Thứ Ba, 3/12/2019 02:20
RSS
Hotline: 0913019054

Hội thảo khoa học “Bác Hồ với giáo dục, giáo dục với Bác Hồ”

Sáng 12/5, tại Hà Nội, Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT), Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức Hội thảo khoa học “Bác Hồ với giáo dục, giáo dục với Bác Hồ”.
12/05/2025 15:03

Tham dự Hội thảo có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa; Bộ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Kim Sơn, các Phó trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương Huỳnh Thành Đạt, Vũ Thanh Mai.

Hội thảo được tổ chức nhân kỷ niệm 135 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 – 19/5/2025); 80 năm ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh viết bức thư đầu tiên gửi học sinh, sinh viên, đội ngũ nhà giáo (15/9/1945 – 15/9/2025) và 80 năm thành lập Bộ Quốc gia Giáo dục, nay là Bộ GDĐT (28/8/1945 – 28/8/2025.

hoithao

Quang cảnh hội thảo

Làm rõ hơn những giá trị trường tồn trong tư tưởng Hồ Chí Minh về giáo dục

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa khẳng định: Trong bài viết với tiêu đề “Học tập suốt đời”, Tổng Bí thư Tô Lâm đã nhấn mạnh: “Chúng ta đang sống trong thời đại mà tri thức, kiến thức, hiểu biết sẽ giúp con người phát huy cao độ tiềm năng để tận dụng tốt các cơ hội, ứng phó hiệu quả với những thách thức để phát triển bền vững; cũng là thời đại mà khối lượng kiến thức của nhân loại tăng lên hằng ngày theo cấp số nhân. Chỉ khi toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, nhà nhà, người người thực hiện hiệu quả học tập suốt đời, xây dựng được đội ngũ cán bộ dám làm, dám nói, dám chịu trách nhiệm, dám hy sinh, chúng ta mới vững vàng tiến vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên phát triển, giàu mạnh dưới sự lãnh đạo của Đảng”.

Tiếp nối tinh thần chỉ đạo đó, Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương đề nghị các đại biểu dự hội thảo tập trung phân tích, luận giải và làm sáng tỏ hơn nữa ý nghĩa cũng như giá trị trường tồn trong tư tưởng, phương pháp, phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh về giáo dục và đào tạo, đặc biệt là trong phát triển toàn diện con người và giáo dục đạo đức cách mạng cho toàn thể cán bộ, đảng viên, từ đó, đúc rút những bài học thiết thực để lan tỏa và vận dụng hiệu quả vào công tác quản lý, dạy và học.

Bên cạnh đó, hiến kế, đề xuất các giải pháp nhằm khơi thông những điểm nghẽn, tháo gỡ các vấn đề then chốt nhất trong giáo dục và đào tạo. Những đề xuất này sẽ góp phần tư vấn, tham mưu cho Bộ Chính trị, các ban, ngành, đồng thời hỗ trợ tổ chức thực hiện có hiệu quả các Nghị quyết - đặc biệt là Nghị quyết đột phá phát triển giáo dục và đào tạo, qua đó tạo nên một cuộc cách mạng trong lĩnh vực này, đưa đất nước ta vững vàng bước vào kỷ nguyên mới.

Thông qua Hội thảo, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa mong muốn, những giá trị trong di sản của Chủ tịch Hồ Chí Minh về giáo dục và đào tạo sẽ lan tỏa, biến hóa mạnh mẽ vào chủ trương, đường lối chính sách, vào thực tiễn tổ chức, vận hành nền giáo dục Việt Nam, góp phần làm nên những thắng lợi mới của nền giáo dục và đào tạo, đóng góp vào sự nghiệp đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực chất lượng cao, trình độ cao - nguồn lực động lực quan trọng nhất để xây dựng, phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc.

Phát huy tư tưởng Hồ Chí Minh về tinh thần học tập suốt đời

Tại hội thảo, các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý, sinh viên đã cùng thảo luận, trao đổi về các nội dung: Tư tưởng Hồ Chí Minh về nền giáo dục Việt Nam: Kiến tạo, nhân văn, tiến cùng thời đại; Tư tưởng Hồ Chí Minh về 3 quan điểm giáo dục vận dụng trong bối cảnh hiện nay; Tư tưởng Hồ Chí Minh về tinh thần tự học và học tập suốt đời gắn với nghiên cứu, quán triệt triển khai chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm trong bài viết về “Học tập suốt đời”.

Cùng với đó, hội thảo cũng ghi nhận các đóng góp vận dụng tư tưởng của Hồ Chí Minh về coi trọng người học đến việc dạy học theo định hướng phát triển phẩm chất, năng lực người học trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018; Triết lý giáo dục Hồ Chí Minh trong kỷ nguyên phát triển mới của dân tộc; Quan điểm, tư tưởng cốt lõi của Chủ tịch Hồ Chí Minh về tinh thần tự học và học tập suốt đời; Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về giáo dục chủ nghĩa yêu nước cho sinh viên trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc; Học sinh, sinh viên học tập và làm theo tư tưởng học tập suốt đời của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong kỷ nguyên mới...       

