Italy công bố chính sách siết chặt yêu cầu tiêm chủng vaccine COVID-19

Italy vừa thông báo chính sách siết chặt yêu cầu tiêm chủng ngừa COVID-19, khiến người chưa tiêm vaccine có thể bị mất việc làm và không được trả lương.
16/10/2021 11:41

Theo quy định mới công bố hôm 15/10, người lao động trong mọi ngành nghề ở Italy sẽ phải quét mã QR xác nhận thẻ xanh y tế trước khi vào làm việc, theo Washington Post.

Để có thẻ xanh y tế, người dân Italy có hai lựa chọn, hoặc tiêm đủ liều vaccine COVID-19, hoặc xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2.

Tuy nhiên, xét nghiệm âm tính chỉ có giá trị trong 48 giờ đồng hồ. Hết thời hạn này, người dân cần xét nghiệm lại để gia hạn thẻ xanh. Chi phí xét nghiệm như vậy có thể lên đến 230 USD mỗi tháng.

Những người không có thẻ xanh y tế sẽ không được làm việc, đồng nghĩa mất đi thu nhập. Bên cạnh đó, thẻ xanh y tế cũng là yêu cầu bắt buộc khi sử dụng các dịch vụ như nhà hàng, rạp phim, giao thông công cộng.

A1

Du khách được yêu cầu trình diện thẻ xanh y tế tại Đấu trường Colosseum, Rome

Ước tính khoảng 2,2-2,5 triệu người, trong tổng số 23 triệu lao động của Italy, chưa tiêm vaccine. Với một số lĩnh vực quan trọng như thể thao, tỷ lệ chưa tiêm vaccine lên đến gần 40%.

Ngành nông nghiệp Italy có nguy cơ bị gián đoạn bởi lượng lớn lao động là người nước ngoài, người nhập cư bất hợp pháp, chưa tiêm vaccine.

Chính phủ Italy kỳ vọng chính sách mới sẽ thúc đẩy ít nhất 600.000 người tham gia tiêm chủng.

Việc siết chặt yêu cầu tiêm chủng đã gây ra sự chia rẽ trong dư luận Italy. Đa phần ủng hộ quy định về tiêm chủng bởi vaccine là công cụ giúp thoát khỏi đại dịch và trở lại cuộc sống bình thường.

Tuy nhiên, những người phản đối cho rằng tiêm chủng là lựa chọn cá nhân, quy định về thẻ xanh xâm phạm tới quyền tự do của công dân, cũng như tạo ra sự phân biệt đối xử giữa người đã tiêm chủng và nhóm chưa tiêm vaccine.

Tới ngày 14/10, Italy đã tiêm ít nhất một mũi vaccine COVID-19 cho 46 triệu người, tương đương 77,3% dân số. Khoảng 42 triệu dân, tương đương 70,6% dân số, đã tiêm đủ 2 mũi vaccine.

Vũ Hường (Theo Washington Post)

comment Bình luận

largeer