Hợp tác xã Mây tre đan Bao La nỗ lực vực dạy làng nghề truyền thống

Với nỗ lực vực dậy làng nghề truyền thống “cha truyền con nối”, Hợp tác xã Mây tre đan Bao La đã ra đời và có những bước đi vững chắc, tạo việc làm cho các hộ sản xuất mây tre tại địa phương và một bộ phận lao động nông dân, góp phần thiết thực vào phong trào xây dựng nông thôn mới.
14/12/2023 10:44

Làng Bao La, xã Quảng Phú, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên – Huế là một làng nghề truyền thống mây tre đan đã có từ lâu đời hơn 600 năm. Thế rồi các sản phẩm nhựa cao cấp, nhựa tái chế ào ạt xuất hiện trên thị trường với giá rẻ, mẫu mã phong phú và nhiều tính năng vượt trội nên hàng mây tre đan bỗng chốc trở thành sản phẩm “bỏ đi”. Nghề đan đát cũng thất truyền từ đó. Với nỗ lực vực dậy làng nghề truyền thống “cha truyền con nối”, Hợp tác xã Mây tre đan Bao La đã ra đời và có những bước đi vững chắc, tạo việc làm cho các hộ sản xuất mây tre tại địa phương và một bộ phận lao động nông dân, góp phần thiết thực vào phong trào xây dựng nông thôn mới.

baola1

Xã viên HTX phơi sản phẩm thủ công mây tre đan

Cùng với kế hoạch của UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế nhằm khôi phục và phát triển nghề, làng nghề truyền thống của UBND tỉnh, cộng với niềm đam mê và tâm huyết của những người con làng Bao La và một số vùng quê trên địa bàn huyện Quảng Điền, năm 2007 Hợp tác xã (HTX) Mây tre đan Bao La và Thủy Lập được thành lập. Lúc đầu, các HTX này chỉ sản xuất những sản phẩm chủ yếu phục vụ nông nghiệp và sinh hoạt của người dân địa phương (như rổ, rá,...), được bán ở các chợ làng. Khó khăn về đầu ra khiến cho việc sản xuất và tiêu thụ sản phẩm rất hạn chế, có lúc tưởng chừng đi vào bế tắc. Không chịu khoanh tay đứng nhìn, các nghệ nhân làng nghề đã mày mò nghiên cứu, sáng tạo và thiết kế ra nhiều mẫu mã mới để đáp ứng nhu cầu đa dạng của thị trường, đến nay đã có hơn 500 mẫu sản phẩm. Từ năm 2009, HTX chuyển sang sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ mây tre. Mỗi năm, có 60 - 70 mẫu mới được ra đời. Đặc biệt bộ sản phẩm bộ rổ, rá, lồng đèn trang trí (đèn Lục giác) được tỉnh Thừa Thiên Huế chứng nhận OCOP 4 sao. Ngoài những sản phẩm phục vụ nhu cầu sản xuất nông nghiệp của người dân, HTX đã sản xuất các loại lồng đèn, túi xách, bình hoa, nan quạt, lồng chim, bàn ghế sôpa và các vật dụng trang trí của các quán cà phê, nhà hàng, khách sạn trong nước và xuất khẩu ra nhiều nước. Nhờ đó cũng tạo thêm nhiều việc làm cho hội viên. Chú trọng đến công tác xúc tiến thương mại để mở rộng thị trường, HTX cũng đã thành lập website và sử dụng các kênh mạng xã hội, đồng thời tích cực tham gia xúc tiến thương mại của các đơn vị, ban ngành tổ chức. Thông qua Công ty TNHH Vạn Xuân ở tỉnh Quảng Bình và một số đối tác ở TP. Hồ Chí Minh, năm 2013 các sản phẩm mây tre đan do HTX sản xuất đã xuất khẩu và có chỗ đứng trên thị trường các nước, được các đối tác đón nhận vì mẫu mã đẹp, tinh xảo và giá cả hợp lý. Với thành công bước đầu, HTX dần đẩy mạnh thiết kế mẫu, tạo ra nhiều mẫu mã mới phục vụ thị trường trong nước và tiếp tục cung ứng hàng cho các doanh nghiệp xuất khẩu sang thị trường châu Âu.

baola2

Học sinh thăm quan trải nghiệm tại HTX Mây tre đan Bao La (Nguồn: Ban TĐKT tỉnh Thừa Thiên – Huế)

Bên cạnh phát triển sản phẩm và xúc tiến thương mại để tăng doanh thu, hàng năm HTX đều có những lớp đào tạo nghề để phát triển thêm tay nghề, thu hút thêm nhân lực cho HTX, tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động địa phương. Trong 3 năm (2020-2022), ngoài sự hỗ trợ của nhà nước, HTX đã đầu tư 722 triệu đồng làm đường, cải tạo nhà xưởng, làm thêm nhà vệ sinh, nhà xe, nhà để máy, nâng mặt bằng khuôn viên HTX, bồn hoa và cây cảnh... HTX Mây tre đan Bao La hiện nay là một điểm đến thu hút đông đảo du khách đến tham quan, trải nghiệm mỗi ngày. Định hướng phát triển của HTX là gắn sản xuất với hoạt động tham quan trải nghiệm làng nghề, góp phần tăng thêm thu nhập cho người lao động. Hiện có 156 lao động làm việc thường xuyên cho HTX, kể cả làm tập trung và ở gia đình với thu nhập của thành viên đạt 145.000-155.000 đồng/người/ngày. Doanh thu năm 2022 gần 4,3 tỷ đồng, dự kiến năm 2023 là 6 tỷ đồng.

Chặng đường phát triển hơn 20 năm đã dần khẳng định chỗ đứng của Hợp tác xã trên thị trường. Với những hoạt động hiệu quả trong gìn giữ và phát triển làng nghề truyền thống, HTX Mây tre đan Bao La đã cùng địa phương hoàn thành các tiêu chí về thu nhập, giảm tỷ lệ hộ nghèo, tổ chức sản xuất,... góp phần đưa xã Quảng Phú đạt chuẩn xã Nông thôn mới nâng cao năm 2023.

Hoàng Giang

comment Bình luận

largeer