Hội Giáo dục chăm sóc sức khỏe cộng đồng Việt Nam tổ chức Lễ mít tinh hưởng ứng Ngày Thế giới không thuốc lá 31/5/2022
Lễ mít tinh có sự hiện diện của TS. Nguyễn Thiện Trưởng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký, cùng các ông bà Phó Chủ tịch Hội GDCSSKCĐ Việt Nam: PGS.TS. Nguyễn Thị Chính; Vũ Việt Anh; Vương Văn Việt và các vị là Uỷ viên Ban Thường vụ, Trưởng phó các ban, đơn vị của Hội GDCSSKCĐ Việt Nam. Tham dự mít tinh có sự tham gia của hơn 500 đại biểu là hội viên, thành viên của Hội đến từ các trung tâm, viện, công ty, các câu lạc bộ trên địa bàn Hà Nội và một số địa phương gần Hà Nội.
Phát biểu khai mạc buổi lễ, TS. Nguyễn Thiện Trưởng cho biết: Sử dụng thuốc lá đang là nguyên nhân chính gây bệnh tật và tử vong trên toàn thế giới. Tại Việt Nam, theo thống kê của bệnh viện K, tỷ lệ bệnh nhân ung thư phổi có hút thuốc là 96,8%, cùng với tổn thất về sức khỏe, sử dụng thuốc lá cũng gây ra các tổn thất về kinh tế và là một trong những nguyên nhân của sự nghèo đói. Điều tra tình hình sử dụng thuốc lá ở người trưởng thành tại Việt Nam cho thấy, năm 2015, số tiền người dân Việt Nam chi mua thuốc là 31 nghìn tỷ đồng. Bên cạnh đó, tổng chi phí điều trị và tổn thất do mất khả năng lao động vì ốm đau và tử vong sớm, 5 nhóm bệnh trong số 25 nhóm bệnh do sử dụng thuốc lá gây ra là ung thư phổi, ung thư đường tiêu hóa - hô hấp trên, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, nhồi máu cơ tim, đột quỵ, là hơn 23 nghìn tỷ đồng/năm.
Trước những tổn thất to lớn về sức khỏe và kinh tế do tác hại của thuốc lá gây ra, Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá đã được Quốc hội khóa XIII thông qua ngày 18/6/2012 và có hiệu lực thi hành từ ngày 1/5/2013. Với mục tiêu giảm tỷ lệ sử dụng, giảm tỷ lệ mắc và tử vong do các bệnh liên quan đến sử dụng thuốc lá. Trên cơ sở pháp lý đó, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Ban cán sự Đảng Bộ Y tế những năm qua, Hội GDCSSKCĐ Việt Nam đã phối hợp với Quỹ phòng chống tác hại thuốc lá quốc gia triển khai rất nhiều nội dụng, việc thực thi Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá đã được các cấp, các ngành trong cả nước nghiêm túc thực hiện, bước đầu đã đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận như: Mô hình xây dựng môi trường làm việc không khói thuốc lá ngày càng được nhân rộng, có sự tham gia của tổ chức Đảng, chính quyền, đoàn thể, nhân dân... Do đó, phong trào được thực hiện khá bài bản và có nhiều sáng kiến hay. Số người giảm và bỏ thuốc lá đã tăng lên; tỉ lệ người còn hút thuốc đã giảm, hầu như không còn hút thuốc tại nơi làm việc, khu vực công cộng...
Với mục đích nâng cao hơn nữa nhận thức, sự hiểu biết, tinh thần trách nhiệm của nhân dân tại cộng đồng trong việc thực thi Luật phòng, chống tác hại của thuốc lá đặc biệt là Hội viên thuộc các đơn vị trực thuộc Hội GDCSSKCĐ Việt Nam.
Ngày Thế giới không thuốc lá năm nay, Tổ chức Y tế Thế giới lựa chọn chủ đề “Thuốc lá - mối đe dọa tới môi trường của chúng ta”, Việt Nam vẫn đang tiếp tục truyền thông đẩy mạnh việc thực thi Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá. Năm 2022 Hội GDCSSKCĐ Việt Nam triển khai xây dựng môi trường không khói thuốc tạo cảnh quan môi trường Xanh – Sạch – Đẹp, không có khói thuốc lá tại gia đình, nơi làm việc và trong cộng đồng. Với mục tiêu “Vì sức khỏe cộng đồng - nói không với thuốc lá”.
