Hồi sức trên đường vận chuyển gần 200 km để cứu sống sản phụ phản vệ nguy kịch

Mới đây, Đội cấp cứu ngoại viện của Trung tâm Hồi sức tích cực cùng các bác sĩ phẫu thuật mạch máu của Khoa Phẫu thuật Lồng Ngực mạch máu - Bệnh viện Bạch Mai đã thực hiện nhiệm vụ ngoạn mục để chạy đua với thời gian, cấp cứu cho một bệnh nhân bị phản vệ nguy kịch.
23/03/2022 19:52

Vào 14h47 ngày 01/03/2022, Trung tân Hồi sức tích cực - Bệnh viện Bạch Mai tiếp nhận hội chẩn cấp cứu từ Khoa Hồi sức tích cực - Bệnh viện đa khoa tỉnh Yên Bái về một trường hợp bệnh nhân Vũ Thu H. (28 tuổi), tiền sử khỏe mạnh, chẩn đoán phản vệ nguy kịch biến chứng suy đa tạng/Thai 39 tuần đã phẫu thuật, đang duy trì nhiều vận mạch liều cao và đáp ứng rất kém, nguy cơ tử vong rất cao không đủ an toàn chuyển lên tuyến trên và đề nghị hỗ trợ ECMO tại chỗ cho bệnh nhân.

Trước đó 11h ngày 28/2/2022, bệnh nhân vào Bệnh viện đa khoa hữu nghị 103 (Yên Bái) mổ lấy thai 39 tuần. Trong quá trình mổ, bệnh nhân có xuất hiện tụt huyết áp, các bác sĩ nghi ngờ tụt huyết áp do phản vệ, đã nhanh chóng tiến hành cấp cứu theo phác đồ, đặt ống nội khí quản thở máy, ca mổ sau đó được tiếp tục tiến hành thành công và lấy ra bé trai nặng 3.5kg.

Sau khi kết thúc cuộc mổ, vào lúc 2h ngày 01/03, bệnh nhân lại xuất hiện tình trạng tụt huyết áp, khó thở tăng dần nên được chuyển sang Bệnh viện đa khoa tỉnh Yên Bái. Tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Yên Bái, tình trạng nặng dần không đáp ứng với các biện pháp hồi sức tích cực, tiên lượng bệnh tử vong.

Empty

Các bác sỹ triển khai kỹ thuật ECMO - cứu cánh cuối cùng để mang lại hi vọng sống cho bệnh nhân 

Trước tình trạng đó, lãnh đạo Khoa Hồi sức tích cực - Bệnh viện đa khoa tỉnh Yên Bái liên hệ với PGS.TS. Đặng Quốc Tuấn - Phụ trách Trung tâm Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bạch Mai hội chẩn đề nghị hỗ trợ chuyên môn. Sau khi nhanh chóng trao đổi diễn biến và tình trạng bệnh, Trung tâm Hồi sức tích cực phối hợp với Trung tâm Đào tạo và Chỉ đạo tuyến - Bệnh viện Bạch Mai nhanh chóng cử kíp Hồi sức lưu động gồm bác sĩ Nguyễn Bá Cường - Trưởng Đơn vị Hồi sức lưu động dẫn đầu khẩn cấp lên đường đi Yên Bái. Đi cùng ekip có bác sĩ Nguyễn Tú Anh, điều đưỡng Nguyễn Viết Long thuộc Đơn vị hồi sức lưu động và bác sĩ Hoàng Vũ- Khoa phẫu thuật lồng ngực.

Tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Yên Bái, các bác sĩ đã phối hợp, đánh giá tình trạng bệnh nhân và thống nhất đưa ra chẩn đoán và tiến hành vào ECMO ngay lập tức. Đây là cứu cánh cuối cùng để mang lại hi vọng sống cho bệnh nhân. Vào lúc 18h cùng ngày, bệnh nhân đã được vào ECMO an toàn. Đến 20h10, tình trạng lâm sàng của bệnh nhân cho phép, Đơn vị hồi sức lưu động bắt đầu chuyển bệnh nhân về Bệnh viện Bạch Mai tiếp tục theo dõi và điều trị.

