Lỗ hổng từ cơ chế tự công bố chất lượng thực phẩm bổ sung: Bộ Y tế đề xuất mạnh tay

Trước thực trạng hàng loạt vụ vi phạm tiêu cực trong lĩnh vực thực phẩm chức năng và thực phẩm bổ sung giả, kém chất lượng, Bộ Y tế đã đề xuất bãi bỏ cơ chế tự công bố chất lượng đối với nhóm thực phẩm bổ sung, thay bằng mô hình đăng ký công bố chính thức tại cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.
06/07/2025 22:54

Theo quy định hiện hành (Nghị định 15/2018), thực phẩm bổ sung được xếp vào nhóm thực phẩm đã qua chế biến đóng gói, cho phép doanh nghiệp tự công bố chất lượng trước khi lưu thông thị trường. Tuy nhiên, thực tế cho thấy nhiều doanh nghiệp trục lợi bằng cách: Xếp nhầm sản phẩm vào nhóm tự công bố để né kiểm tra; Phóng đại công dụng, quảng cáo sai sự thật; Tự xác định thành phần, không kiểm nghiệm hàm lượng chính xác.

Một vụ việc điển hình là “kẹo rau củ Kera” – sản phẩm quảng cáo chứa 28% bột rau nhưng thực tế chỉ 0,61–0,75%, cùng 35% sorbitol không công khai. Vụ việc khiến dư luận rúng động.

Thông qua nhiều vụ việc sản phẩm giả, không đảm bảo chất lượng, ảnh hưởng tới người tiêu dùng, Bộ Y tế đã đề xuất bỏ cơ chế tự công bố chất lượng thực phẩm bổ sung.

Thông qua nhiều vụ việc sản phẩm giả, không đảm bảo chất lượng, ảnh hưởng tới người tiêu dùng, Bộ Y tế đã đề xuất bỏ cơ chế tự công bố chất lượng thực phẩm bổ sung

Đứng trước thực tại đó, Bộ Y tế đã đưa ra các đề xuất cần thiết để sửa đổi Nghị định 15. Trong đó, tập trung vào việc bỏ cơ chế tự công bố, đưa thực phẩm bổ sung vào 5 nhóm sản phẩm bắt buộc đăng ký công bố, bao gồm thực phẩm bảo vệ sức khỏe, dinh dưỡng y học, chế độ ăn đặc biệt, và thực phẩm cho trẻ dưới 36 tháng. Đồng thời yêu cầu các doanh nghiệp bổ sung hồ sơ đăng ký chi tiết: thành phần, chỉ tiêu an toàn & chất lượng, công dụng rõ ràng.

Dự thảo sửa đổi Nghị định 15 cũng tăng yêu cầu điều kiện sản xuất: các cơ sở phải đạt chuẩn quốc tế như GMP, HACCP, ISO 22000… thay vì chỉ cần đăng ký thông thường. Cơ quan quản lý sẽ “siết” từ khâu đầu đến hậu kiểm.

Dự thảo cũng tăng cường trách nhiệm cơ quan quản lý: Bao gồm quy định về việc tiếp nhận hồ sơ phải cung cấp ý kiến, công khai và xây dựng kế hoạch hậu kiểm; Khi phát hiện vi phạm, có thể tạm ngưng đăng ký, thu hồi công bố và kiểm nghiệm sản phẩm lưu thông. Các doanh nghiệp phải kết nối qua Cổng dịch vụ công quốc gia để phối hợp liên ngành, giám sát quảng cáo, kiểm tra người tiết viral (KOL) và minh bạch mối quan hệ quảng cáo tài trợ.

Theo Bộ Y tế, mục tiêu của những điều chỉnh này là nhằm đóng “kẽ hở” trong quản lý công bố, ngăn chặn sản phẩm kém chất lượng trước khi đưa ra thị trường; Bảo vệ người tiêu dùng, hạn chế quảng cáo sai lệch gây hiểu nhầm; đồng thời nâng chuẩn ngành, tạo áp lực để các doanh nghiệp cải thiện chất lượng từ khâu nghiên cứu – sản xuất đến lưu thông.

Việc sửa đổi dự thảo còn cần tiếp thu thêm ý kiến từ các bộ, ngành liên quan để đảm bảo tính khả thi và tránh gây khó khăn cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, trước thực trạng “loạn” thực phẩm bổ sung và sữa giả gây rúng động thị trường, yêu cầu kiểm soát nghiêm ngặt là cấp thiết. Việc bỏ cơ chế tự công bố và yêu cầu đăng ký bản công bố sản phẩm đối với thực phẩm bổ sung là động thái mạnh mẽ nhằm siết chặt quản lý an toàn thực phẩm. Nếu được thông qua, quy định này sẽ góp phần hạn chế hàng giả, nâng cao niềm tin người tiêu dùng, và thúc đẩy doanh nghiệp Việt nâng cao chất lượng – minh bạch và trách nhiệm hơn trong thị trường thực phẩm chức năng.

Nguyên An (tổng hợp)

comment Bình luận