Hôm nay, tại Thủ đô Hà Nội, Hội GDCSSKCĐ Việt Nam Tổ chức mít tinh hưởng ứng “Ngày Thế giới không thuốc lá (31/5) và Tuần lễ Quốc gia không thuốc lá (25/5 – 31/5)” thực thi Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá, đồng thời kêu gọi Hội viên các đơn vị trực thuộc Hội trong cả nước tích cực tham gia phòng chống tác hại của thuốc lá. Tất cả chúng ta đều có quyền được sống trong bầu không khí trong lành, bởi vậy việc triển khai xây dựng môi trường sống, đặc biệt là ngôi nhà không khói thuốc là vô cùng quan trọng và cần thiết.
Hoạt động phòng chống tác hại thuốc lá năm 2020-2021 và những kết quả đạt được
Hội GDCSSKCĐ Việt Nam được thành lập trên cơ sở phát huy truyền thống dân tộc, quán triệt tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm đường lối của Đảng, trực tiếp là nghị quyết số 46/NQ-TW của Bộ Chính trị khóa IX và Nghị quyết số 20/NQ-TW của BCHTW Đảng khóa XII về “tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới”.
Hội là tổ chức xã hội, tự nguyện hoạt động trong lĩnh vực giáo dục chăm sóc sức khỏe cộng đồng, với tôn chỉ, mục đích là “đồng tâm hiệp lực phấn đấu vì sự nghiệp GDCSSKCĐ, nâng cao chất lượng nòi giống, góp phần bồi dưỡng nhân tài cho đất nước”. Hội xác định, đây là sự nghiệp có ý nghĩa chính trị, nhân văn, đạo lý sâu sắc, trường tồn cùng dân tộc; góp phần xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện, trực tiếp đảm bảo nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Nghị quyết 20/NQ-TW của BCHTW Đảng khóa XII nêu rõ: “Sức khoẻ là vốn quý nhất của mỗi người dân và của cả xã hội. Bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ là nghĩa vụ, trách nhiệm của mỗi người dân, của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, đòi hỏi sự tham gia tích cực của các cấp uỷ, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể, các ngành, trong đó ngành Y tế là nòng cốt”.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng đã nói: “Sức khỏe là mối quan tâm của mọi người, mọi nhà và của toàn xã hội”. Tổ chức y tế thế giới cũng định nghĩa: “Sức khỏe là trạng thái thoải mái toàn diện về thể chất, tinh thần và xã hội và không phải chỉ bao gồm tình trạng không có bệnh hay thương tật”.
Quán triệt các quan điểm đó, hoạt động của Hội trong những năm qua được tập trung triển khai với nhiều nội dung, hình thức phong phú. Nổi bật là: Đẩy mạnh công tác truyền thông, với các nội dung được tập trung là tuyên truyền, tư vấn, phổ biến nâng cao nhận thức, kiến thức về sức khỏe và tự bảo vệ chăm sóc, nâng cao sức khỏe; về chế độ dinh dưỡng, ăn uống, vệ sinh an toàn thực phẩm, giữ gìn và bảo vệ môi trường... một nội dung nổi bật được đẩy mạnh trong thời gian vừa qua là truyền thông về phòng chống đại dịch COVID-19, truyền thông về các bệnh không lây nhiễm, kiểm soát đường huyết và bệnh đái tháo đường, bệnh cơ xương khớp và tim mạch... các nội dung được chuyển tải tới cộng đồng thông qua các hình thức tuyên truyền trực tiếp, online, tổ chức lớp tập huấn, diễn đàn, hội thảo; qua báo chí, cổng thông tin điện tử; làm phim tài liệu, videoclip, ấn phẩm,...
Song song với truyền thông là hoạt động hướng dẫn và tổ chức cho hội viên và cộng đồng tập luyện các bài thể dục dưỡng sinh, ứng dụng các phương pháp y học cổ truyền nhằm tăng cường sức khỏe, đẩy lùi bệnh tật..., tất cả đã tạo nên phong trào luyện tập tự chăm sóc sức khỏe rộng rãi, thường xuyên, sôi nổi ở nhiều địa phương.
