Hòa Bình đã điều trị thành công một bệnh nhân bị uốn ván nguy kịch

Trong tuần vừa qua, Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình đã điều trị thành công bệnh nhân nam (66 tuổi, trú tại Cun Pheo, Mai Châu, Hòa Bình) không may bị cọc nhọn đâm vào bàn chân trái dẫn đến vết thương bị nhiễm trùng. Bệnh nhân nhập viện đã trong tình trạng sắp ngừng thở, ngừng tim.
28/10/2022 18:06

Khởi đầu, bệnh nhân xuất hiện cứng hàm không há được miệng, không ăn uống và ho khạc được. Sau đó, bệnh tiến triển rất nhanh dẫn đến tình trạng co cứng toàn thân và xuất hiện các cơn co giật trên nền co cứng. Lúc này, bệnh nhân được người nhà đưa đi cấp cứu.

Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng tím tái toàn thân, sắp ngừng thở, người cứng, hai hàm răng cắn chặt, không nuốt, không ho khạc được, không đặt được ống nội khí quản, co giật toàn thân trên nên co cứng.

Bệnh nhân nhanh chóng được mở khí quản cấp cứu, được thở máy, dùng thuốc an thần, giãn cơ, điều trị và chăm sóc tích cực.

Bệnh nhân uốn ván được theo dõi điều trị tích cực. Ảnh: BVCC

Bệnh nhân uốn ván được theo dõi điều trị tích cực. Ảnh: BVCC

Trong tuần đầu nhập viện, gia đình đã nhiều lần xin cho bệnh nhân thôi điều trị vì lo ngại bệnh nhân tử vong ở bệnh viện mà không kịp đưa về nhà. Với kinh nghiệm điều trị các bệnh nhân uốn ván trước đây, các thầy thuốc đã động viên, thuyết phục người nhà để bệnh nhân ở lại điều trị vì cơ hội sống sót là vẫn còn mặc dù quá trình điều trị và chăm sóc sẽ rất khó khăn và kéo dài.

Trong hơn 1 tháng điều trị, chăm sóc tích cực bằng: thở máy, lọc máu, kháng sinh, dùng thuốc trung hòa độc tố uốn ván, tập phục hồi chức năng, với sự phối hợp của nhiều chuyên khoa, sức khỏe của bệnh nhân được hồi phục. Bệnh nhân cai được máy thở, rút được ống mở khí quản, ăn uống và đi lại được.

Trong tuần vừa qua, bệnh nhân đã được xuất viện trong sự vui mừng của tất cả mọi người.

Uốn ván là bệnh truyền nhiễm cấp tính nguy hiểm do vi khuẩn Clostridium tetani gây nên. Tỷ lệ tử vong chung do uốn ván có thể đến 90%, uốn ván rốn sơ sinh tử vong trên 95%. Ngoài ra, nếu bệnh nhân sống sót thường để lại di chứng nặng nề, quá trình điều trị khó khăn và tốn kém.

Để phòng ngừa uốn ván, tiêm vaccine uốn ván cho phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ giúp phòng bệnh uốn ván sơ sinh cho cả mẹ và con. Sau khi tiêm vaccine cho phụ nữ có thai, kháng thể hình thành trong cơ thể mẹ sẽ truyền cho thai nhi để bảo vệ cho trẻ không bị mắc uốn ván sơ sinh, đồng thời kháng thể này cũng bảo vệ cho chính bà mẹ trong quá trình sinh đẻ.

Cần tiêm vaccine uốn ván cho trẻ từ 2 tháng tuổi và người lớn, liệu trình cơ bản gồm 3 - 4 mũi (3 mũi cách nhau 1 tháng, mũi thứ 4 sau mũi 3 từ 16-18 tháng) và sau 10 năm lại tiêm nhắc lại 1 mũi.

Theo VTV

comment Bình luận

largeer