Kiểm soát tiến triển cận thị ở trẻ em

Cận thị là loại tật khúc xạ thường gặp nhất, chiếm khoảng 25% tổng dân số trên thế giới. Việc gia tăng cận thị không những là gánh nặng cho xã hội mà việc điều trị cho những người bị cận thị nặng còn có thể gặp nhiều nguy cơ rủi ro.
14/07/2022 10:12

Để kiểm soát tiến triển cận thị ở trẻ em cần ngăn ngừa khởi phát cận thị và hạn chế tăng số cận ở trẻ em, trên thế giới đã nghiên cứu và đưa ra nhiều phương pháp như sau :

- Dùng thuốc (Atropin nồng độ thấp): Atropin là nhóm thuốc đối kháng Muscarin không chọn lọc, tại mắt nó có tác dụng: giãn đồng tử và liệt điều tiết. Với nồng độ thấp 0,01% nó có tác dụng làm hạn chế tăng số cận tới 50% trường hợp mà không gây những tác dụng phụ như: lóa mắt, chói mắt, khó nhìn gần… Ngoài tác dụng kiểm soát tăng số cận, Atropin nồng độ thấp còn được sử dụng để kiểm soát khởi phát cận thị trên trẻ em.

- Dùng kính tiếp xúc (OrthoK): Là loại kính áp tròng cứng thấm khí được đeo vào ban đêm nhằm tác dụng định hình giác mạc, dẫn đến thay đổi cách ánh sáng bị hội tụ khi đi vào mắt. Nhờ tác dụng tạm thời làm phẳng giác mạc trung tâm giúp cho người sử dụng có thể nhìn rõ ban ngày mà không cần đeo kính. Sử dụng Ortho - K, mức độ cận không tăng hoặc tăng rất ít sau thời gian dài.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

- Dùng kính gọng đúng số: Quan niệm trước đây cho rằng việc đeo kính thấp hơn một chút so với độ cận thực tế sẽ tốt hơn cho mắt do hạn chế việc mắt phải điều tiết khi nhìn gần, khiến mắt đỡ căng mỏi. Tuy nhiên, việc này lại không đảm bảo thị lực nhìn xa tốt cho trẻ, buộc mắt phải điều tiết bù trừ phần thiếu hụt để bắt nét hình ảnh khi muốn nhìn ra xa. Ngày nay, các nhà nghiên cứu chỉ ra rằng việc đeo kính đúng số mới mang lại hiệu quả tối đa, giúp mắt không phải điều tiết nhiều khi nhìn ở mọi khoảng cách, góp phần hạn chế tăng độ cận.

- Tăng cường hoạt động ngoài trời và giảm thời gian nhìn gần: Nhiều nghiên cứu ở nước ngoài cho thấy, nhóm trẻ tham gia hoạt động ngoài trời nhiều hơn thì tỷ lệ gia tăng cận thị thấp hơn nhiều so với nhóm trẻ ít tham gia. Ngoài ra, việc giảm thời gian cho các công việc nhìn gần cũng góp phần kiểm soát tiến triển cận thị ở trẻ.

Lời khuyên

- Một trong những điều cốt yếu nhất là cha mẹ nên có các biện pháp phòng ngừa tránh để tình trạng cận thị của con mình tiến triển nặng thêm.

- Khuyến khích trẻ tích cực tham gia các hoạt động ngoài trời

- Nghỉ ngơi thị giác từng lúc: Cần chủ động kiểm soát việc chớp mắt, chớp mắt là một động tác sinh lý, giúp lớp nước mắt được trải đều trên bề mặt mắt, giúp mắt dễ chịu và giảm căng thẳng cho mắt.

- Luôn nhắc nhở con về tư thế, không nên để trẻ nằm hay nằm nghiêng khi học bài, xem phim hay sử dụng điện thoại.

- Chú trọng và hình thành thói quen khám mắt định kỳ cho con, nên kiểm tra mắt định kỳ 2 lần/năm, nếu trẻ bị tật khúc xạ như cận loạn, cần đo kính để lấy độ phù hợp.

Bệnh Viện Mắt Hà Nội 2

comment Bình luận

largeer