Khi bị đau thần kinh tọa cần khám khoa nào?

Đau thần kinh tọa đang trở thành nỗi ám ảnh với nhiều người bệnh, khi chúng không chỉ gây ra những cơn đau đớn cho họ mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng vận động cũng như sinh hoạt hàng ngày của họ. Do đó, để hạn chế rủi ro và biến chứng từ bệnh đau thần kinh tọa cho người bệnh, việc tìm ra nguyên nhân gây bệnh để kịp thời điều trị là vô cùng quan trọng.
23/03/2023 16:59

Đau thần kinh tọa là bệnh gì?

Đau thần kinh tọa (Sciatica pain) hay còn gọi là bệnh đau thần kinh hông to, đây là bệnh lý xảy ra khi người bệnh xuất hiện cơn đau dọc theo đường đi của thần kinh tọa, đa phần người bệnh sẽ có cơn đau tại cột sống thắt lưng sau đó lan xuống mông rồi đến mặt trước trong hoặc ngoài đùi, xuống cẳng chân, mắt cá chân và thậm chí là đau lan xuống tận các ngón chân. Tuy nhiên, tùy thuộc vào vị trí tổn thương trên thần kinh tọa mà hướng lan của cơn đau sẽ khác nhau và thường gặp đau thần kinh tọa một bên, với tỷ lệ mắc bệnh gặp ở nữ cao giới cao hơn nam giới. 

dau-than-kinh-toa

Nguyên nhân gây bệnh đau thần kinh tọa là gì?

Ðau thần kinh tọa do tổn thương rễ chiếm đến hơn 90% các trường hợp mắc bệnh, còn lại là do tổn thương dây và đám rối thần kinh tọa. Vậy nên, các nguyên nhân có thể gây ra những tổn thương rễ, dây và đám rối thần kinh tọa chính là nguyên nhân gây bệnh đau thần kinh tọa, những nguyên nhân đó là:

Thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng

Thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng là nguyên nhân thường gặp nhất gây ra bệnh đau thần kinh tọa do tổn thương rễ. Khi bị thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng, khối nhân nhầy trong đĩa đệm sẽ thoát ra ngoài gây chèn ép lên các rễ thần kinh và dây thần kinh tọa từ đó gây nên những cơn đau nhức khó chịu cho người bệnh. Thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng thường xảy ra sau sang chấn cột sống vùng thắt lưng như sau mang vác vật nặng sai tư thế, cử động đột ngột của thân người, bị ngã, hay gặp tai nạn,…

Thoái hóa cột sống thắt lưng cùng

Theo thời gian và độ tuổi người bệnh có thể gặp phải các bệnh lý gây tổn thương thoái hóa cột sống thắt lưng cùng như loãng xương, nhuyễn xương, mọc gai xương, biến dạng thân đốt sống, cầu gai xương một hay nhiều đốt sống kèm phì đại dây chằng có thể gây ra tình trạng hẹp ống sống, chèn ép vào rễ thần kinh tọa gây bệnh đau thần kinh tọa. 

Trượt đốt sống thắt lưng

Vì một tác nhân nào đó do bẩm sinh hay chấn thương gây trượt thân đốt sống thắt lưng ra phía trước hoặc phía sau trên một thân đốt sống khác có thể gây chèn ép vào rễ thần kinh tọa khiến người bệnh đau nhức. Do đó đây cũng là một trong những nguyên nhân thường gặp gây bệnh đau thần kinh tọa. Và trượt đốt sống hay kèm theo tình trạng thoái hoá cột sống thắt lưng gây ra những tổn thương rễ thần kinh khó hồi phục, hẹp ống sống thắt lưng và nặng có thể xuất hiện hội chứng đuôi ngựa.

Viêm đốt sống 

Tổn thương viêm đốt sống thắt lưng sau khi bị nhiễm trùng do tụ cầu hay do lao có thể gây chèn ép các rễ thần kinh tọa, gây hẹp ống sống thắt lưng từ đó gây bệnh đau thần kinh tọa, đây cũng là một nguyên nhân có thể gặp của bệnh này và trong một số ít các trường hợp viêm đốt sống thắt lưng có thể gây ra hội chứng đuôi ngựa.