Một trong những hoạt động hiệu quả là truyền thông Phòng, chống tác hại của thuốc lá và vận động thực hiện Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá. Đây là một nội dung trong Chương trình phối hợp hoạt động giữa Hội với Bộ Y tế, mà trực tiếp là với Quỹ Phòng, chống tác hại của thuốc lá – Bộ Y tế.
Qua hai năm 2020 và 2021, mặc dù tình hình đại dịch COVID diễn biến phức tạp, Hội đã tích cực triển khai thực hiện chương trình truyền thông và tổ chức triển khai vận động thực hiện Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá trong hội viên và cộng đồng, với những kết quả hoạt động cụ thể như sau:
Ngày 31/5/2020, chúng ta đã tổ chức Lễ mít tinh Hưởng ứng Tuần lễ Quốc gia không thuốc lá và Ngày Thế giới không thuốc lá, có sự tham dự của gần 400 hội viên.
Tổ chức Hội nghị Nhóm nòng cốt về Phòng, chống tác hại của thuốc lá cho 48 người tham dự. Đây đều là những thành viên Lãnh đạo Hội, các ủy viên Ban Thường vụ, ủy viên Ban chấp hành TW Hội và đại diện lãnh đạo một số đơn vị trực thuộc Hội. .
Tổ chức 4 lớp tập huấn Hướng dẫn xây dựng môi trường không khói thuốc lá cho cán bộ TW Hội và Hội viên thuộc cácđơn vị trực thuộc, các viện, Trung tâm, chị Hội tại thành phố Hà Nội, thành phố Bắc Ninh, thành phố Hồ Chí Minh và tỉnh Lai Châu với trên 430 người tham dự.
Tổ chức 02 lớp Hội thảo - thảo luận về Kinh nghiệm triển khai thực hiện Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá tới hội viên và cộng đồng tại thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh cho 250 người tham dự.
Tổ chức các 10 Hội nghị Truyền thông trực tiếp tuyên truyền Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá tại thành phố Hà Nội và Tỉnh Lai Châu cho trên 500 người tham gia.
Tổ chức Giám sát việc triển khai thực hiện các hoạt động Phòng, chống tác hại của thuốc lá tại 15 đơn vị tại thành phố Hà Nội và tỉnh Lai Châu.
Với sứ mệnh cao cả mà Hội đang đảm nhiệm là GDCSSKCĐ theo tinh thần Nghị quyết 20 của BCHTW Đảng khóa XII là rất rộng lớn, Trung ương Hội mong muốn toàn thể cán bộ và hội viên hãy đồng tâm hiệp lực, tích cực, nỗ lực cao hơn đẩy mạnh toàn diện hoạt động giáo dục chăm sóc sức khỏe cộng động trên tất cả các lĩnh vực, “Vì sức khỏe cộng đồng - hãy mạnh mẽ nói không với thuốc lá”, tích cực thực thi nghiêm Luật phòng, chống tác hại của thuốc lá; xây dựng môi trường gia đình, cơ quan và công đồng không có khói thuốc lá; đồng thời đẩy mạnh xây dựng và phát triển Hội vững mạnh, rộng khắp.
Phát biểu tham luận hưởng ứng của các đại biểu
Tham gia Lễ mít tinh hưởng ứng Ngày Thế giới không thuốc lá 31/5 và Tuần lễ quốc gia không thuốc lá 25 - 31/5, đại diện Viện Nghiên cứu Ứng dụng Dưỡng sinh Tâm thể Việt Nam, Nhà báo Từ Ngọc Lang - Ủy viên Ban Thường vụ Hội GDCSSKCĐ Việt Nam, Phó Viện trưởng Viện báo cáo tham luận về “Vai trò và trách nhiệm của những người hoạt động trong Hội Giáo dục CSSKCĐ Việt Nam - góp phần tuyên truyền, vận động và đấu tranh phòng chống tác hại thuốc lá trong gia đình và xã hội”.
