Một số kết quả thực hiện nhiệm vụ của ngành y tế Quý I năm 2023

Bộ Y tế ban hành kết quả thực hiện nhiệm vụ của ngành y tế Quý I năm 2023.
27/03/2023 11:06

I. Tích cực hoàn thiện thể chế, quy phạm pháp luật

Ngành Y tế luôn xác định nhiệm vụ "tập trung nguồn lực xây dựng hệ thống pháp luật đồng bộ, thống nhất, minh bạch lấy quyền, lợi ích chính đáng của người dân và doanh nghiệp làm trọng tâm; xây dựng bộ máy quản lý tinh gọn, hoạt động hiệu quả, nâng cao kỷ cương, kỷ luật, phòng, chống tham nhũng; tạo lập được khuôn khổ pháp lý thực hiện tốt các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội”.

337288863_1279089412734200_5531118842006437880_n

Ngày 5/9/2022, Bộ trưởng Bộ Y tế đã ban hành Chỉ thị số 05/CT-BYT về tăng cường công tác pháp chế trong ngành y tế: trong đó công tác hoàn thiện thể chế là nhiệm vụ trọng tâm, ưu tiên hàng đầu; Người đứng đầu các Vụ/Cục và Giám đốc Sở Y tế các tỉnh phải quan tâm đến công tác xây dựng thể chế, góp ý các văn bản, chính sách của ngành y tế sát với thực tiễn, đồng thời tổ chức triển khai kịp thời các văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực y tế. Cũng tại Chỉ thị này, Bộ trưởng Bộ Y tế yêu cầu đối với các quy định trong lĩnh vực mua sắm đấu thầu nếu đã đủ rõ các quy định của pháp luật phải tổ chức thực hiện ngay, nếu có vướng mắc, bất cập phải kịp thời báo cáo về Bộ Y tế để xem xét giải quyết, hoặc đề xuất cấp có thẩm quyền giải quyết. Ban Cán sự Đảng Bộ Y tế quan tâm, sát sao đến công tác hoàn thiện thể chế, 100% các văn bản quy phạm pháp luật trước khi được ban hành đều được báo cáo Ban cán sự thảo luận, cho ý kiến và ra quyết nghị trên cơ sở những giải trình, đề xuất của cơ quan tham mưu, cơ quan liên quan.

Thời gian qua, Bộ Y tế đã trình Quốc hội thông qua Luật Khám bệnh, chữa bệnh số 15/2023/QH15 để tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân. Cùng với đó, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 80/2023/QH15, cho phép tiếp tục sử dụng giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc hết thời hạn hiệu lực trong giai đoạn từ ngày 01/01/2023 đến ngày 31/12/2024 được tiếp tục sử dụng từ ngày hết hiệu lực đến hết ngày 31/12/2024.

Bộ Y tế đã trình Chính phủ ban hành: Nghị định số 05/2023/NĐ-CP ngày 15/02/2023 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 56/2011/NĐ-CP ngày 04 tháng 7 năm 2011 của Chính phủ quy định chế độ phụ cấp ưu đãi theo nghề đối với công chức, viên chức, cán bộ y tế xã, phường, thị trấn, trong đó đã đề xuất nâng phụ cấp đặc thù của cán bộ y tế dự phòng, y tế cơ sở lên cao nhất; Nghị định số 07/NĐ-CP ngày 03/3/2023 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 98/2021/NĐ-CP ngày 08 tháng 11 năm 2021 của Chính phủ về quản lý trang thiết bị y tế; Nghị quyết số 30/NQ-CP ngày 04/3/2023 của Chính phủ về tiếp tục thực hiện giải pháp bảo đảm thuốc, trang thiết bị y tế.

Bộ Y tế đã trình Chính phủ các dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 146/2018/NĐ-CP ngày 17/10/2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Bảo hiểm y tế.

