Ngày Quốc tế Điều dưỡng 12/5: Mong ước của điều dưỡng là trẻ sinh non được nâng cao chất lượng cuộc sống

Chị Nguyễn Thị Hương (SN 1984) là điều dưỡng tại Trung tâm Chăm sóc và điều trị sơ sinh, Bệnh viện Phụ sản Trung ương có những trăn trở dành cho trẻ sinh non để nâng cao chất lượng cuộc sống của trẻ sau này.
12/05/2024 09:57

17 năm làm công tác chăm sóc trẻ sinh non

Song hành với bác sĩ trên mọi chặng đường chăm sóc và bảo vệ sức khỏe của Nhân dân, đó chính là người điều dưỡng - người với nụ cười hiền hậu và sự chăm sóc tận tâm, luôn yêu thương, chăm sóc người bệnh như chính người thân của mình. Điều dưỡng cũng chính là người gắn bó với người bệnh nhiều nhất, đặc biệt trong quá trình bệnh nhân có mặt tại bệnh viện. Chính những điều dưỡng là người luôn sẵn sàng cho mọi chăm sóc về y tế và chăm sóc về tinh thần bệnh nhân, cùng người bệnh vượt qua những cơn đau bệnh và sự mệt mỏi về tinh thần trong quá trình điều trị. Đổi lại sự vất vả đó chính là những nụ cười hạnh phúc, tiếng tri ân xúc động của bệnh nhân khi đã hoàn thành điều trị và khỏe mạnh hoàn toàn. Những giây phút thiêng liêng đó đem lại niềm vui khôn xiết và thổi lửa cho tình yêu nghề của các điều dưỡng viên.

Empty

Chị Nguyễn Thị Hương đang làm công việc chăm sóc trẻ sinh non

Chị Hương làm công việc điều dưỡng tại Bệnh viện Phụ sản Trung ương sau khi tốt nghiệp trường Cao đẳng Y tế Hà Nội. Tính đến nay, chị đã công tác tại đây 17 năm. Theo chị Hương cho biết, vì đã quen với công việc hàng ngày, chị thấy không hề gặp khó khăn trong công việc chăm sóc trẻ sinh non.

Đặc thù của Trung tâm rất vất vả, các điều dưỡng, cán bộ y tế thay nhau túc trực để chăm sóc cho trẻ sơ sinh mà không có người nhà hỗ trợ. “Ở nhà một bà, một mẹ chăm một em bé có khi còn vất vả. Với nhân lực còn thiếu thì một điều dưỡng của Trung tâm phải chăm từ 3 - 4 trẻ sơ sinh”, chị Hương cho biết.

Chị Hương có 13 năm làm công tác chuyên môn, sau đó chị được điều chuyển làm công tác quản lý. Công việc trước đây của chị là chăm sóc các bệnh nhân có bệnh lý, bệnh nhân nặng, thở máy. Từ năm thứ 14 ngoài thực hiện các công tác quản lý, chị vẫn thường xuyên tham gia các công tác chuyên môn của Trung tâm. 

Thời điểm mới vào Trung tâm làm việc khi đó chị Hương vừa tròn 23 tuổi, tại Khu tích cực, Trung tâm chăm sóc và điều trị trẻ sơ sinh, có những bệnh nhi thở máy. Thời điểm đó Khoa có duy nhất 2 máy thở, không có máy theo dõi SpO2 như bây giờ, hoàn toàn người điều dưỡng phải theo dõi bệnh nhân 24/24. “Có trường hợp sản phụ nhà ở Cửa Nam, sinh con nặng 900 g, không có máy thở, phải sử dụng máy hỗ trợ thở là máy…điều dưỡng phải ngồi bấm máy bằng tay thay nhịp thở cho trẻ sơ sinh cả đêm. Sau thời gian điều trị sức khỏe em bé được phục hồi, ra viện và sống khỏe mạnh. Một đêm có 4 điều dưỡng trực mà có đến gần 100 bệnh nhân. Với lượng bệnh nhân đông, không có máy móc phụ trợ, nhân lực quá mỏng mặc dù vậy các điều dưỡng vẫn hoàn thành tốt nhiệm vụ. Đây là kỹ năng bắt buộc dành cho những điều dưỡng”, chị Hương bộc bạch. Cứ thế 17 năm trôi qua…

90 điều dưỡng chăm sóc 150 bệnh nhi

Hiện tại, máy móc thiết bị đã được trang bị đầy đủ từ máy thở, lồng ấp, máy theo dõi… . So với trước đây, Bệnh nhân không bị nặng như bây giờ và ít trường hợp sinh non tháng. Bây giờ, các điều dưỡng phải chăm sóc cho trẻ sinh non từ 900 g - 1 kg, thậm chí có những trường hợp chỉ 400 g, bệnh nhân nhiều và thêm nhiều bệnh lý đi kèm. Trung tâm của chị Hương cũng đã cứu được những trường hợp hy hữu khi chỉ nặng khoảng 400 g.