Viêm cột sống dính khớp 

Viêm cột sống dính khớp thường tiến triển âm thầm với biểu hiện đau vùng thắt lưng hông và mông, cứng khớp cột sống vào buổi sáng, đau tăng về đêm và không đỡ đau khi nghỉ. Và căn bệnh này khiến các đốt sống dính với nhau gây mất khe khớp tạo nên hình ảnh "đốt tre" điển hình, do đó, đây cũng là nguyên nhân gây chèn ép rễ thần kinh tọa gây đau nhức.

Chấn thương

Những chấn thương cột sống như gãy xương đốt sống thắt lưng cùng, gãy xương chậu, tiêm trực tiếp vào dây thần kinh tọa có thể là tác nhân gây nên bệnh đau thần kinh tọa. 

Ngoài ra, các khối u nguyên phát hay di căn đến xương đốt sống và thần kinh có thể gây chèn ép rễ thần kinh tọa từ đó gây ra các triệu chứng của bệnh đau thần kinh tọa. Hay đau thần kinh tọa cũng có thể đến từ nguyên nhân do hẹp ống sống thắt lưng, phì đại diện khớp, viêm màng nhện dầy dính vùng thắt lưng cùng, bệnh Paget,…

Tuổi tác

Tuổi tác liên quan đến sự thay đổi của cột sống nên cũng ảnh hưởng trực tiếp đến bệnh đau thần kinh tọa. Do đó theo thời gian nhóm người cao tuổi sẽ có nguy cơ cao bị các bệnh lý như thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng và thoái hóa cột sống - hẹp ống sống, là tác nhân trực tiếp gây đau thần kinh tọa.

Thừa cân béo phì

Những người thừa cân béo phì, có trọng lượng cơ thể quá lớn thường sẽ làm tăng áp lực đè lên cột sống gây nên những thay đổi ở cột sống và dễ dẫn đến đau thần kinh tọa.

Thường xuyên phải vận động hay mang vác nặng

Những người thường xuyên phải mang vác vật nặng, xoay lưng, quay người nhiều, vận động thể lực quá sức sẽ có nguy cơ cao mắc bệnh đau thần kinh tọa.

Lối sống tĩnh tại

Thường xuyên ngồi một chỗ, ít vận động sẽ có nguy cơ cao mắc bệnh đau thần kinh tọa hơn những người khác.

Khi nào cần đi khám bệnh đau thần kinh tọa?

Xuất hiện cơn đau tại vùng cột sống thắt lưng sau đó lan xuống vùng mông, đùi bên phải hoặc bên trái, có khi lan xuống vùng khoeo, cẳng chân, bắp chân, gót chân và bàn ngón chân. Người bệnh có thể chỉ đau âm ỉ nhưng có khi đau dữ dội như dao đâm, đau nhói như điện giật, chỉ cần hắt hơi, cười lớn, ho hoặc ngồi gập chân cũng cảm thấy đau tại các điểm vùng thắt lưng hay mông đùi, cẳng chân, gót chân.

Cơn đau có thể đột ngột xuất hiện sau khi gắng sức hoặc sau khi gặp phải sang chấn vùng thắt lưng.

Cảm thấy đau đớn vùng thắt lưng hông khi vận động mạnh, đi qua đường gồ ghề, sóc… nhưng khi nằm nghỉ ngơi trên giường có nền cứng, đầu gối hơi co lại thì cơn đau có thể giảm đi, dễ chịu hơn.

Cảm giác tê bì ở chân hay cảm thấy ngứa râm ran, châm chích như kiến cắn… tại các vùng dây thần kinh tọa đi qua như vùng mông, vùng đùi, cẳng chân, gót và bàn ngón chân.

Xuất hiện tình trạng cứng nhắc vùng bắp đùi, bắp chân vào buổi sáng hay khi đứng hoặc ngồi lâu.

Gặp khó khăn trong vận động hàng ngày, như làm các cử động như gập, cúi người hay di chuyển đi lại, làm các công việc hàng ngày như bế con, mang vác, tập thể dục...