Bên cạnh đó, Bộ Y tế đã tổ chức rà soát toàn bộ các Thông tư của Bộ Y tế đã ban hành trong thời gian qua để xác định các Thông tư còn hiệu lực, đã hết hiệu lực, có vướng mắc bất cập, có khoảng trống và xác định lộ trình cụ thể ban hành các văn bản sửa đổi bổ sung hoặc thay thế, trong đó tập trung vào một số nội dung liên quan đến vấn đề bảo đảm thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế, tài chính y tế (giá dịch vụ khám chữa bệnh, bảo hiểm y tế, xã hội hóa, liên doanh liên kết). Mới đây, Bộ Y tế đã ban hành Thông tư số 06/2023/TT-BYT ngày 12/3/2023 sửa đổi Thông tư 15/2019/TT-BYT quy định việc đấu thầu thuốc tại các cơ sở y tế công lập. Bộ Y tế ban hành Thông tư số 01/2023/TT-BYT ngày 01/02/2023 quy định chi tiết hoạt động và mối quan hệ công tác của hội đồng giám định y khoa các cấp. Bộ Y tế đã xây dựng và ban hành 06 Thông tư theo thẩm quyền; góp ý 08 Luật, 02 Nghị định và 05 Thông tư do các Bộ, ngành và đơn vị thuộc Bộ xây dựng.

Bộ Y tế đang phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư sửa đổi Luật Đấu thầu và Thông tư số 08/2022/TT-BKHĐT ngày 31/5/2022; phối hợp với Bộ Tài chính sửa đổi Luật Giá, Nghị định số 29/NĐ-CP, Nghị định số 151/NĐ-CP; Thông tư số 58/2016/TT-BTC; Thông tư số 277/2016/TT-BTC và Thông tư số 278/2016/TT-BTC ngày 14/11/2016.

II. Tăng cường phòng, chống dịch bệnh, kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh không để xảy ra “dịch chồng dịch”

Hiện nay, bệnh truyền nhiễm trên toàn cầu được dự báo vẫn diễn biến khó lường. COVID-19 hiện vẫn là tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng quốc tế, tiềm ẩn nguy cơ bùng phát với các biến thể mới, nhất là khi các quốc gia nới lỏng biện pháp phòng, chống dịch; thực hiện chính sách mở cửa để phát triển kinh tế xã hội, giao thương, du lịch. Các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, mới nổi tiếp tục xuất hiện và lây lan như bệnh Marburg tại khu vực châu Phi; cúm A(H5N1)... Các tác nhân gây bệnh, chủng virus cúm liên tục biến đổi làm giảm khả năng bảo vệ của vaccine, tiềm ẩn nguy cơ đại dịch.

Trong nước, dịch COVID-19 và các bệnh truyền nhiễm khác cơ bản vẫn đang được kiểm soát. Tuy nhiên nguy cơ xâm nhập, lây lan của các tác nhân gây bệnh luôn tiềm ẩn, nhất là trong bối cảnh nhu cầu giao thương, du lịch tăng cao. Một số bệnh truyền nhiễm lưu hành như tay chân miệng, sốt xuất huyết..., bệnh truyền nhiễm dự phòng bằng vaccine cũng có nguy cơ gia tăng số mắc. Tích lũy từ đầu năm đến ngày 17/3/2023, Bộ Y tế ghi nhận 20.537 trường hợp mắc Sốt xuất huyết với 03 trường hợp tử vong (so với cùng kỳ năm 2022 (9.919/02), số ca mắc tăng 2,1 lần). Ghi nhận 2.796 trường hợp mắc tay chân miệng, không trường hợp tử vong (so với cùng kỳ năm 2022 (406/0), số ca mắc tăng 6,9 lần). Ghi nhận 33 trường hợp mắc Sốt phát ban nghi sởi, không trường hợp tử vong (so với cùng kỳ 2022 (07/0), số ca mắc tăng 11 ca). Ghi nhận 38 trường hợp mắc sốt rét (so với cùng kỳ năm 2022, số ca mắc tăng 02 trường hợp). Tính đến ngày 23/3/2023 ghi nhận 1.915 ca mắc COVID-19, tổng tích lũy Việt Nam ghi nhận 11.527.187 ca nhiễm COVID-19. Cả nước đã triển khai được 265.933.964 liều vắc xin phòng COVID-19.

Ngày 10/3/2023, Bộ Y tế ban hành Quyết định số 1331/QĐ-BYT Kế hoạch phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm năm 2023. Ngày 23/3/2023, Bộ Y tế đã ký ban hành công văn gửi Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố về việc tổ chức triển khai kế hoạch phòng, chống dịch năm 2023. Phối hợp với Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố về việc tăng cường phòng, chống bệnh cúm gia cầm lây sang người và chỉ đạo Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc tăng cường phòng, chống bệnh liên cầu lợn của người. Tiếp tục tập trung tăng cường công tác phòng, chống các dịch bệnh lưu hành, bệnh mới nổi đặc biệt trong mùa Xuân – Hè.