Việt Nam đã có Luật phòng chống thuốc lá từ năm 2012, Nhà nước và các Bộ ngành liên quan, các tổ chức chính trị - xã hội, các đoàn thể, các địa phương đã có rất nỗ lực, có nhiều giải pháp, biện pháp quyết liệt nhằm tuyên truyền, vận động người dân không hút thuốc lá, thuốc lào. Đáng mừng là những nỗ lực không mệt Hỏi ấy của ngành chức năng và của toàn xã hội đã thực sự hạ thấp tỷ lệ người nghiện thuốc lá so với trước đây.
Giờ đây đi ra đường hay đến các nơi công cộng, nếu để ý chúng ta cháu lứa tuổi thanh niên không hút thuốc tràn lan như trước. Đây là những thanh niên có ý thức kiên quyết không tập hút thuốc lá, hoặc họ có hút một thời gian nhưng do hiểu được tác hại của thuốc lá nên họ đã bỏ.
Trong các khu vực công cộng như trong bệnh viện, trường học, sân bay, nhà hàng sang trọng, Trung tâm thương mại, công sở, trên phương tiện giao thông công cộng..có thể nói hiện nay chúng ta ít khi thấy người hút thuốc lá. Ở những nơi này, chắc chắn nếu có ai vô ý thức hút thuốc lá lập tức sẽ bị lực lượng bảo vệ ngăn chặn, người dân xung quanh lên tiếng nhắc nhở, phản đối, thậm chí là phản đối gay gắt.
Thế nhưng, kết quả này còn chưa như mong đợi. Nó là cuộc chiến đấu rất gian nan, đòi hỏi cả xã hội phải cùng vào cuộc, vừa kiên trì, dai dẳng vừa đấu tranh quyết liệt.
Có một nghịch lý là, nếu như ngoài xã hội, hành vi phản đối người hút thuốc lá có vẻ thực hiện dễ dàng thì trong các gia đình, nếu có ai đó hút thuốc thì hầu như không bị thành viên nào trong gia đình phản đối, hoặc nếu có cũng rất yếu ớt. Chồng hút thuốc nhưng vợ, con không phản đối, con trai hút thuốc - bố mẹ cũng không phản đối, thậm chí cũng không một lời nhắc nhở.
Cũng có thể cũng có người vợ, người mẹ đó đã ra sức nhắc nhở, vận động chồng con nhưng không có kết quả, nên buông xuôi “Ôi dào, nói mãi chẳng ăn thua, chán, chẳng muốn nói nữa”. Tôi xin nhắn nhủ và nhấn mạnh rằng: “Thật may mắn và phúc đức cho gia đình nào trong nhà không có người hút thuốc lá, thuốc lào”. Vì thuốc lá, thuốc lào là thứ nam giới rất dễ bị lôi cuốn, bị hấp dẫn và khi đã quen và nghiện thì rất, rất khó từ bỏ nó. Nói mấy từ “Cai thuốc lá, bỏ thuốc lá” tưởng chừng đơn giản, nhưng thực ra là không dễ dàng chút nào. Nhưng trong mỗi mái nhà, các thành viên trong cùng gia đình không quyết tâm vận động, thuyết phục, nhắc nhở, đấu tranh cho người thân của mình bỏ thuốc lá thì ai sẽ làm thay việc đó cho chúng ta? Nếu chúng ta đang đứng trong đội ngũ Hội Giáo dục CSSKCĐ Việt Nam, thì càng phải coi đây là trách nhiệm của mỗi chúng ta.
Mỗi gia đình có mỗi hoàn cảnh khác nhau, nên cũng cần suy nghĩ, tìm các cách thức sinh động, linh hoạt, phù hợp với đối tượng đang hút thuốc. Ví dụ: Nếu bà ngần ngại, không muốn nói trực tiếp với ông thì có thể hướng dẫn cho cháu nói với ông. Khi cháu nội hay cháu ngoại nói thì thầm vào tai ông “Ông ơi, cháu không chịu được khói thuốc đâu, mỗi lần ông hút cháu muốn ho ông ạ” thì tôi tin sẽ rất hiệu quả. Cũng như vậy, hướng dẫn cháu viết lên một tờ giấy xinh xắn, để lên bàn làm việc của ông (của bố), để vào tờ báo, cuốn sách ông sẽ đọc, hay lén bỏ vào túi áo ông (hay bố cháu). Tôi tin là không ông nào, người bố nào lại nỡ mắng cháu, con, mà trái lại phải suy nghĩ. Những gia đình trẻ thì người vợ dễ dàng hơn khi muốn nói ra lời khuyên chồng mình “bỏ thuốc lá”. Nhưng khi cần thì cũng nên “Cả nhà cùng hiệp đồng chiến đấu” để đem lại kết quả.