Empty

Công việc hàng ngày của các điều dưỡng

Theo chị Hương cho biết, cách đây 16 - 17 năm, các trường hợp can thiệp thụ tinh nhân tạo IVF rất ít. Hiện nay, các cặp vợ chồng sau khi lập gia đình trong vòng 6 tháng không “dính bầu” là họ đã đi thực hiện thụ tinh nhân tạo. Đây cũng là một trong những yếu tố khiến các sản phụ dễ đẻ non và tỷ lệ đẻ non nhiều. Ngoài ra, chất lượng cuộc sống dù được nâng cao nhưng sức khoẻ không được tốt cũng ảnh hưởng đến nguy cơ đẻ non.

Ở Trung tâm lúc nào cũng có khoảng trên 30 bệnh nhi thở máy trong tổng số 70 bệnh nhi nằm điều trị tích cực. Ngoài những bệnh nhân thở máy này còn những bệnh nhân thở oxy hoặc có những bệnh nhân không phải thở oxy nhưng rất non tháng, nhẹ cân. Có những trẻ sơ sinh sinh ra ở tuần thứ 25 và phải được nuôi dưỡng đến 35 tuần để có thể đáp ứng được sự sống. Với những trường hợp đẻ non, không phải thở máy nhưng vẫn phải được chăm sóc, trẻ ở độ cân tầm 1,6 kg - 2 kg thì phải thở oxy hoặc sinh non tháng 32, 33 tuần vẫn phải vào đây để theo dõi và chăm sóc. Như vậy các điều dưỡng sẽ thay các bà mẹ để nuôi dưỡng những trẻ sơ sinh này.

Đợt cao điểm, Trung tâm có đến 150 bệnh nhân với 90 điều dưỡng chăm sóc. Chỉ có 16 cán bộ y tế, 3 bác sĩ trực 1 đêm để chăm sóc cho tổng số bệnh nhân. Bác sĩ còn phải thực hiện mổ đẻ, hồi sức trong đêm. Trung tâm có 7 buồng tích cực, chưa kể số lượng bệnh nhân trong Khoa cần chăm sóc thì 16 cán bộ y tế này còn phải tiếp nhận những bệnh nhân mới sinh trong đêm.

Các công việc của điều dưỡng hàng ngày là cho bệnh nhi ăn, uống thuốc, vệ sinh, thay tã… Cứ 4 tiếng thay tã 1 lần, 8 lần cho ăn, 3 lần cho uống thuốc… Ngoài ra, các điều dưỡng còn tiếp nhận các ca cấp cứu, ca bệnh nặng khác.

Với khối lượng công việc dày đặc, các điều dưỡng gần như phải luôn tay luôn chân để có thể chăm sóc từng ấy bệnh nhân. Họ là những người thầm lặng nhưng không phải ai cũng “hết mình” vì nghề này, có những trường hợp “bỏ chạy” vì quá sức, vì áp lực, vì…

Nhân lực “quá mỏng”

Đây quả thực là một khối lượng công việc rất vất vả đối với các điều dưỡng của Trung tâm chăm sóc và điều trị trẻ sơ sinh. Đặc biệt vào mỗi dịp nghỉ lễ dài ngày, các điều dưỡng vẫn phải thay phiên nhau trực các ca bệnh, họ dường như không có ngày nghỉ lễ, không có khái niệm “vui chơi” cùng gia đình. Ca trực của họ có thể là từ 7h tối đến 7h sáng hoặc ngược lại từ 7h sáng đến 7h tối.

Empty

Trẻ phát triển tốt là niềm vui của các điều dưỡng

“Trước kia, Trung tâm có 150 cán bộ, viên chức, trong đó có 28 bác sĩ, 111 điều dưỡng, 9 hộ lý kỹ thuật viên máy và 9 hộ lý. Hiện tại, bác sĩ chuyển đi 1 người, điều dưỡng chuyển đi gần 20 người và chưa biết đến bao giờ mới bù được số điều dưỡng đã chuyển đi”, chị Hương chia sẻ.

