Lý do gì khiến bạn buồn nôn khi tập luyện thể thao?

Thói quen uống nhiều nước trước và trong khi tập luyện thể thao có thể khiến bạn rơi vào tình trạng đầy hơi và buồn nôn.
03/11/2020 11:10

Theo huấn luyện viên Lê Minh Phong (Hà Nội), cảm giác buồn nôn sau khi tập luyện do các yếu tố bên trong cơ thể và thói quen của mỗi người.

Bữa ăn trước buổi tập

Bữa ăn trước khi tập đóng vai trò quan trọng tới quá trình hoạt động sau đó, đặc biệt là nếu bạn tập vào buổi sáng.

"Hãy cố gắng hoàn thành bữa ăn của bạn trước khi tập khoảng 2-3 giờ. Lúc này, khoảng 50% lượng thức ăn đã đi qua dạ dày. Trong khi đó, nếu bữa ăn quá gần với buổi tập, việc vận động sẽ làm kìm hãm quá trình tiêu hóa thức ăn, dẫn đến nôn mửa khi bạn gắng sức", huấn luyện viên Lê Minh Phong giải thích.

Bên cạnh đó, việc lựa chọn các thực phẩm không tốn nhiều thời gian tiêu hóa cũng là giải pháp giúp chúng ta hạn chế tình trạng buồn nôn sau khi tập luyện.

Uống nước vừa đủ

Chúng ta không cần bàn cãi tới những lợi ích của nước, đặc biệt là trong tập luyện. Tuy nhiên, việc uống quá nhiều hay không đủ nước cũng là tác nhân gây buồn nôn.

 
aaptiv

Tình trạng buồn nôn sau khi tập đến từ thói quen ăn, uống xung quanh buổi tập và cường độ tập luyện. Ảnh minh họa: Apptiv.

Tình trạng thừa nước từ trước buổi tập kết hợp nhu cầu bổ sung nước giữa các hiệp có thể dẫn đến đầy hơi và buồn nôn. Ngoài ra, Minh Phong khẳng định mất nước cũng khiến cơ thể dễ nôn hơn sau khi vận động.

Máu chảy tới dạ dày

Cơ chế hoạt động của cơ thể là bơm máu tới bộ phận cần làm việc. Do đó, khi chúng ta bắt đầu chu trình tập luyện với cường độ cao, máu bắt đầu được chuyển hướng, rời khỏi dạ dày và đến các cơ bắp nhằm cung cấp năng lượng cho chúng.

Lúc này, quá trình tiêu hóa sẽ bị gián đoạn và khiến thức ăn ở lại trong dạ dày, mang đến nguy cơ nôn nếu vận động mạnh.

Tăng nồng độ axit lactic

"Khi tập luyện với nồng độ cao, cơ thể sẽ tiết ra rất nhiều axit lactic. Đây là yếu tố gây ra cảm giác khó chịu nhưng rất cần thiết khi nó quyết định khá nhiều tới hiệu quả của buổi tập", huấn luyện viên Minh Phong cho biết.

Axit lactic tạo điều kiện cho hormone tăng trưởng (HGH) tiết ra với số lượng lớn, qua đó phát triển cơ bắp và đốt cháy chất béo. Tuy nhiên, axit lactic lại là tác nhân mang đến cảm giác buồn nôn, đặc biệt trong các buổi tập với nhóm cơ lớn như đùi, mông, ngực hay lưng.

Thông thường, tình trạng buồn nôn chỉ xuất hiện trong khoảng một tuần đầu tiên bước vào chương trình tập mới với cường độ cao. Theo Minh Phong, đa số người tập có thể vượt qua điều này và không còn cảm giác khó chịu dù tần suất vận động vẫn liên tục gia tăng.

Bởi vậy, việc xuất hiện cảm giác buồn nôn không phải vấn đề đáng lo ngại. Nếu chúng ta chăm chỉ và duy trì thói quen tập luyện lành mạnh, tình trạng này sẽ sớm được cải thiện cùng sức khỏe tốt hơn.

Theo Zing News

comment Bình luận

largeer