nhân. Tất cả các bác sĩ giỏi nhất thế giới cũng không dám khẳng định sẽ khỏi được bệnh trĩ.

Khả năng khỏi bệnh, phụ thuộc nhiều yếu tố như tình trạng bệnh khi được tiến hành mổ, cơ địa của từng người. Khi mổ, các bác sĩ chỉ biết cắt búi trĩ chứ không biết rõ nguyên nhân để điều trị dứt điểm. Tỷ lệ tái phát phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau, khó khỏi 100%.

Với bệnh nhân mổ trĩ, sau mổ, vẫn phải tiếp tục điều trị bằng thuốc và tập luyện để tránh tái phát. Nếu các điều kiện thuận lợi bệnh nhân có thể khỏi bệnh đến 90%.

Biểu hiện của bệnh trĩ

Đối với bệnh trĩ nội trải qua 4 giai đoạn. Ở giai đoạn đầu (1, 2) bệnh còn tương đối nhẹ, chưa quá nguy hiểm có thể chữa trị khỏi nếu phát hiện và chữa trị kịp thời. Đến khi bệnh phát triển nặng (trĩ độ 3, 4), người bệnh sẽ có biểu hiện búi trĩ lòi ra ngoài nhiều, thường xuyên bị chảy máu, máu chảy thành giọt, thành tia. Kèm theo đó là các biểu hiện trĩ lở loét, hậu môn bị viêm nhiễm, ngứa ngáy vô cùng khó chịu.

Bệnh trĩ đến giai đoạn muộn khiến cho các biểu hiện bệnh trở nên trầm trọng và ảnh hưởng nghiêm trọng tới sinh hoạt, sức khỏe và tâm lý của người bệnh. Nếu không được chữa trị tích cực sẽ có thể gây nguy hiểm, ảnh hưởng tới sức khỏe và gây ra các biến chứng. Tuy nhiên, bệnh trĩ thường không dẫn đến ung thư như nhiều người vẫn nghĩ. Trong trường hợp bệnh phát triển nặng và kéo dài, người bệnh cần cảnh giác và có thể đối mặt với một số biến chứng gây phiền toái nên cần có tâm lý và chuẩn bị sẵn phương pháp đối phó. Cụ thể như sau:

– Sa búi trĩ: sa búi trĩ nặng, búi trĩ bị sưng phù, chảy nhiều máu gây đau đớn khó chịu cho người bệnh. Nhiều trường hợp búi trĩ bị bầm tím, lở loát, nhiễm khuẩn và tắc dẫn đến bị hoại tử.

– Tắc nghẹt búi trĩ: búi trĩ bị sa ra ngoài nhiều và không tự thu lại được dù cho có biện pháp can thiệp dùng tay đẩy. kèm theo đó búi trĩ có thể bị phù nề dẫn đến bị tắc nghẹt bên ngoài hậu môn. Khi trĩ tắc nghẹt sẽ có biểu hiện mặt ngoài trĩ màu xám, niêm mạc trong màu nâu đỏ, sưng tấy và để lâu có hiện tượng hoại tử.

– Nhiễm khuẩn trĩ: khi búi trĩ sa ra ngoài và luôn nằm ngoài hậu môn sẽ rất dễ bị nhiễm khuẩn do thường xuyên bị ẩm ướt bởi dịch nhầy tiết ra. Điều này tạo điều kiện cho vi khuẩn hoạt động gây viêm loét dẫn đến ngứa ngáy khó chịu, đau đớn vô cùng bất tiện.

– Bội nhiễm: máu và dịch nhầy chảy ra nhiều ở hậu môn sẽ khiến cho vi khuẩn, phân, nước tiểu bám vào gây nhiễm trùng hậu môn. Tình trạng này nếu kéo dài và không được điều trị tích cực sẽ gây bội nhiễm khá nguy hiểm.

Dương Nhung (tổng hợp)

comment Bình luận

largeer