Những điều cần biết về căn bệnh hoại tử xương - Hội chứng hậu COVID-19 hiếm gặp

Tính đến thời điểm hiện tại, Việt Nam đã ghi nhận 11 trường hợp mắc căn bệnh hoại tử xương - hội chứng hậu COVID-19 hiếm gặp. Vậy người dân cần tìm hiểu thêm về những căn bệnh lạ này tránh làm những xét nghiệm tốn kém.
12/07/2022 15:49

Tiến sĩ Trần Anh Bích - Phó Khoa Tai Mũi Họng, Bệnh viện Chợ Rẫy, cho biết “trong thời gian mắc bệnh có triệu chứng đau vùng đầu, mặt, răng miệng. Các triệu chứng tiến triển kéo dài âm ỉ, không giảm dù đã hết COVID từ lâu, đi khám nhiều nơi được chẩn đoán chủ yếu là bệnh viêm xoang, áp xe hàm... nhưng điều trị, kể cả phẫu thuật vẫn không bớt. Trước đó, họ không có tiền sử mắc bệnh tai mũi họng hay răng hàm mặt.” Cho đến nay, tổng cộng đã ghi nhận có 11 ca:

- 2 ca đã tử vong do suy đa tạng,

- 6 ca đã không đồng ý mổ và xin về nhà,

- 3 ca đã được mổ để xử lý các ổ xương hoại tử và điều trị kháng sinh, kháng nấm, cả ba bệnh nhân hồi phục khả quan.

Dựa trên các tài liệu khoa học nghiên cứu về COVID-19 thì có thể đây là một trong những các hội chứng hậu COVID-19 hiếm gặp. Hiện tượng này không chỉ xảy ra ở xương trên mặt mà còn được ghi nhận xảy ra ở những loại xương lớn khác trên cơ thể như xương hông, đầu gối, vai, xương cùng và cột sống.

Để hiểu được hiện tượng này, đầu tiên chúng ta nên hiểu nguyên nhân của “hoại tử xương”. Cũng như các mô khác trên cơ thể của chúng ta, mô xương cũng cần được “nuôi bằng máu”. Trong khối xương cứng kia thực ra chứa rất nhiều các mạch máu li ti để đưa máu đến cung cấp oxy và chất dinh dưỡng cho các tế bào xương. Hoại tử xương thường do nguyên nhân là “tắt nghẽn” các mạch máu này mà dẫn đến các tế bào xương chết đi làm cho mô bị hoại tử (trong chuyên môn người ta thường dùng từ “Avascular Necrosis” để mô tả cho hiện tượng này).

Empty

Các kết quả nghiên cứu về các hiện tượng hoại tử xương do biến chứng hậu COVID-19 cho rằng nguyên nhân chính có thể là do sự hình thành các cục máu đông khi virus SARS-CoV-2 tấn công các tế bào thành mạch máu (endothelial cell) qua thụ thể ACE2. Việc hư hại của các tế bào thành mạch máu (thường ở những người bệnh nặng) có thể là nguyên nhân dẫn đến sự tập trung các tế bào miễn dịch như neutrophil, các tiểu cầu, Von Willebrand Factor (nhân tố Von Willebrand, một trong những nhân tố gây đông máu) gây nên hiện tượng hình thành các cục máu đông. Ngoài ra, một số yếu tố khác cũng làm tăng tỉ lệ xảy ra tình trạng đông máu hậu COVID-19 đó là: việc sử dụng các thuốc điều trị dạng corticoids quá dài, tình trạng nhiễm nấm (Mucormycosis), tình trạng tiểu đường, v.v...

Empty

Tóm lại, đây là một trong những biến chứng hậu COVID-19 nguy hiểm nhưng mọi người đừng quá hoang mang lo lắng vì tỉ lệ xảy ra là “rất thấp”. Từ những dữ liệu có được cho đến hiện nay thì các chuyên gia khuyến cáo nên chú ý đến hiện tượng "hoại tử xương" khi những người sau khi mắc COVID-19 có các dấu hiệu “đau dai dẳn ở các xương lớn”, đột ngột không thể ngồi bắt chéo chân (cho thấy khớp háng bị cứng), thay đổi dáng đi (khập khiễng), đặc biệt là ở những người đã trải qua bệnh COVID-19 nặng và sử dụng thuốc có thành phần corticoids trong thời gian dài trong quá trình điều trị.

Khuyến cáo mọi người đừng vì thông tin này mà tự bỏ tiền túi ra đi làm cho được các xét nghiệm mắc tiền như MRI, CT để xem xương mình có sao vấn đề gì không? Tỉ lệ mắc hội chứng hậu COVID-19 này là "rất nhỏ". Hãy lắng nghe cơ thể của mình và trao đổi kỹ với bác sĩ điều trị chuyên môn.

TS. Nguyễn Hồng Vũ

Viện nghiên cứu City of Hope, California, USA; Cố vấn khoa học Ruy Băng Tím

comment Bình luận

largeer