Tại các trường học, nhà trường tổ chức cho các cháu học sinh, sinh viên làm những tấm thiếp đẹp, xinh xắn, tự tay các cháu viết lên đó những thông điệp hồn nhiên, dễ thương để đem về tặng, hay để vào bàn, vào túi áo cho ông, cho bố, cho anh mình nếu không may đang hút thuốc lá và nghiện thuốc lá.
Tương tự như vậy, trong các cửa hàng văn hóa phẩm, hiệu sách, các cửa hàng dược, nên bán hoặc khuyến mại cho khách các loại thiếp có in nội dung phù hợp cho các đối tượng khác nhau để thể hiện lời nhắc nhở của người thân.
Những thông điệp này, có thể thể hiện sinh động, hấp dẫn và thỉnh thoảng gửi trên điện thoại cho người thân. Vì sao sáng nào cũng có nhiều người vui vẻ, phấn khích gửi cho nhau những hình ảnh kèm lời chúc tốt đẹp về “sức khỏe, may mắn, an lành cho nhau mà lại không thể gửi lời chúc chồng mình, con mình, cháu mình bỏ thuốc lá?.
Nhân đây, tôi cũng xin kiến nghị, Bộ Y tế có thể phối hợp với ngành Viễn thông có giải pháp phối hợp tuyên truyền, vận động trên điện thoại di động bằng cách đăng banner hình ảnh cảnh báo tác hại thuốc lá đối với sức khỏe (như trên bao thuốc lá) và banner lời khuyên, lời nhắc nhở không hút thuốc mang sắc thái tình cảm nhưng sẽ có tác dụng không nhỏ.
Dù không trực tiếp hút thuốc lá, nhưng khi trong nhà có người thân hút thuốc lá, nghiện thuốc lá có nghĩa là phụ nữ, trẻ em cũng bị hút thuốc thụ động. Và nếu không chịu hành động, không vận động, không đấu tranh thì đến lúc nào đó chúng ta sẽ nuối tiếc, ân hận vì chúng ta đã buông xuôi thỏa hiệp và đầu hàng cái làn khói thuốc lá mỏng manh kia.
Phát biểu tham luận tại lễ mít tinh, Bác sỹ Đỗ Nam Khánh - Uỷ viên Ban Thường vụ, Tổng giám đốc Công ty CP truyền thông chăm sóc sức khoẻ Sao Đại Việt chia sẻ về cách phòng chống khói thuốc lá tại nơi làm việc: Môi trường làm việc của Sao Đại Việt không khói thuốc lá (bao gồm ở văn phòng của công ty và hệ thống phòng khám chuyên khoa Y học cổ truyền). Đồng thời, các y bác sĩ, các bộ công nhân viên của Sao Đại Việt đã cam kết không hút thuốc lá tại nơi làm việc (điều này được ghi trong nội quy lao động của công ty). Ban lãnh đạo cũng vận động mọi người không hút thuốc lá. Hiện nay 100% y bác sĩ, cán bộ công nhân viên của công ty Sao Đại Việt không hút thuốc lá. Qua nhiều năm, điều này đã trở thành một nét văn hoá tốt đẹp của Sao Đại Việt.
Đặc biệt, công ty đã tổ chức các buổi truyền thông cho các hội viên các CLB tự chăm sóc sức khoẻ trong hệ thống Sao Đại Việt đang bảo trợ về tác hại của thuốc lá. Qua đó, vận động mọi người không hút thuốc lá, cũng như động viên các hội viên là những tuyên truyền viên ở cộng đồng cùng vận động mọi người không hút thuốc lá… Cuối phần phát biểu, bác sỹ Đỗ Nam Khánh đã thay mặt cho công ty Sao Đại Việt, cam kết sẽ luôn tích cực trở thành những tuyên truyền viên, tuyên truyền sâu rộng hơn nữa xuống cộng đồng nhằm chung tay xây dựng môi trường không khói thuốc lá.