Ngành Giáo dục tự soi, tự sửa ở quy mô lớn

Phát biểu kết luận hội thảo, Bộ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Kim Sơn cho biết, hội thảo hôm nay một lần nữa tiếp tục khẳng định vai trò to lớn của giáo dục trong việc rèn luyện nhân cách, phát triển con người. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thể hiện tư tưởng quan trọng về nhân tính, thể hiện cái nhìn rất nhân bản về con người: “Hiền dữ đâu phải là tính sẵn. Phần nhiều do giáo dục mà nên”.

Theo Bộ trưởng, Chủ tịch Hồ Chí Minh quan niệm giáo dục không chỉ trang bị kiến thức, mà giáo dục cần chú trọng rèn luyện đạo đức, nhân cách, tình cảm, lối sống, nhằm tạo ra những con người vừa có tài, vừa có đức, trong đó đức là nền tảng. Giáo dục nhằm phát triển  con người một cách toàn diện gồm cả đức, trí, thể, mỹ, hội đủ các phẩm chất nhân, lễ, nghĩa, trí, tín, dũng, liêm, chính, …

Tư tưởng giáo dục của Chủ tịch Hồ Chí Minh vừa kế thừa chắt lọc từ tinh hoa truyền thống văn hóa giáo dục của dân tộc, vừa thâu thái những tư tưởng giáo dục tiên tiến của nhân loại. Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh vai trò của tự học, học tập thường xuyên, học tập suốt đời, học mọi nơi mọi lúc, học của mọi người là phương cách để phát triển con người, để con người luôn thích ứng, đáp ứng các yêu cầu của công việc và yêu cầu của thời đại.

Nhấn mạnh từ khóa được đề cập nhiều nhất là “tự học” và “học tập suốt đời”, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho rằng, quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về vấn đề tự học không chỉ nhấn mạnh là trang bị kiến thức, kỹ năng, phát triển ngoại ngữ, tiếp cận tri thức vô tận,.. mà một phương diện tự học rất quan trọng của Chủ tịch Hồ Chí Minh là phát triển con người và nhân cách. Đó là “tự giáo”, nghĩa là tự phát triển bản thân, tự tu, tự dưỡng, tự điều tiết, tự sỉ, tự nhục, biết hổ thẹn và phải liêm chính, để con người phải thay đổi, đáp ứng yêu cầu của cách mạng thời đại, đó là tự phát triển con người của chính mình. Tự học đó mới là chiều sâu và đặc sắc. 

Trong bối cảnh mới, Đảng và Nhà nước xác định giáo dục đào tạo cùng với khoa học công nghệ là quốc sách hàng đầu, đã và đang có nhiều chính sách quan trọng, đột phá, Bộ trưởng nhấn mạnh, ngành Giáo dục và đào tạo sẽ tiếp tục thấm nhuần sâu sắc và vận dụng hiệu quả tư tưởng Hồ Chí Minh về giáo dục; tư tưởng, triết lý, tinh thần giáo dục, tinh thần học tập và tự học, học tập suốt đời của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Đó là, tiếp tục nghiên cứu, làm sáng rõ thêm di sản của Chủ tịch Hồ Chí Minh về giáo dục; Làm theo, thực hiện và phát huy tư tưởng giáo dục Hồ Chí Minh trong việc xây dựng xã hội học tập và việc học tập suốt đời, thúc đẩy tinh thần tự học; Nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, nhất là giáo dục đạo đức, lối sống, lý tưởng cách mạng, xây dựng thế hệ công dân mới phát triển toàn diện cả đức - trí - thể - mỹ; Tiếp tục chăm lo, phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục, xem đây là nhân tố quyết định sự thành công của công cuộc đổi mới.  

Bộ trưởng cho rằng, hội thảo hôm nay còn là một hoạt động giáo dục quan trọng, để ngành giáo dục tự soi, tự sửa ở quy mô lớn. 

z65934438649500c0fdb5178aefa36150e71885eab3c64

Đại biểu dự hội thảo chụp ảnh lưu niệm

Sau hội thảo, Ban Tổ chức sẽ tổng hợp nội dung khoa học, xây dựng báo cáo kiến nghị để gửi tới các bộ, ngành, địa phương liên quan nghiên cứu và vận dụng để tiếp tục thực hiện hiệu quả các nghị quyết, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước về phát triển giáo dục và đào tạo theo tinh thần kế thừa và phát huy tư tưởng giáo dục Hồ Chí Minh. 

Trung tâm Truyền thông và Sự kiện

comment Bình luận