Với công việc dày đặc, áp lực tăng cao, những người mới thường không trụ được lâu vì nhiều lý do. Riêng với chị Hương thì không có ý định thay đổi công việc vì theo chị, chị đã quá quen với công việc này và thấy giờ nhàn hơn rất nhiều so với ngày trước khi không có sự hỗ trợ của máy móc, thiết bị.

Có những quãng thời gian không có máy móc hỗ trợ, cả Khoa chỉ có 2 máy điều chỉnh dịch, điều dưỡng phải ngồi canh điều chỉnh cho bệnh nhi. Máy SpO2 không có, máy theo dõi để báo động tình trạng của trẻ không có, chỉ sử dụng máy cầm tay dạng kẹp của người lớn, lúc nào cần thì mới đem ra để đo. Hiện tại các máy móc đã được trang bị đầy đủ để theo dõi trẻ một cách toàn diện nhất.

Có thể thế hệ trẻ bây giờ không thích ứng được sự vất vả, đối với họ như vậy là quá sức, họ muốn đến một nơi nào đó đỡ vất vả hơn, không phải chăm “con mọn” thì họ sẽ có nhu cầu chuyển việc. Với những người cũ đã chăm sóc và điều trị cho trẻ sơ sinh nhiều năm thì mặc dù vẫn vất vả nhưng so với ngày xưa đã là nhàn hơn rất nhiều.

“Mặc dù vất vả nhưng tôi thấy rất vui với thành quả cả đơn vị vì có thể cứu được nhiều bé vượt qua khó khăn về bệnh lý. Có những gia đình mãi mới có được đứa con, bằng sự nỗ lực của cả đơn vị để cứu được đứa trẻ trả lại niềm vui cho gia đình. Với những trường hợp đẻ non ở mức 26 tuần - 28 tuần được Trung tâm cứu sống cho thấy y học của Việt Nam đã rất tiến bộ”, chị Hương bộc bạch.

Điều dưỡng là người rất dũng cảm và có lòng vị tha, chấp nhận hy sinh hạnh phúc cá nhân bởi trong công việc có rất nhiều áp lực mà không thể nói hay kể ra với bất kỳ ai, hơn hết khi đã chấp nhận theo nghề là chấp nhận thiệt thòi cá nhân. Để có thể hoàn thành tốt công việc thực chất người điều dưỡng phải có sự yêu nghề, có tấm lòng nhân hậu, có năng lực thì mới đáp ứng được mọi yêu cầu khắt khe của xã hội. Nhưng không chỉ dừng lại ở đó…

“Đường dài” cho một đứa trẻ hoàn thiện

Sau khi rời khỏi bệnh viện về với gia đình, những đứa trẻ sơ sinh này có số rất ít quay lại để thăm khám. Điều cần quan tâm là chất lượng sau này của những đứa trẻ sơ sinh sinh non cần được nuôi dưỡng thành công.

Empty

Chị Hương tốt nghiệp khoá Đào tạo điều dưỡng chuyên khoa Sơ sinh

Ở Việt Nam chưa làm được điều này bởi chỉ có một cơ số rất nhỏ các bé được gia đình đưa trở lại bệnh viện thăm khám. Có những trường hợp cha mẹ muốn Trung tâm theo dõi con cái họ đến khi các bạn đó đi học lớp 1, lớp 2 thì có kết quả chất lượng cuộc sống tương đối tốt. Những trường hợp này chỉ là các gia đình ở tại Hà Nội, có điều kiện kinh tế nên bé được theo dõi thường xuyên và liên tục.

Trung tâm sẽ phát hiện sớm, can thiệp sớm cho những trẻ này về mặt tinh thần và vận động, với những gia đình ở xa, ở tỉnh thì đây là điều rất thiệt thòi. Bởi vì ngoài khoảng cách từ nhà đến viện, điều kiện kinh tế của gia đình, còn phụ thuộc vào trình độ hiểu biết của cha mẹ trẻ. Nếu để con hoàn thiện thì nên đưa con đến thăm khám theo hẹn của bác sĩ vì với những trẻ đẻ non thì điều đầu tiên ảnh hưởng chính là đôi mắt. Nếu trẻ đến thăm khám thường xuyên theo lịch hẹn của bác sĩ sẽ giúp trẻ không bị ảnh hưởng tầm nhìn của trẻ sinh non.