Sau khi nghe những báo cáo tham luận về kết quả phòng chống thuốc lá của Hội GDCSSKCĐ Việt Nam, Viện Nghiên cứu Dưỡng sinh tâm thể Việt Nam và Công ty CP truyền thông chăm sóc sức khoẻ Sao Đại Việt, TS. Nguyễn Thiện Trưởng đã phát động hưởng ứng Ngày Thế giới không thuốc lá 31/5 và Tuần lễ quốc gia không thuốc lá 25 - 31/5: Thực hiện chương trình công tác năm 2022 của Hội GDCSSKCĐ Việt Nam, được sự quan tâm hỗ trợ của Quỹ phòng chống tác hại của thuốc lá, Hội GDCSSKCĐ Việt Nam sẽ tổ chức một số các hoạt động nhằm nâng cao sức khỏe cộng đồng và đặc biệt quan tâm hơn nữa đến công tác truyền thông để thực hiện tốt hơn nữa Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá. Hôm nay, tại lễ mít tinh, thay mặt lãnh đạo Hội GDCSSKCĐ Việt Nam, tôi xin phát động phong trào “VÌ SỨC KHỎE CỘNG ĐỒNG – NÓI KHÔNG VỚI THUỐC LÁ”. Lãnh đạo Hội đề nghị các chi hội, trung tâm, công ty, câu lạc bộ,... sau Lễ mít tinh hôm nay về triển khai đến các hội viên và tuyên truyền rộng ra cộng đồng để thực hiện tốt Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá.
Một số hình ảnh tại Lễ mít tinh:
Thu Trang
- Sản phẩm vì sức khỏe
-
Hội nghị Quốc tế “Cập nhật chẩn đoán và điều trị bệnh lý mũi xoang và đầu – cổ”
Tại Việt Nam, mỗi năm có hơn 20% dân số phải sống chung với viêm mũi xoang mạn tính, trong khi ung thư đầu cổ chiếm tới 10% tổng số ca ung thư - những con số vô cùng đáng báo động. Trước sự gia tăng nhanh chóng của các ca bệnh, việc nâng cao chất lượng chẩn đoán và điều trị bệnh lý mũi xoang và đầu - cổ đã trở nên vô cùng cấp thiết.November 22 at 3:53 pm -
Đau hơn sau khi tiêm tế bào gốc trong điều trị thoái hóa khớp: Điều bình thường và cách xử lý
Liệu pháp tế bào gốc mang lại hy vọng cho người bệnh trên hành trình tìm kiếm giải pháp cải thiện và giảm bớt đau đớn từ chấn thương hoặc các bệnh lý mãn tính.November 20 at 5:33 pm -
Mở khóa thanh xuân, trẻ khỏe toàn diện với liệu pháp tế bào gốc
Lão hóa là một quá trình phức tạp, không chỉ ảnh hưởng đến làn da, mái tóc mà còn tác động đến cấu trúc và chức năng của các cơ quan bên trong cơ thể. Ngày nay với sự phát triển vượt bậc của y học tái tạo, liệu pháp tế bào gốc được ứng dụng toàn diện giúp cơ thể khỏe mạnh từ bên trong, đồng thời duy trì nét tươi trẻ, rạng rỡ bên ngoài, làm chậm quá trình lão hóa.November 20 at 5:33 pm -
Tầm nhìn “Borderless Future” - Định hình tương lai không biên giới tại nơi làm việc tốt nhất Việt Nam
Ngày 19/11/2024, tại Hội nghị Nơi làm việc tốt nhất Việt Nam 2024, khi cái tên Unilever Việt Nam được xướng lên ở vị trí số 1 trong danh sách 100 doanh nghiệp lớn có môi trường làm việc tốt nhất, đó không chỉ là khoảnh khắc đáng tự hào mà còn là sự khẳng định cho tầm nhìn, những nỗ lực bền bỉ của một doanh nghiệp Top 1 ngành FMCG trong hành trình xây dựng môi trường làm việc hiện đại, bền vững.November 20 at 5:20 pm