Cảm thấy đau buốt, khó chịu khi đi đại tiện.

Nếu bạn hay người thân đang gặp phải các dấu hiệu khó chịu kể trên, hãy chủ động đi thăm khám bệnh đau thần kinh tọa sớm để có thể phát hiện sớm bệnh và kịp thời điều trị bệnh, tránh các biến chứng nguy hiểm của bệnh có thể xảy ra.

Khi bị đau thần kinh tọa khám khoa nào?

Qua những nguyên nhân gây bệnh kể trên, chắc hẳn bạn đọc đã biết khi bị đau thần kinh tọa khám khoa nào là tốt nhất rồi đúng không? Bệnh đau thần kinh tọa là bệnh lý liên quan trực tiếp đến thần kinh và cơ xương khớp, do đó hai chuyên khoa Thần kinh và chuyên khoa Cơ xương khớp sẽ là nơi thăm khám và chẩn đoán bệnh đau thần kinh tọa một cách tốt nhất. 

Và để chẩn đoán bệnh đau thần kinh tọa chính xác, các bác sỹ chuyên khoa Cơ xương khớp hoặc chuyên khoa Thần kinh sẽ yêu cầu người bệnh thực hiện các bài kiểm tra giúp đánh giá phản xạ, trương lực cơ của họ. Người bệnh sẽ được yêu cầu thực hiện các động tác như đứng dậy từ trạng thái ngồi xổm, đi nhón chân, nhấc hai chân lên cùng lúc khi đang nằm ngửa. Khi thực hiện những động tác này cơn đau dây thần kinh tọa sẽ đau tăng lên. 

Bên cạnh đó, để đưa ra chẩn đoán xác định bệnh đau thần kinh tọa, việc thực hiện các xét nghiệm chẩn đoán hình ảnh là vô cùng quan trọng. Ngoài ra, các xét nghiệm chẩn đoán hình ảnh còn giúp bác sỹ phát hiện nguyên nhân gây bệnh đau thần kinh tọa, có thể là tình trạng thoát vị đĩa đệm hay gai cột sống.

20220614_Screenshot_4

Một số xét nghiệm chẩn đoán hình ảnh có thể được sử dụng trong chẩn đoán đau thần kinh tọa như:

Chụp X-quang cột sống thắt lưng thẳng và nghiêng

Đây là phương pháp chẩn đoán hình ảnh cơ bản giúp đánh giá tình trạng bệnh lý cột sống thắt lưng ảnh hưởng đến thần kinh tọa như gai xương thoái hóa, trượt hay xẹp đốt sống,...

Chụp cắt lớp vi tính (CT-scaner) cột sống thắt lưng

Chụp CT-scaner cột sống thắt lưng giúp đánh giá tốt các tổn thương xương cột sống thắt lưng, trượt hay xẹp đốt sống, gai xương, phì đại mấu khớp, phình và thoát vị đĩa đệm... ảnh hưởng đến thần kinh tọa.

Chụp cộng hưởng từ (MRI)

Chụp cộng hưởng từ MRI cột sống thắt lưng là kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh cao tạo ra hình ảnh chi tiết của xương và các mô mềm, từ đó thấy được tình trạng thoát vị đĩa đệm đang xảy ra hay không, tìm nguyên nhân gây bệnh đau thần kinh tọa.

Điện cơ (EMG)

Ghi điện cơ được sử dụng để nghiên cứu phản ứng điện của thần kinh và cơ hoặc đánh giá sự mất phân bố thần kinh của cơ. Do đó đây là cận lâm sàng giúp phát hiện và đánh giá tổn thương các rễ thần kinh tọa và xác định được nguyên nhân gây đau thần kinh tọa do thoát vị đĩa đệm hay do hẹp ống sống gây ra.

Sau khi thực hiện các xét nghiệm cận lâm sàng trên, bác sỹ sẽ tổng hợp và đưa ra chẩn đoán xác định bệnh và nguyên nhân gây bệnh đau thần kinh tọa, từ đó đưa ra phương pháp và hướng điều trị bệnh cụ thể giúp việc điều trị hiệu quả hơn.

Tình Vũ

comment Bình luận

largeer