Hướng dẫn chế độ dinh dưỡng cho bệnh nhân tăng Triglycerid máu

Triglyceride là loại chất béo chiếm tỷ lệ nhiều nhất trong chế độ ăn uống thông thường. Chúng có mặt nhiều nhất ở mô mỡ, có tác dụng dự trữ và cung cấp năng lượng cho cơ thể khi cần thiết. Tuy nhiên, khi chỉ số Triglyceride trong máu cao có thể làm tăng nguy cơ mắc các bệnh lý tim mạch, và đặc biệt tăng nguy cơ viêm tụy cấp khi triglycerid > 10 mmol/l.
21/05/2025 10:30

Tăng triglyceride máu là khi nồng độ triglyceride máu ≥ 1,7 mmol/l (150mg/dL).

mau

Phân loại tăng triglyceride máu theo American College of Cardiology (ACC)

Triglyceride máu tăng bao gồm nguyên phát và thứ phát trong đó nguyên phát chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ (1/106 - 1/100 tùy từng rối loạn). Nguyên nhân nguyên phát chủ yếu do yếu tố di truyền hoặc đột biến gen liên quan đến quá trình tổng hợp và chuyển hóa triglycerid. Nguyên nhân thứ phát bao gồm: Bệnh lý nền (đái tháo đường, bệnh thận mạn, hội chứng thận hư, suy giáp, hội chứng Cushing, bệnh lý viêm…); tiêu thụ nhiều rượu, bia; chế độ ăn giàu chất béo bão hòa, trans fat, đường đơn, thực phẩm có hàm lượng đường cao; lối sống ít vận động; bệnh chuyển hóa (thừa cân, béo phì, hội chứng chuyển hóa, kháng insulin,…); sử dụng 1 số thuốc như: corticosteroid, thuốc tránh thai.

Thay đổi lối sống và kiểm soát các nguyên nhân thứ phát luôn là phương pháp điều trị được nhấn mạnh đầu tiên trong quản lý bệnh nhân tăng triglyceride máu.

Nguyên tắc dinh dưỡng

Thành phần và các chất dinh dưỡng trong chế độ ăn sẽ thay đổi tùy theo mức độ tăng triglyceride máu nhưng đều tuân theo nguyên tắc:

- Duy trì cân nặng khỏe mạnh (BMI 18,5-22,9 kg/m2).

- Năng lượng: 30-35 Kcal/kg cân nặng lý tưởng/ngày.

- Hạn chế chất béo: Trong trường hợp tăng triglyceride máu nặng và rất nặng thì hạn chế tối đa chất béo.

- Hạn chế đường đơn: Ăn vừa phải nhóm tinh bột, ưu tiên thực phẩm có chỉ số đường huyết thấp/ trung bình;

- Chất xơ: > 20g/ngày.

- Hạn chế rượu, bia.

Các thực phẩm nên dùng

 - Nhóm tinh bột: Các loại tinh bột không tinh chế có nhiều chất xơ như gạo lứt, gạo xay xát dối, ngũ cốc nguyên hạt, ngô, khoai… Nếu ăn gạo xay xát kỹ thì cần phối hợp ăn nhiều rau trước.

- Nhóm chất đạm: Các loại thịt ít béo như thịt thăn, lườn gà, ức gà, cá, tôm, cua…; các loại đạm có nguồn gốc thực vật như đậu phụ, đỗ.

- Nhóm chất xơ: Ăn đa dạng, đặc biệt các loại rau có nhiều chất xơ như rau mồng tơi, rau đay, quả đậu bắp, rau cải,…

- Nhóm chất béo: Nên sử dụng các loại dầu thực vật như dầu ô liu, dầu đậu nành, dầu vừng...

- Nhóm quả chín: Các loại quả ít đường, nhiều chất xơ ổi, roi, cam, thanh long, dâu tây, kiwi, dưa chuột, củ đậu,…

Các thực phẩm hạn chế dùng

 - Nhóm tinh bột: Các loại tinh bột tinh chế, hấp thu nhanh bao gồm các loại bột gạo, bột sắn, bột dong, các loại khoai củ chế biến dạng nướng,…

- Nhóm chất đạm: Các loại thịt có nhiều chất béo không no như thịt vai, thịt ba chỉ, thịt vịt, thịt ngỗng, thịt chim bồ câu, thực phẩm chế biến sẵn như pate, lạp xưởng, xúc xích, chả lợn, giò thủ…

- Nhóm chất béo: Các loại chất béo no (chủ yếu từ nguồn động vật, dầu cọ, dầu dừa); phủ tạng động vật.

- Các loại quả có hàm lượng đường cao: Na, nhãn, vải, mít, chuối, hồng xiêm, chôm chôm…

Các thực phẩm không nên dùng

- Các đồ uống có nhiều đường, hấp thu nhanh: Trà sữa, bánh kẹo, nước ngọt….

- Rượu, bia, nước uống có cồn.

Một số thực đơn mẫu

thucdon
td
td1

Thực phẩm thay thế tương đương

Nhóm đạm: 100g thịt lợn nạc tương đương với: 100g thịt bò; 100g thịt gà; 120g tôm, cá nạc, 2 quả trứng vịt; 3 quả trứng gà; 8 quả trứng chim cút, 200g đậu phụ.

Nhóm chất bột: 100g gạo tương đương 2 nửa bát cơm; 100g miến; 100g bột mỳ; 100g bánh quy; 100g phở khô; 100g bún khô; 170g bánh mỳ; 250g bánh phở tươi; 300g bún tươi; 400g khoai củ các loại.

Nhóm chất béo: 1 thìa dầu ăn (5ml) tương đương 8g lạc hạt, 8g vừng.

Muối: 1g muối ăn tương đương với 5ml nước mắm, 7ml xì dầu.

Vận động thể lực - Biện pháp cải thiện Triglycerid trong máu

Tập thể dục thường xuyên: Đây là biện pháp được ưu tiên hàng đầu để cải thiện tình trạng rối loạn chuyển hóa Lipid nói chung và tăng Triglyceride trong máu nói riêng. Khuyến cáo tập thể dục ít nhất 150 phút/ tuần (30 phút/ngày) với bài tập cường độ trung bình hoặc ít nhất 75 phút (15 phút/ngày) với bài tập cường độ cao. Bài tập cường độ trung bình: Đi bộ nhanh (~ 4km/h), đạp xe chậm, khiêu vũ, quần vợt (đánh đôi), bơi lội, làm vườn…

Bài tập cường độ cao: Chạy bộ, đạp xe > 15km/h, bơi lội cường độ cao, quần vợt (đánh đơn), đi bộ đường dài lên dốc hoặc mang balo nặng…

Triglyceride là một chất béo có nhiều tác dụng đối với cơ thể, nhưng một khi chỉ số này tăng quá cao có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm. Có rất nhiều nguyên nhân có thể làm tăng Triglyceride máu, vì thế mọi người cần phải thực hiện phòng tránh những nguyên nhân có thể thay đổi được và kiểm tra sức khỏe định kỳ để có thể kịp thời phát hiện tình trạng này. Từ đó bác sĩ có thể đưa ra những phương pháp điều trị và dự phòng thích hợp.

Bệnh viện Bạch Mai

comment Bình luận