Bộ Y tế đang xây dựng và tiếp tục hoàn thiện: Dự án Luật Phòng bệnh; Đề án tăng cường công tác tiêm chủng, tăng số lượng vắc xin trong Tiêm chủng mở rộng; Thông tư sửa đổi Thông tư số 38/2017/TT-BYT ngày 17/10/2017 ban hành Danh mục bệnh truyền nhiễm, phạm vi và đối tượng phải sử dụng vắc xin, sinh phẩm y tế bắt buộc; Thông tư quy định nội dung chi tiết của gói dịch vụ y tế công cộng cơ bản tại Trạm Y tế xã, phường, thị trấn; Báo cáo đánh giá kết quả 3 năm công tác phòng, chống dịch COVID-19.

III. Nhiều kết quả nổi bật trong công tác dự phòng, dược và khám, chữa bệnh

Phòng, chống HIV/AIDS

Từ đầu năm đến nay, có khoảng hơn 560.000 lượt người đã được tư vấn xét nghiệm, trong đó 40% là nhóm nguy cơ cao; hơn 51.000 người được điều trị Methadone, trong đó 4.324 người được cấp thuốc về nhà; điều trị ARV cho khoảng 171.200 người; điều trị PrEP cho khoảng 38.475 người.

An toàn thực phẩm

Công tác an toàn thực phẩm được đẩy mạnh, nhất là trong dịp Tết Nguyên đán vừa qua (không xảy ra vụ việc ngộ độc thực phẩm nghiêm trọng). Tích lũy từ đầu năm đến nay, cả nước xảy ra 17 vụ ngộ độc thực phẩm làm 227 người mắc, 07 người người tử vong. Bộ Y tế đã phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tăng cường biện pháp bảo đảm an toàn thực phẩm đối với bếp ăn tập thể; chỉ đạo Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Ban Quản lý an toàn thực phẩm thành phố Hồ Chí Minh, thành phố Đà Nẵng, tỉnh Bắc Ninh về tăng cường công tác phòng chống ngộ độc do độc tố tự nhiên năm 2023.

Quản lý Dược

Bộ Y tế đã trình Thủ tướng Chính phủ dự thảo Quyết định ban hành Chiến lược quốc gia phát triển ngành dược Việt Nam giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Chỉ đạo các đơn vị liên quan về việc đảm bảo cung ứng đầy đủ, kịp thời dịch truyền Albumin và Globulin cho nhu cầu điều trị của nhân dân. Chỉ đạo các cơ sở sản xuất, đăng ký lưu hành thuốc tại Việt Nam về việc quy định về dữ liệu lâm sàng trong hồ sơ đăng ký thuốc.

Công tác khám, chữa bệnh

Hoạt động khám, chữa bệnh thông thường hồi phục nhanh sau dịch bệnh COVID-19 và được triển khai hiệu quả; khám chữa bệnh từ xa, chuyển giao kỹ thuật cho tuyến dưới được tăng cường. Thời gian qua, Bộ Y tế đã xây dựng tài liệu Hướng dẫn Phát hiện sớm – Can thiệp sớm khuyết tật trẻ em. Tiếp tục xây dựng Danh mục dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh ưu tiên sửa đổi định mức kinh tế - kỹ thuật và giá dịch vụ kỹ thuật. Chỉ đạo các đơn vị liên quan về việc tăng cường sử dụng thuốc an toàn, hợp lý, hiệu quả; tăng cường công tác cấp cứu, khám chữa bệnh trong dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023.

Bộ Y tế đã ban hành Kế hoạch xây dựng Đề án tăng cường năng lực hệ thống chăm sóc sức khoẻ tâm thần; Quyết định số 1005/QĐ-BYT ngày 22/02/2023 về việc ban hành tài liệu chuyên môn “Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị Bệnh phổi mô kẽ”. Chỉ đạo các đơn vị liên quan liên thông công dữ liệu Giấy khám sức khoẻ lái xe lên Cổng giám định bảo hiểm y tế triển khai Đề án 06. Xây dựng kế hoạch và phân công xây dựng văn bản hướng dẫn thi hành Luật khám bệnh chữa bệnh.

Nguyễn Trang

comment Bình luận

largeer