Lưu ý cách phòng tránh bệnh đột quỵ khi trời trở lạnh

Khi thời tiết trở lạnh, những người có bệnh lý về tim mạch cần cảnh giác với nguy cơ đột quỵ. Bên cạnh đó, sự thay đổi lớn về nhiệt độ, từ ấm sang lạnh, làm tăng huyết áp, khiến mạch máu bị thắt lại. Mạch máu khi bị biến dạng sẽ dễ dẫn tới tình trạng phình động mạch chủ, gây đột quỵ. Do đó, người dân cần lưu ý những cách nhận biết và phòng tránh bệnh đột quỵ khi trời trở lạnh.
29/10/2021 11:23

Vì sao nhiệt độ lạnh lại nguy hiểm đối với tim và não?

Khi ở trong môi trường lạnh, cơ thể chúng ta có những điều chỉnh sinh lý nhất định để duy trì ổn định nhiệt độ cơ thể. Những điều chỉnh bình thường này có thể là một thách thức đối với những người bị bệnh tim mạch hay đột quỵ. Nhiệt độ lạnh có thể khiến cho: Nhịp tim tăng lên, làm tăng huyết áp, bắt trái tim của bạn làm việc cật lực hơn đáng kể. Nhiệt độ thấp cũng làm tăng khuynh hướng đông máu trong lòng mạch.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Hậu quả tai hại của thời tiết lạnh lên bệnh tim mạch và đột quỵ

Đối với những người đang bị bệnh mạch vành, nhiệt độ thấp có thể gây ra các đợt thiếu máu cục bộ ở tim do cơ tim bị thiếu oxy, gây các cơn đau thắt ngực hoặc thậm chí cơn đau tim cấp.

Đối với những người bị suy tim, nhiệt độ môi trường giảm nhanh chóng có thể làm các triệu chứng đang tạm ổn lại đột ngột xấu đi, tăng nguy cơ nhập viện và thậm chí tăng nguy cơ tử vong.

Đối với những người bị tăng huyết áp, nhiệt độ môi trường giảm nhanh chóng có thể làm huyết áp tăng lên, dễ gây ra các biến chứng tim mạch và hình thành đột quỵ.

Dấu hiệu báo trước đột quỵ khi giao mùa dễ nhầm cảm lạnh

Đột quỵ thường bắt đầu bằng cơn tai biến nhẹ gọi là "thiếu máu não thoáng qua", xảy ra chóng vánh chỉ vài phút đến vài giờ. Người bệnh bất ngờ bị xây xẩm chóng mặt, tê yếu tay chân. Có người cầm đũa không nổi, đi không vững, không giơ nổi 2 cánh tay lên cao. Ngoài ra, có thể thêm triệu chứng méo miệng, nói khó, nuốt nghẹn, uống sặc, mắt mờ...

Sau đó, cơ thể tự hồi phục hoàn toàn trong 24 giờ. Vì sớm trở lại bình thường, nên nhiều người thường nhầm lẫn với cảm lạnh. Có người xây xẩm chóng mặt, tê yếu tay chân khi đi nắng về, lại ngộ nhận đột quỵ với say nắng hoặc sốc nhiệt, chủ quan nghĩ nghỉ ngơi sẽ ổn mà không đi cấp cứu.

Khi nhiệt độ bên ngoài giảm thấp cơ thể sẽ phản ứng lại để giữ ấm bằng nhiều cách. Trong đó, các mạch máu nhỏ trên da, tay chân...sẽ co lại, đảm bảo lượng máu cần thiết dồn về cho các cơ quan nội tạng quan trọng như não, phổi, tim... Chính điều này khiến huyết áp cơ thể lên cao khi trời lạnh. Một số trường hợp có dấu hiệu cảnh báo khi tăng huyết áp vào mùa lạnh: cảm thấy nóng đỏ mặt, đau ở gáy, ù tai, mờ mắt hay đau tức ngực nhưng đa số trường hợp người bệnh lại không có dấu hiệu rõ ràng đến khi xảy ra hậu quả nghiêm trọng.

