Hướng dẫn xử trí khi xảy ra ngộ độc thực phẩm

Xử trí kịp thời khi xảy ra ngộ độc thực phẩm là điều rất quan trọng để hạn chế các biến chứng nguy hiểm. Tương ứng với từng nguyên nhân gây ngộ độc thực phẩm sẽ có biện pháp xử trí khác nhau.
22/11/2024 14:24

Ngộ độc thực phẩm thường xuất hiện triệu chứng trong vòng vài giờ sau khi ăn, nhưng đôi khi cũng có thể kéo dài đến vài ngày. Thông thường có ba nhóm nguyên nhân chính dẫn đến ngộ độc thực phẩm bao gồm ngộ độc thực phẩm nhiễm hóa chất, ngộ độc thực phẩm nhiễm vi sinh vật và ngộ độc thực phẩm có độc tố tự nhiên.

Tương ứng với từng nguyên nhân gây ngộ độc thực phẩm sẽ có biện pháp xử trí khác nhau. Điều quan trọng là xử trí kịp thời, lưu trữ mẫu thực phẩm nghi ngờ (kèm thời gian sử dụng chi tiết) và đưa người bệnh đến cơ sở y tế để có biện pháp điều trị phù hợp, nhằm hạn chế tối đa các nguy cơ biến chứng nguy hiểm. Tuyệt đối không tự ý dùng thuốc nếu chưa có chỉ định của bác sĩ, đặc biệt là thuốc kháng sinh.

ndtp1

(Ảnh minh họa: HCDC)

Nếu phát hiện các dấu hiệu nghi ngờ ngộ độc thực phẩm nhiễm hóa chất trong vòng 6 giờ sau ăn, cần tiến hành gây nôn ngay lập tức (nếu người bệnh tỉnh táo và không bị co giật) và lưu mẫu các chất nôn từ dạ dày, thực phẩm nghi ngờ nhiễm hóa chất. Cho người bệnh uống than hoạt tính dạng bột để hấp thu chất độc còn lại trong hệ tiêu hóa sau khi nôn và tiến hành bù dịch, điện giải bằng dung dịch oresol (khoảng 100 - 200ml/1 giờ). Đảm bảo người bệnh được giữ ấm, nằm ở nơi thoáng khí và pha nước cháo đường và muối cho người bệnh uống liên tục (từ 2 - 4 lít trong 24 giờ).

Nếu người bệnh không cải thiện tình trạng hoặc có các triệu chứng nghiêm trọng như co giật, rối loạn ý thức hoặc suy hô hấp, cần đưa ngay đến cơ sở y tế để được cấp cứu kịp thời.

Xử trí ngộ độc thực phẩm nhiễm vi sinh vật

Khi phát hiện trường hợp ngộ độc thực phẩm nhiễm vi sinh vật, nếu có triệu chứng tiêu chảy, nôn ói, cần tiến hành điều trị tích cực cho người bệnh bằng cách bù nước và điện giải, thông qua việc sử dụng dung dịch điện giải oresol pha theo hướng dẫn hoặc các dung dịch nước muối đường. Khuyến khích người bệnh nghỉ ngơi để cơ thể có thời gian hồi phục và không nên cho người bệnh ăn các thực phẩm cứng, dầu mỡ hoặc đồ ăn khó tiêu.

Nếu các triệu chứng kéo dài hoặc có dấu hiệu nghiêm trọng (sốt cao, mất nước nghiêm trọng), cần đưa người bệnh đến ngay cơ sở y tế để được điều trị bằng kháng sinh hoặc hỗ trợ chuyên sâu khác.

Xử trí ngộ độc thực phẩm có độc tố tự nhiên

Do tính chất triệu chứng của ngộ độc thực phẩm có độc tố tự nhiên thường diễn tiến xấu nhanh, người bệnh cần được đưa ngay đến cơ sở y tế để điều trị khẩn cấp, đặc biệt nếu người bệnh có các triệu chứng nghiêm trọng như co giật, rối loạn ý thức hoặc suy hô hấp.

Nếu phát hiện trường hợp ngộ độc và chưa xuất hiện các triệu chứng nghiêm trọng trong vòng 6 giờ sau ăn, cần tiến hành gây nôn ngay lập tức và sử dụng than hoạt tính dạng bột để giảm lượng độc tố trong cơ thể. Bên cạnh đó, đảm bảo người bệnh được giữ ấm, bù dịch điện giải bằng dung dịch oresol và theo dõi chặt chẽ các triệu chứng nghiêm trọng về sau để kịp thời đưa đến cơ sở y tế nếu diễn tiến xấu.

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP. Hồ Chí Minh

comment Bình luận

largeer