Empty

Hồi sức tại chỗ đã khó, hồi sức trên đường vận chuyển gần 200 km là một bài toán không đơn giản!

Tính từ thời điểm PGS Đặng Quốc Tuấn nhận được điện thoại xin hỗ trợ từ Bệnh viện đa khoa Yên Bái đến lúc xong ECMO chưa đến 3 giờ 15 phút (bao gồm cả thời gian chuẩn bị, di chuyển ở quãng đường khoảng 200 km). Nếu không có sự phối hợp tốt giữa các bác sĩ, điều dưỡng giữa các bệnh viện thì khó lòng cứu sống các bệnh nhân nguy kịch như thế này. Hồi sức tại chỗ đã khó, hồi sức trên đường vận chuyển gần 200 km là một bài toán không đơn giản.

Tại Trung tâm Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bạch Mai, bệnh nhân tiếp tục được duy trì ECMO, kháng sinh liều cao, hồi sức và thở máy. Tình trạng bệnh nhân dần cải thiện. Vào lúc 18h ngày 06/03/2022, bệnh nhân đau bụng nhiều, tụt huyết áp, siêu âm thấy nhiều dịch trong ổ bụng, chọc hút thăm dò ra dịch máu. Bệnh nhân đã được tiến hành hội chẩn toàn viện thống nhất chẩn đoán: Sốc mất máu - Chảy máu trong ổ bụng - Sốc phản vệ / Sau mổ lấy thai lần 2, chuyển mổ cấp cứu. Sau mở bụng thăm dò phát hiện bệnh nhân bị vỡ bàng quang gây chảy máu nhiều trong ổ bụng, tiến hành khâu mạch máu, khâu bàng quang, lau rửa ổ bụng đặt sonde dẫn lưu.

Empty

Bệnh nhân H. trong những ngày đang điều trị tại Trung tâm Hồi sức tích cực, BV Bạch Mai

Ngày 07/3/2022, bệnh nhân tỉnh táo, được tiến hành kết ECMO và rút ống nội khí quản. Bệnh nhân tiếp tục được điều trị, chăm sóc tại Trung tâm Hồi sức tíc cực từ 08/3/2022 đến 21/3/2022, tình trạng bệnh nhân tiến triển tốt dần, tự ăn uống, vận động, được rút các sonde dẫn lưu. Hiện tại, bệnh nhân đã hồi phục hoàn toàn, các chức năng gan thận trở về bình thường, siêu âm tim chức năng tim tốt, không có huyết khối, vận động ăn uống được.Chiều ngày 22/3, bệnh nhân đã được ra viện trong niềm vui của gia đình và các thầy thuốc.

Empty

Chiều ngày 22/3, bệnh nhân đã được ra viện trong niềm vui của gia đình và các thầy thuốc

Đánh giá về ca bệnh này, PGS. TS Đặng Quốc Tuấn - Phụ trách Trung tâm Hồi sức tích cực Bệnh viện Bạch Mai cho biết: Thành công của ca bệnh này là nhờ sự chỉ đạo quyết liệt của Ban lãnh đạo cùng sự phối hợp tốt giữa các Khoa/Phòng/ Trung tâm trong bệnh viện và quá trình điều trị hồi sức tích cực của các bác sĩ Trung tâm Hồi sức tích cực trong thời gian gần 1 tháng, đã đưa bệnh nhân từ cõi chết trở về, hồi phục hoàn toàn. Bên cạnh đó, Bệnh viện đa khoa tỉnh Yên Bái là một trong những bệnh viện vệ tinh của Bệnh viện Bạch Mai, đã được giảng dạy và hướng dẫn về các kĩ thuật cao trong điều trị, trong đó có kĩ thuật ECMO (Tim phổi nhân tạo) nên đã hội chẩn đề nghị hỗ trợ chuyên môn kịp thời giúp bệnh nhân có cơ hội cứu chữa.

Theo Bệnh viện Bạch Mai

comment Bình luận

largeer