Hướng tới nền công nghiệp công nghệ cao, tự chủ và bền vững: Cộng đồng doanh nghiệp và chính sách đồng hành

Trong bối cảnh Việt Nam đẩy mạnh chiến lược công nghiệp hóa và tăng cường nội địa hóa chuỗi cung ứng theo định hướng Nghị quyết 57/NQ-CP và 68/NQ-CP, cùng với sự phát triển của các ngành mũi nhọn như bán dẫn, trung tâm dữ liệu và sản xuất công nghệ cao, nhu cầu về nền tảng kết nối hiệu quả giữa doanh nghiệp - chính sách - công nghệ ngày càng trở nên cấp thiết.
27/05/2025 15:33

Triển lãm CLEANFACT & RHVAC VIỆT NAM 2025: Cầu nối cộng đồng công nghiệp

Theo thông tin tại sự kiện gặp mặt báo chí về chuỗi sự kiện quốc tế 2025 được tổ chức vào sáng 27/5, Triển lãm quốc tế công nghiệp Việt Nam 2025 (Viet Industry 2025), bao gồm: Triển lãm quốc tế phòng sạch và nhà máy công nghệ cao 2025 (Cleanfact Viet Nam 2025); Triển lãm quốc tế lạnh, điều hoà không khí, lọc không khí, thông gió và lọc bụi 2025 (RHVAC Vietnam 2025).

a1

Quang cảnh buổi họp báo

Sự kiện CLEANFACT VIỆT NAM 2025 & RHVAC VIỆT NAM 2025, diễn ra từ ngày 11 đến 13/09/2025 tại Cung Kiến trúc Quy hoạch Xây dựng Quốc gia (NECC), Hà Nội, là một trong những nỗ lực nhằm thúc đẩy kết nối giữa doanh nghiệp với chính sách và giải pháp kỹ thuật. Sự kiện này bao gồm hai triển lãm chuyên ngành:

Triển lãm Quốc tế Phòng sạch và Nhà máy công nghệ cao 2025 (CLEANFACT VIỆT NAM 2025): Tập trung vào thiết bị, vật liệu, dụng cụ và giải pháp thi công phòng sạch; hệ thống đo kiểm, giám sát chất lượng môi trường; dịch vụ tích hợp hệ thống, bảo trì và vận hành phòng sạch; giải pháp tự động hóa, tối ưu năng suất và chất lượng nhà máy.

Triển lãm Quốc tế Lạnh, Điều hòa Không khí, Lọc Không khí, Thông gió và Lọc bụi 2025 (RHVAC VIỆT NAM 2025): Quy tụ các doanh nghiệp cung cấp thiết bị HVAC dân dụng và công nghiệp; hệ thống làm lạnh và điều hòa thương mại; thiết bị xử lý không khí, lọc bụi – khí thải; vật liệu cách nhiệt và phụ kiện HVAC; giải pháp điều khiển thông minh (AI, IoT); công nghệ tiết kiệm năng lượng, giảm phát thải.

Sự kiện dự kiến thu hút hơn 10.000 lượt khách chuyên ngành và hơn 500 gian hàng đến từ hơn 10 quốc gia như Nhật Bản, Hàn Quốc, EU, Singapore, Trung Quốc, Ấn Độ, tạo điều kiện thuận lợi cho việc trao đổi, hợp tác và phát triển giữa các doanh nghiệp trong và ngoài nước.

Một ví dụ điển hình về sự hợp tác giữa doanh nghiệp nhà nước và tư nhân là thỏa thuận hợp tác toàn diện giữa Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) và Tập đoàn Hòa Phát. Hợp tác này nhằm phát huy tối đa tiềm năng, thế mạnh, kinh nghiệm và nguồn lực của mỗi bên để cùng hợp tác trong các lĩnh vực cốt lõi như năng lượng, công nghiệp thép, phát triển hạ tầng, nghiên cứu công nghệ mới, chuyển đổi năng lượng và khử carbon, góp phần vào sự phát triển bền vững của đất nước.

Phát triển công nghiệp hỗ trợ: Nền tảng cho sự tự chủ

Theo Bộ Công Thương, để nâng cao năng lực các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ, điều kiện tiên quyết là phải có ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong nước phát triển. Từ đó, mở ra cơ hội thị trường cho doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trở thành nhà cung cấp, tham gia chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp sản phẩm cuối cùng. Ngoài ra, cần đẩy nhanh tiến độ xây dựng các khu công nghiệp hỗ trợ tập trung để tạo cụm liên kết ngành; phát triển các ngành công nghiệp vật liệu nhằm tăng cường tính tự chủ về nguyên vật liệu đầu vào cho sản xuất, giảm sự phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu.

Việc xây dựng nền công nghiệp công nghệ cao, tự chủ và bền vững tại Việt Nam đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ giữa các doanh nghiệp, cơ quan quản lý và cộng đồng. Thông qua các sự kiện như CLEANFACT & RHVAC VIỆT NAM 2025, cùng với các mô hình hợp tác chiến lược giữa doanh nghiệp nhà nước và tư nhân, Việt Nam đang từng bước tiến tới mục tiêu phát triển công nghiệp hiện đại, đáp ứng yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và hội nhập quốc tế.

Nguyễn Nghị - Thanh Tùng

comment Bình luận