Ngoài ra trẻ sinh non cần được tái khám định kỳ để xem sự phát triển tinh thần, vận động của trẻ ở mức độ nào, đến giai đoạn nào cần làm những gì, vận động, tinh thần đáp ứng được cái gì. Với những trẻ ở tỉnh xa đường xa, 1 tháng đến khám 1 lần gây tốn kém, có những trường hợp may mắn con phát triển bình thường nhưng có những trường hợp không được thăm khám thường xuyên không phát hiện được con có vấn đề sẽ gây ảnh hưởng cho tương lai của trẻ sau này.

Trung tâm hiện tại đang theo dõi 1 số các trẻ ở độ tuổi đi học lớp, khi trẻ sinh ở tuần thứ 25, 28, 29, 31 đều phát triển bình thường. Số trẻ này đều được cha mẹ đưa đi khám định kỳ theo lịch của bác sĩ, các trẻ này đã được can thiệp từ rất sớm giúp cho trẻ phát triển tốt.

Theo nghiên cứu của thế giới và của Trung tâm thì trẻ sơ sinh đẻ non có đến 40% trẻ sẽ bị ảnh hưởng não ở mức độ từ 1 - 3. Đây là yếu tố ảnh hưởng phát triển về sự vận động chưa phù hợp với lứa tuổi. Trẻ cần được đưa đi khám để có thể phát hiện và can thiệp kịp thời khi trẻ đang bị chậm ở giai đoạn nào. Trong 40% trẻ bị ảnh hưởng não đó thì không phải ngay trong thời gian đầu tiên trẻ có biểu hiện luôn. Trẻ bị não ở giai đoạn 1 thì rất khó để cha mẹ có thể phát hiện. Trong 1 năm đầu đời của đứa trẻ nếu không đi khám, không được phát hiện sớm, không được kiểm tra thì không thể phát hiện ra được bệnh của đứa trẻ. Nếu phát hiện sớm, can thiệp sớm, trẻ sẽ vượt quá được “ngưỡng cửa” đầu tiên.

Trẻ đến giai đoạn nào có thể biết hóng, biết nói chuyện, biết nhìn theo, biết chơi đồ chơi bằng tay, biết nhìn theo,… trẻ cần phải có những phản xạ như vậy mới được coi là bình thường.

Hiện nay, tại các Bệnh viện của Việt Nam chưa có “đường dài” dành cho những trẻ sinh non. Mặc dù Trung tâm có cứu được trẻ đẻ non nhưng vấn đề cần được quan tâm chính là chất lượng cuộc sống sau này của trẻ.

Là những người chăm sóc trẻ từ khi còn đỏ hỏn - họ không muốn trẻ bị phát hiện quá muộn, can thiệp quá trễ để đến khi trẻ đi lớp nhà trẻ ở độ 12 tháng - 18 tháng thì khi đó đã là giai đoạn quá muộn để giúp trẻ hoàn thiện. Nếu can thiệp cho trẻ ở độ tuổi này thì sẽ rất lâu để trẻ phát triển bình thường, gây thiệt thòi cho trẻ. Đây là điều khiến cho những cán bộ y tế của Trung tâm trăn trở rất nhiều.

Đã quen với sự vất vả, yêu nghề chị Hương luôn mong muốn gắn bó với công việc này, những công việc cứ thế cuốn chị theo từng năm tháng. Sau khoảng thời gian chăm sóc trẻ sinh non dù vất vả nhưng cứu sống được những đứa trẻ ấy, chị Hương thấy vô cùng vui mừng, hạnh phúc.

“Trải qua 17 năm đi làm dù vất vả nhưng niềm vui rất nhiều vì góp phần cứu sống được những ‘mầm non tương lai’ của đất nước. Chỉ mong những đứa trẻ được cứu sống này được ra viện sống khoẻ mạnh, được nâng cao chất lượng cuộc sống để có thể bớt là gánh nặng của cha mẹ, xã hội”, chị Hương chia sẻ.

Chị Hương còn có mong muốn là trang thiết bị được đầu tư, sửa chữa kịp thời để có thể đáp ứng nhu cầu chăm sóc và điều trị cho trẻ sinh non tăng cao tại Trung tâm. Ngoài ra còn được bổ sung thêm nhân lực để có thể chăm sóc và điều trị cho trẻ được tốt hơn, giảm bớt khối lượng công việc cho những nhân sự hiện tại của Trung tâm để các điều dưỡng yêu nghề yên tâm công tác trên con đường đã lựa chọn.

Nhân ngày Quốc tế Điều dưỡng 12/5, kính chúc các điều dưỡng nhiều sức khoẻ, tiếp tục cống hiến cho nghề, yêu nghề!

Dương Hương - Nguyễn Trang. Ảnh: NVCC

comment Bình luận

largeer