Ngoài ra, lúc nhiệt độ ngoài trời giảm thấp quá nhanh hoặc bất ngờ tiếp xúc với gió lạnh, nước lạnh đột ngột làm cơ thể chưa kịp thích nghi. Điều này làm chúng ta lầm tưởng với cảm lạnh mà bỏ qua triệu chứng nhận biết, dẫn đến việc xuất hiện các biến chứng như đột quỵ, liệt nửa người, hôn mê, nhồi máu cơ tim.

Phòng bệnh đột quỵ khi mùa đông đến như thế nào?

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Chế độ dinh dưỡng hợp lý: nguyên nhân gây bệnh đột quỵ đến từ các bệnh lý tim mạch, đái tháo đường, mỡ máu... Chế độ dinh dưỡng là yếu tố quan trọng quyết định hình thành các bệnh lý này. Ăn uống với chế độ dinh dưỡng hợp lý là cách phòng tránh đột quỵ hiệu quả.

Tập thể dục hàng ngày: tập thể dục giúp tăng cường tuần hoàn máu trong cơ thể, nâng cao sức khỏe, giúp tim khỏe mạnh. Tập thể dục 30 phút mỗi ngày, ít nhất 4 lần mỗi tuần sẽ làm giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch, dẫn đến đột quỵ.

Giữ ấm cơ thể: nhiễm lạnh có thể gây tăng huyết áp, tăng áp lực khiến mạch máu bị vỡ. Cần giữ ấm cơ thể, giữ gìn sức khỏe, đặc biệt là với người lớn tuổi trong thời điểm giao mùa.

Không hút thuốc lá: Hút là là một trong những nguy cơ làm tăng khả năng bị đột quỵ. Thuốc lá còn gây hại cho sức khỏe của bản thân và những người xung quanh. Nếu bỏ thuốc lá trong vòng từ 2 - 5 năm, nguy cơ bị đột quỵ sẽ ngang bằng với người chưa bao giờ hút thuốc.

Kiểm tra sức khỏe định kỳ: kiểm tra sức khỏe định kỳ sớm phát hiện các yếu tố gây đột quỵ và chủ động can thiệp sẽ giúp phòng tránh đột quỵ hiệu quả.

Những người mắc các bệnh lý đái tháo đường, tim mạch, mỡ máu càng cần đi khám sức khỏe định kỳ để kiểm soát tình trạng bệnh, không để các chỉ số vượt quá mức nguy hiểm gây ra đột quỵ.

Kiểm tra sức khỏe định kỳ là một trong những cách nhận biết sớm và phòng tránh bệnh nhất là đối với những bệnh nhân có tiền sử bị đột quỵ, từ đó có kế hoạch điều trị đạt kết quả tối ưu. 

Ngoài ra, chúng ta cần:

– Hỗ trợ điều trị tốt bệnh huyết áp cao (nguyên nhân chính gây đứt mạch máu não).

– Phòng và hỗ trợ  điều trị tiểu đường (yếu tố nguy cơ gây mảng xơ vữa động mạch lớn, dẫn đến thiếu máu ở não).

– Khắc phục tình trạng tăng cholesterol máu cùng với triglyceride máu.

– Phòng và trị bệnh đa hồng cầu (có thể gây cơn thiếu máu não hay nhũn não).

– Nên ăn nhiều rau củ quả; hạn chế muối; đời sống tình cảm tâm lý ổn định, tránh những xúc động hay chấn thương quá mức.

– Thay đổi nếp sống tĩnh tại, ít vận động; tăng cường tập thể dục, vận động vừa sức sao cho phù hợp với tình hình sức khỏe.

– Kiểm tra sức khỏe định kỳ thường xuyên, đặc biệt là kiểm soát tốt huyết áp.

Thu Trang (Tổng hợp)

comment Bình luận

largeer