Một số nghiệp vụ sư phạm cơ bản trong dạy học trực tuyến ở tiểu học

Sau một tuần triển khai dạy học trực tuyến trên cả nước, vẫn còn nhiều thách thức đặt ra, nhất là với học sinh lớp 1. Đó là sự bỡ ngỡ của tất cả thầy, trò và phụ huynh khi đồng thời áp dụng một phương thức dạy học mới; sự căng thẳng khi sử dụng tích hợp công nghệ; hay sự thiếu hụt mang tính hệ thống của việc đảm bảo hạ tầng, thiết bị và các tài nguyên số cần thiết…
13/09/2021 10:52

Tại buổi tọa đàm với chủ đề "Hướng dẫn một số nghiệp vụ sư phạm cơ bản trong dạy học trực tuyến ở tiểu học" diễn ra vào ngày 12/9/2021, các chuyên gia đã cùng trao đổi về các phương án dạy học trong bối cảnh ứng phó với dịch bệnh COVID-19; từ đó đưa ra cách thức, kỹ năng giúp giáo viên thiết kế bài giảng và tổ chức hoạt động phù hợp với đặc điểm tâm sinh lý của học sinh tiểu học.

Theo TS. Tôn Quang Cường - Chủ nhiệm Khoa Công nghệ Giáo dục, Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội, một trong những nguyên nhân khiến việc dạy học trực tuyến chưa thực sự hiệu quả chính là vẫn còn hạn chế trong các hoạt động tương tác giữa giáo viên và học sinh.

Các chuyên gia tại buổi tọa đàm

Các chuyên gia tại buổi tọa đàm

Cần phải hiểu sự tương tác ở đây bao gồm: tương tác trực tiếp nhưng không tiếp xúc giữa giáo viên và học sinh trong giờ học online; tương tác gián tiếp giữa thầy trò trước và sau giờ học online;  tương tác với cha mẹ học sinh để đảm bảo kết nối và trợ giúp từ phía họ. Tuy nhiên, phần lớn giáo viên hiện nay mới chỉ tập trung nỗ lực tương tác trong quá trình giờ học online được diễn ra, mà quên mất các khả năng hỗ trợ học sinh trước và sau giờ học, đi kèm với đó là sự tham gia trợ giúp của cha mẹ học sinh.

Do đó, theo TS. Tôn Quang Cường, đối với học sinh lớp 1, giáo viên nên cố gắng duy trì sự kết nối bằng nhiều cách để hỗ trợ các em. Giáo viên nên dành một số buổi học ban đầu (thậm chí 1 - 2 tuần) không dạy học mà chủ yếu để làm quen, hướng dẫn các thao tác cơ bản trên ứng dụng và thiết bị cả học sinh và phụ huynh; trao đổi/kể chuyện với học sinh… để tạo môi trường thân thiện. 

Cùng với đó, trước khi bắt đầu buổi học, giáo viên cần kiểm tra các thiết bị kết nối và các học liệu cần thiết; thêm vào đó là những thiết bị, đồ dùng trực quan hỗ trợ như: bảng viết, thẻ chữ cái/con số; thẻ quy ước các hoạt động; video tự tạo; hình ảnh tự tạo hoặc sưu tầm…

Lưu ý được TS Cường đưa ra là tổng thời gian học online không nên quá 2 tiếng/ngày; cần được chia thành nhiều phiên, mỗi phiên không quá 20 phút; giữa các phiên cần có giải lao 5 phút; ở phiên thứ 3 nghỉ 10 phút - không nên giải lao lâu vì sẽ mất thời gian khởi động lại.

Trong quá trình học, nhằm gia tăng sự tương tác, giáo viên nên sử dụng một số ứng dụng trò chơi online đơn giản; các thẻ nội dung trực quan (chữ cái, con số, kí hiệu quy ước hoạt động…) để giơ lên trước màn hình yêu cầu học chú ý; hay thực hiện luôn một số hoạt động tương tác cụ thể như: yêu cầu học sinh giơ tay, yêu cầu trả lời… tiến tới yêu cầu các em thể hiện tương tác bằng cách sử dụng các chức năng trong ứng dụng. Ví dụ: "Nếu con thấy vui, hiểu cô nói thì con bấm nút số 1 hay chữ cái A trên bàn phím, hay biểu tượng cảm xúc ở thanh công cụ".

Sau giờ học, để duy trì sự tương tác, giáo viên có thể gọi điện trao đổi với chính học sinh nếu có những điều cần lưu ý, dặn dò. Ngoài ra, thầy cô nên gọi điện, nhắn tin trao đổi, cập nhật liên tục với phụ huynh để nhận được sự phối hợp, trợ giúp.

