Lạng Sơn: Phẫu thuật cấp cứu bệnh nhân bị tai nạn giao thông nghiêm trọng

Mới đây, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lạng Sơn vừa tiếp nhận bệnh nhân V.V.H. (59 tuổi) vào viện do tai nạn giao thông, đau nhiều vùng ngực và hạ sườn trái.
30/09/2024 16:38

Kết quả siêu âm trên bệnh nhân cho thấy hình ảnh đụng dập kèm tụ máu nhu mô lách, tràn máu ổ bụng. Chụp cắt lớp vi tính cho thấy bệnh nhân chấn thương lách độ V, có ổ chảy máu hoạt động, mất máu nhiều, gây nguy hiểm đến tính mạng người bệnh.

Ngay lập tức, các bác sĩ Khoa Ngoại Tiêu hóa và Khoa Chẩn đoán hình ảnh - Điện quang can thiệp hội chẩn và thống nhất chẩn đoán, chỉ định nút mạch cấp cứu cho bệnh nhân.

u7

Ekip phẫu thuật cho bệnh nhân

Bệnh nhân được thực hiện chụp động mạch trên máy chụp mạch số hóa xóa nền DSA và nhận thấy ổ chảy máu động mạch điển hình, không thấy thông động - tĩnh mạch. Các bác sĩ đã tiến hành nút tắc ổ chảy máu hoạt động, bảo tồn các nhánh mạch máu và nhu mô lách lành.

Ca can thiệp thành công sau 2 giờ thực hiện với tác phong khẩn trương và sự tập trung cao độ của các bác sĩ. Sau can thiệp, sức khỏe bệnh nhân ổn định, tiếp tục được điều trị, đến nay đã xuất viện.

BSCKI. Hoàng Thế Xuân cho biết: Chấn thương tạng đặc chiếm tỷ lệ khá cao trong chấn thương bụng, đặc biệt là chấn thương tạng đặc có chảy máu hoạt động. Hiện nay với sự phát triển của điện quang can thiệp, các trường hợp bệnh nhân có chỉ định can thiệp mạch cấp cứu đã được thực hiện thường quy tại Khoa Chẩn đoán hình ảnh, ưu điểm của phương pháp này là người bệnh không cần phẫu thuật, giúp bảo tồn tối đa được chức năng, bệnh nhân hồi phục nhanh chóng sau can thiệp. Trung bình mỗi tháng, Khoa Chẩn đoán hình ảnh thực hiện can thiệp mạch cấp cứu cho hơn 10 bệnh nhân, đạt hiệu quả điều trị cao, giúp giảm tỉ lệ tử vong cho người bệnh.

Mạnh Hà

comment Bình luận

largeer