Liệu pháp hương thơm nâng cao sức khỏe tinh thần và thể chất

Liệu pháp hương thơm - dùng tinh dầu trong trị liệu đã được sử dụng từ lâu do mang lại rất nhiều lợi ích cho sức khỏe tinh thần và thể chất. Hiện nay, phương pháp này vẫn mang lại nhiều hữu ích và được tin dùng để hỗ trợ chữa bệnh, bao gồm làm dịu triệu chứng cho bệnh nhân ung thư.
04/07/2022 10:42

Nguồn gốc của liệu pháp hương thơm

Tinh dầu - chất lỏng được chiết xuất từ nhiều phần của thực vật như rễ, lá, thân cây và hoa - đã xuất hiện trong lịch sử Trung Quốc, Ba Tư và Ai Cập cổ đại. Ðến những năm 1500, phương pháp chưng cất tinh dầu lan sang châu Âu, phổ biến là các loại dầu như gỗ tuyết tùng, hoa hồng và nhựa thơm. Ngoài chưng cất, tinh dầu còn được chiết xuất bằng phương pháp ép lạnh hoặc những cách khác.

Trong y học hiện đại, liệu pháp hương thơm được xem là một phương pháp điều trị toàn diện giúp củng cố sức khỏe tinh thần và thể chất. Theo đó, tinh dầu thường được khuếch tán bằng cách đốt nến, dùng máy xông, hít trực tiếp, dùng xoa bóp tại chỗ hoặc qua sử dụng sản phẩm chăm sóc da. Ðáng chú ý, nó ngày càng được tin dùng để làm dịu tác dụng phụ của các phương pháp điều trị ung thư. 

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Hương thơm tác động đến sức khỏe ra sao?

Chuyên gia trị liệu bằng hương thơm Anita Cheung (Hong Kong) cho biết liệu pháp hương thơm cho hiệu quả rất tốt bởi nó tác động trực tiếp đến hệ thống limbic - trung tâm cảm xúc ban đầu. Theo đó, các tín hiệu khứu giác trực tiếp đi đến vùng hải mã và hạch hạnh nhân, hai vùng não ảnh hưởng đến năng lực ghi nhớ và cảm xúc. Tuy nhiên, do cơ địa khác nhau mà từng người có thể đáp ứng với phương pháp này với mức độ khác nhau.

Mỗi hương thơm chứa thành phần và lợi ích khác nhau, nên điều quan trọng là cần tìm hiểu trước khi dùng. Chẳng hạn, hương thơm tươi mát của tinh dầu cam quýt giúp bạn vui vẻ hơn, nhưng lại dễ "bắt nắng", vì vậy, bạn cần phải tránh nắng khi thoa loại dầu này. Theo chuyên gia Cheung, một số lợi ích nổi trội khác của tinh dầu bao gồm: trẻ hóa da, kích thích mọc tóc, giảm đau bụng kinh và hạn chế rạn da.

Tiến sĩ Theresa Lai Tze-kwan tại Viện Giáo dục Ðại học Caritas của Hong Kong cũng xác nhận liệu pháp hương thơm giúp ích cho mọi người, đặc biệt là bệnh nhân ung thư. Tze-kwan từng học cách sử dụng liệu pháp hương thơm như một phương pháp điều trị bổ sung để làm dịu các triệu chứng khó chịu về thể chất và tâm lý cho bệnh nhân ung thư. Khi chăm sóc bệnh nhân, bà chủ yếu dùng tinh dầu xoa bóp nhằm tăng cường sức mạnh vùng bụng cho họ. Trong một nghiên cứu năm 2012, Tze-kwan và cộng sự phát hiện nhóm bệnh nhân thường xuyên được xoa bóp bằng tinh dầu có số lần đi tiêu trung bình cao hơn nhóm không được chăm sóc như vậy. Theo một nghiên cứu đăng trên Tạp chí Ðiều dưỡng Lâm sàng, liệu pháp hương thơm có nhiều tác động tích cực đối với bệnh nhân nữ - bao gồm cải thiện mức năng lượng, cảm giác thèm ăn, tâm trạng, giảm đau, căng cơ và tê.

Không chỉ giúp cải thiện thể chất, liệu pháp hương thơm còn tăng cường đáng kể sức khỏe tinh thần, nhất là những người đối mặt với sự kiện đau buồn hoặc bệnh tật lâu dài. “Vì tinh dầu có đường dẫn trực tiếp đến vùng hải mã và hạch hạnh nhân, chúng ảnh hưởng đến tâm trạng và giúp tăng cường khả năng phục hồi và khả năng chịu đựng của bạn khi đối mặt với khó khăn” - Cheung lý giải.

Những điều cần lưu ý 

Tuy liệu pháp hương thơm có nhiều tác dụng tích cực kể trên, nhưng cả hai chuyên gia Cheung và Lai đều khẳng định rằng nó chỉ là liệu pháp bổ sung, chứ không nên thay thế các phương pháp điều trị và y học hiện đại. Theo bà Lai, điều quan trọng là chọn loại dầu không gây ra phản ứng phụ. Ví dụ: nếu bệnh nhân có huyết áp thấp, thì không sử dụng quá nhiều tinh dầu hoa oải hương vì nó sẽ làm tụt huyết áp. Trái lại, tinh dầu hương thảo có thể làm tăng huyết áp, nên không thể sử dụng cho bệnh nhân cao huyết áp.

Người dùng cũng cần chú ý tần suất và liều lượng sử dụng tinh dầu. Ngoài ra, phụ nữ mang thai và người bệnh nặng phải hỏi ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng tinh dầu.

Theo SCMP

comment Bình luận

largeer