Lợi ích dinh dưỡng từ quả cam

Cam là loại quả ngon, một nguồn vitamin C thiên nhiên rất phong phú của nước ta. Không kể những giống cam ngon nổi tiếng từ lâu đời như cam Xã Đoài (Nghệ An), cam Bố Hạ (Bắc Giang), tất cả các loại cam đều có nhiều giá trị dinh dưỡng.
11/10/2022 14:17

Phân tích thành phần hoá học của cam người ta thấy: Trong 100g múi cam có 87,5g nước, 0,9g protid, 1,3g acid hữu cơ, 8,4g glucid, 1,4g xenluloza, 34mg canxi, 23mg photpho, 0,4mg sắt, khá nhiều vitamin A (dưới dạng caroten), vitamin B1, B2, PP và đặc biệt rất giầu vitamin C

Như vậy cam là loại ngon và bổ, có tác dụng bồi bổ cơ thể tốt. Cũng vì vậy nhân dân ta vẫn dùng nước cam làm thức ăn cho người bệnh, trẻ nhỏ, sản phụ và những người yếu mệt cần bồi dưỡng sức khoẻ. Ngoài giá trị dinh dưỡng, từ lâu đời nhân dân ta vẫn dùng nước cam để chữa bệnh thiếu vitamin C, giải khát.tích thành phần hoá học của cam người ta 

cam

Ảnh minh họa

Như mọi người đã biết, vitamin C rất cần thiết cho cơ thể, thiếu nó ta sẽ dễ bị bệnh. Nhu cầu hàng ngày của một người lớn từ 60 đến 100mg vitamin C, chủ yếu do rau quả cung cấp qua thức ăn. Cam là một nguồn cung cấp vitamin C phong phú, loại vitamin C thiên nhiên qúy, có giá trị sinh học cao. Trong 100g múi cam có trung bình 40mg vitamin C, so với những viên thuốc vitamin C có hàm lượng 100mg, 200mg, 500mg... tưởng như ít, nhưng nhờ có kết hợp sẵn với vitamin P nên giá trị sinh học của nó cao hơn các viên C uống, C sủi bọt... gấp nhiều lần.

Cần chú ý vitamin P còn được gọi là yếu tố thẩm thấu mao mạch (Capillary permeability factor, chữ P xuất phát từ Permeability) có tác dụng làm bền mao mạch và điều hoà sự hấp thu và sử dụng vitamin C. Nó giúp vitamin C giữ các mô liên kết khoẻ mạnh, không bị ôxy hoá và làm bền mao mạch nên phòng được chứng bầm da, chảy máu lợi, v.v... Thiếu vitamin P các mao mạch sẽ dễ vỡ, dễ bị xuất huyết dưới da, bầm tím da, dễ bị xuất huyết nội tạng.Vitamin này có nhiều trong cam và thường kết hợp với vitamin C. Như vậy, muốn phòng tránh những bệnh trên chỉ dùng vitamin C không đủ mà phải có cả vitamin P, và cam là nguồn vitamin C và P phong phú. Đặc biệt vitamin P có nhiều trong cùi trắng của cam, do đó ăn cam cả phần cùi trắng tốt hơn uống nước cam vắt.

Vitamin C thiên nhiên có trong múi cam là loại đã kết hợp với vitamin P nên giá trị sinh học cao hơn các viên thuốc vitamin C rất nhiều. Chỉ cần ăn một quả cam khoảng 200g là đủ nhu cầu vitamin C và P cho cơ thể trong ngày.

Chỉ cần ăn một quả cam hoặc uống một cốc nước cam mỗi ngày có thể giúp ta tránh được stress trong cuộc sống hằng ngày.

Nước cam ngon, bổ, được nhiều người ưa thích, nhưng khi chế biến loại nước giải khát này ta phải chú ý đảm bảo vệ sinh.

Với cách chế biến thủ công ở gia đình và các nhà hàng hiện nay phải đặc biệt chú ý đến dụng cụ chứa đựng, nước đá, nước pha chế giải khát và bàn tay người vắt ép cam.

Những quả cam dùng pha chế giải khát phải đảm bảo còn tươi ngon, không giập, không ủng.

Bàn tay người chế biến nước cam phải sạch, móng tay cắt ngắn. Những người có mụn, nhọt, ghẻ lở không được pha chế nước giải khát.

Tuyệt đối không được dùng tay bốc nước đá.

Vắt cam cần có dụng cụ vắt riêng. Nếu dùng tay vắt cần chú ý không để các đầu ngón tay nhúng vào nước, hoặc để nước cam chảy tràn qua các đầu ngón tay. Dụng cụ vắt cam phải thật sạch, sau khi vắt xong phải rửa sạch, tráng lại bằng nước đã tiệt khuẩn.

Nước pha chế giải khát phải là nước đã được đun sôi để nguội. Tuyệt đối không được dùng nước lã.

Mùa hè nóng nực, có ít nước đá cho vào cốc giải khát càng tốt vì làm giảm nhanh cảm giác khát, nhưng phải đảm bảo đá này được sản xuất bằng nước vô khuẩn.

Dụng cụ pha chế, chứa đựng nước giải khát phải được rửa sạch và tráng nước sôi. Chú ý phòng chống ruồi nhặng vì nước cam ngon ngọt rất hấp dẫn ruồi.

(Theo Cục ATTP)

comment Bình luận

largeer