Hỗ trợ điều trị viêm tai giữa bằng y học cổ truyền

Y học cổ truyền gọi viêm tai giữa với bệnh danh là nhĩ nùng, bệnh do phong nhiệt và nhiệt độc gây ra. Bệnh lúc đầu là cấp tính, nếu không chữa trị đúng cách và triệt để dễ chuyển thành mãn tính và dễ tái phát, ảnh hưởng đến thính lực.
16/09/2022 14:52

Viêm tai giữa là tình trạng viêm cấp hoặc mãn tính của tai giữa. Bệnh thuộc nhóm các bệnh lý viêm đường hô hấp trên, thường gặp ở trẻ em.

Chữa viêm tai giữa bằng thuốc y học cổ truyền

Thể cấp tính

- Nguyên nhân: Do phong nhiệt, nhiệt độc gây ra.

- Triệu chứng: Sốt, sợ lạnh, đau đầu, ù tai, đau trong tai, có thể chảy mủ tai vàng đặc, mùi hôi thối, có khi lẫn máu, mạch huyền sác, rêu lưỡi vàng.

- Phương pháp điều trị: Sơ phong thanh nhiệt hoặc trừ thấp nhiệt ở kinh can đởm

- Bài thuốc: Có thể sử dụng một trong các bài thuốc cổ phương sau:

Sài hồ thanh can thang gia giảm: Sài hồ 12g; Long đởm thảo 12g; Hoàng cầm 12g; Chi tử 12g; Bạc hà 6g; Kim ngân hoa 20g; Ngưu bàng tử 12g.

- Gia thêm sinh địa 16g; Đan bì 12g nếu chảy máu, chảy mủ tai

Hoặc bài long đởm tả can thang gia giảm: Long đởm thảo 12g; Hoàng cầm 12g; Chi tử 8g; Đương quy 8g; Cam thảo 4g; Mộc thông 12g; Sa tiền tử 12g; Trạch tả 12g; Sinh địa 12g.

- Thêm kim ngân hoa 16g; Liên kiều 12g nếu có sốt cao, tai chảy mủ đặc, có máu, mặt đỏ, chất lưỡi đỏ.

- Thêm đại hoàng 6g nếu có táo bón

- Bỏ sinh địa, thêm ý dĩ 16g, thuyền thoái 6g, thạch xương bồ 6g, thương truật 6g nếu sốt ít, trong tai thấy đau nhức nhiều, chảy ít mủ.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Thể mạn tính

Là tình trạng bệnh kéo dài không khỏi hẳn, có khi xuất hiện đợt cấp

Nguyên nhân:

- Nếu đang trong đợt cấp thì nguyên nhân do thấp nhiệt ở can kinh

- Nếu bệnh kéo dài không có sốt hay đau tai là do hư hỏa ở thận

- Nếu bệnh kéo dài kèm theo triệu chứng về tiêu hóa như ăn kém, gầy, ỉa chảy là do tỳ hư thấp nhiệt

Thể bệnh: Bao gồm 3 thể chính theo nguyên nhân gây bệnh

Can kinh thấp nhiệt

- Là đợt cấp của thể viêm tai giữa mạn tính

- Triệu chứng: Bệnh nhân thường xuyên chảy mủ tai, mủ loãng, đợt này tai đau nhức, chảy mủ tăng lên, vàng đặc, hôi dính.

- Phương pháp điều trị: Thanh can lợi thấp

- Bài thuốc: Tương tự như điều trị viêm tai giữa cấp tính

Thể thận hư hay âm hư hư hỏa thượng viêm

- Thường gặp ở người lớn tuổi, bệnh lâu ngày ảnh hưởng tới chức năng nghe

- Triệu chứng: Mủ ra thường xuyên, mủ loãng, tai ù, nghe kém, hoa mắt chóng mặt, ngủ ít, lưng gối mỏi đau, lưỡi khô, ít rêu, mạch tế sác

- Phương pháp điều trị: Dưỡng âm thanh nhiệt, bổ thận thông khiếu

- Bài thuốc: Có thể sử dụng tri bá địa hoàng hoàn gia giảm: Thục địa 12g; Sơn thù 8g; Hoài sơn 16g; Tri mẫu 8g; Trạch tả 8g; Đan bì 8g; Phục linh 8g; Hoàng bá 8g.

