Long An: Kịp thời cứu chữa bệnh nhân bị đột quỵ khi ngủ

Chiều ngày 2/4/2024, bệnh nhân C.V.U (55 tuổi, nam, ngụ tại Long An) nhập viện trong tình trạng yếu liệt ½ người bên phải kèm nói đớ, theo lời kể của người nhà, bệnh nhân đi ngủ lúc 14:00 khi thức dậy thì phát hiện dấu hiệu đột quỵ.
08/04/2024 11:36

Khoa Cấp Cứu tiếp nhận bệnh nhân trong tình trạng tỉnh, tiếp xúc chậm; liệt mặt, nói đớ; liệt ½ người phải, sức cơ tay phải 1/5, chân phải 3/5; thang điểm NIHSS là 7 điểm (điểm càng cao thì nguy cơ tàn tật nặng).

Qua thăm khám, các bác sĩ xác định bệnh nhân còn nằm trong thời gian vàng cấp cứu đột quỵ (3 - 4.5 giờ đầu) đủ điều kiện điều trị bằng thuốc tiêu sợi huyết. Tiến hành nhanh chóng, bệnh viện kích hoạt báo động Code Stroke, bệnh nhân được chụp cắt lớp vi tính (CT) chẩn đoán: Nhồi máu não giờ thứ 3.

bon-bat-thuong-khi-ngu-canh-bao-dot-quy

(Ảnh minh họa)

Sau 1h điều trị rTPA, điểm NIHSS của bệnh nhân giảm còn 3 điểm, bệnh nhân đã cải thiện về mặt lâm sàng so với lúc mới vào viện, nói rõ lời hơn, tay phải, chân phải đã có thể nhấc lên và giữ được trên 5 giây và không ghi nhận những dấu hiệu bất thường trong khi truyền thuốc tiêu sợi huyết. Sau 12h, điểm NIHSS 0đ (hồi phục hoàn toàn).

Nhờ vào việc được đưa đến bệnh viện kịp thời kết hợp với phương thức điều trị đột quỵ ban đầu hiệu quả, bệnh nhân đã phục hồi tốt và tiếp tục được theo dõi tại đơn vị đột quỵ với phác đồ điều trị nội khoa dự phòng tái phát, kiểm soát chặt chẽ huyết áp và dấu thần kinh giúp bệnh nhân sớm trở lại với cuộc sống bình thường.

Theo BSCKI. Nguyễn Thế Thuần, Trưởng khoa Ngoại Thần Kinh, đột quỵ trong thời gian vàng giúp nâng cao cơ hội sống sót cho người bệnh bởi chỉ cần chậm 1 phút, người bệnh có thể mất đi gần 2 triệu tế bào não.

Vì vậy mỗi bà con cần nhận biết những dấu hiệu đột quỵ theo quy tắc F.A.S.T để kịp thời phát hiện từ đó phòng ngừa nguy cơ tử vong cao và tàn phế nặng nề.

Mạnh Hà

comment Bình luận

largeer