Đồng thời, trong bối cảnh dịch bệnh, giáo viên không có cơ hội kết giao trực tiếp với học sinh nhưng lại có thể kết nối với các em bằng công nghệ. Hãy nghĩ đến các em để sử dụng công nghệ một cách sáng tạo theo cách riêng.

"Dạy học tiểu học, nhất là cho học sinh lớp 1,2 cần phải lấy sự hứng thú và tham gia của học sinh làm cái gốc. Trong quá trình học trực tuyến, trẻ luôn có xu hướng sợ bị cô đơn khi bị mất giao tiếp, lo lắng khi không hiểu lời cô giảng, nội dung bài giảng, lúng túng khi bắt chước các thao tác hoặc bất an khi thấy làm không đúng theo yêu cầu, bỡ ngỡ khi sử dụng công nghệ… Do đó, giáo viên cần phải thực sự là bạn cùng chơi, bạn cùng học trong mọi hoạt động của trẻ" , TS. Tôn Quang Cường nhấn mạnh.

tuongtacvoihocsinh

Còn theo PGS.TS Nguyễn Chí Thành - Chủ nhiệm Khoa Sư phạm, Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội, để đảm bảo chất lượng cho việc dạy học trực tuyến đối với học sinh tiểu học, trước hết, nhà trường cần có sự chuẩn bị, đầu tư về cơ sở vật chất. Song song với nâng cấp tốc độ đường truyền, nên có sự đầu tư về các thiết bị như máy tính, bảng thông minh hay các phần mềm… trong trường hợp nhà trường muốn ghi hình hay thực hiện các video giảng dạy. Thêm vào đó, mỗi nhà trường cần chú trọng công tác đào tạo và bồi dưỡng giáo viên về kỹ năng dạy học trực tuyến.

Đồng thời, PGS.TS Nguyễn Chí Thành còn nêu ra 4 phương án dạy học trong bối cảnh COVID-19, bao gồm: Dạy học trực tuyến; Dạy học qua truyền hình; Dạy học qua sóng radio; Phát phiếu, tài liệu in tới cha mẹ  học sinh thông qua email, bưu điện kết hợp với các phương thức trực tuyến khác. Và để thực hiện những phương án dạy học này, nhà trường, cán bộ quản lý và giáo viên sẽ có những công việc cần làm khác nhau.

Nhà trường cần chuẩn bị cơ sở vật chất: tốc độ đường truyền, máy tính, bảng thông minh và các phần mềm trong trường hợp nhà trường muốn ghi hình hay thực hiện các video clip giảng dạy hiệu quả và hấp dẫn; Đào tạo và bồi dưỡng giáo viên về kĩ năng dạy học trực tuyến. Đặc biệt, nhấn mạnh đến kĩ năng thiết kế các hoạt động kiểm tra - đánh giá; Hệ thống bài giảng trực tuyến hay hình thức đánh giá các giờ dạy của giáo viên. Ngoài ra là việc quản lí chất lượng hệ thống các nội dung dạy học trực tuyến; có chính sách phù hợp đối với giáo viên.

Nhà trường cũng cần kết hợp hài hòa giữa các môn học triển khai dạy trực tuyến để có một kế hoạch học trực tuyến của học sinh khả thi và phù hợp. Không để học sinh quá tải về kiến thức, thời gian, ảnh hưởng đến sức khỏe, sự phát triển tự nhiên của học sinh phổ thông. 

Cán bộ quản lý phải chủ động xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch năm học linh hoạt, tạo điều kiện thuận lợi cho giáo viên, học sinh, vừa bảo đảm sức khoẻ, vừa hoàn thành chương trình giáo dục theo kế hoạch và bảo đảm chất lượng giáo dục.

Hướng dẫn các gia đình trong việc phối hợp với nhà trường chăm sóc, giáo dục trẻ em, học sinh, sinh viên bảo đảm an toàn, hiệu quả trong thời gian học trực tuyến.

Xây dựng hệ thống đề thi, bài kiểm tra, ngân hàng câu hỏi phục vụ tổ chức thi, kiểm tra đánh giá theo hình thức trực tuyến một cách phù hợp;

Còn giáo viên cần có kiến thức của 3 lĩnh vực trong mô hình giáo viên trong bối cảnh công nghệ 4.0 hiện nay là mô hình TPACK (CK - Content Knowledge: kiến thức chuyên môn; TK - Technology Knowledge: kiến thức công nghệ; PAK - Pedagogy Knowledge: kiến thức sư phạm).

Thu Trang

comment Bình luận

largeer