Thể tỳ hư thấp nhiệt

- Là thể bệnh thường gặp ở trẻ em viêm tai giữa mạn tính với tình trạng nổi bật là tỳ mất kiện vận.

- Triệu chứng: Chảy mủ loãng kéo dài, sắc mặt vàng bủng, ăn kém chậm tiêu, đại tiện loãng, mệt mỏi, mạch hoãn nhược.

- Phương pháp điều trị: Kiện tỳ hóa thấp

- Bài thuốc: Thường dùng thanh tỳ thang gia giảm: Hoàng liên 8g; Bạch biển đậu 8g; Thuyền thoái 4g; Hoài sơn 12g; Bạch thược 8g; Bạch linh 8g; Trạch tả 12g; Cốc ma 8g.

Điều trị viêm tai giữa bằng thuốc nam

Dưới đây là phương pháp điều trị viêm tai giữa theo cơ sở lý luận và thực tiễn của y học cổ truyền đã được đúc rút và tổng kết và xuất hiện trong các y văn.

Tuy nhiên, trong dân gian cũng tồn tại nhiều cách chữa bệnh lý trên sử dụng các nguyên liệu tự nhiên, sẵn có trong vườn nhà, dễ tìm lại tiết kiệm. Do đó có rất nhiều người đã áp dụng nhưng do vẫn chưa có bằng chứng khoa học nào chứng minh hiệu quả của các phương pháp này. Do đó, trước khi áp dụng nên tham khảo ý kiến bác sĩ chuyên khoa.

Dưới đây là các nguyên liệu sử dụng để điều trị viêm tai giữa:

Tỏi

Là một loại gia vị phổ biến chứa các thành phần có tác dụng kháng sinh, kháng nấm, chống viêm, tăng cường sức đề kháng.

Cách sử dụng: Ép lấy nước 1 tép tỏi, pha cùng 5ml nước muối sinh lý, nhỏ tai 1 - 2 giọt/lần, 2 lần/ngày.

Lá mơ lông

Là một nguyên liệu phổ biến, dễ kiếm và có tác dụng sát khuẩn

Cách sử dụng: Dùng 1 lá mơ lông rửa sạch, hơ trên lửa cho mềm, cuốn thành dạng điếu, đút vào tai trong 10 phút. Ngày làm 1 - 2 lần. Hoặc sau khi hơ lửa thì vò nát lá và cho vào gạc sạch, nhét vào tai để qua đêm.

Lá hẹ

Là một loại rau gia vị khá phổ biến có hoạt tính kháng sinh, chống tụ cầu và nhiều loại vi khuẩn gây bệnh.

Cách sử dụng: Lá hẹ 50g đem rửa sạch, ngâm nước muối loãng, để ráo, xay (hoặc giã nhuyễn), lọc lấy nước nhỏ tai ngày 2 – 3 lần, mỗi lần 2 – 3 giọt.

Rau diếp cá

Trong y học cổ truyền, diếp cá có tên ngư tinh thảo, vị ngọt đắng, tính mát có tác dụng thanh nhiệt giải độc, tiêu viêm và sát khuẩn tốt

Cách sử dụng: Tương tự như lá hẹ. Lá diếp cá 50g đem rửa sạch, ngâm nước muối loãng, để ráo, xay (hoặc giã nhuyễn), lọc lấy nước nhỏ tai ngày 2 – 3 lần, mỗi lần 2 – 3 giọt.

Theo Thaythuocvietnam.vn

comment Bình luận

largeer