Ngày Quốc tế Nữ hộ sinh 5/5: Gặp gỡ “bà đỡ” 17 năm cống hiến trong nghề

Chị Hà Thị Ngọc Diệp (SN 1984) hiện là nữ hộ sinh của Khoa Sản nhiễm trùng, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội đã có 17 năm cống hiến trong nghề đỡ đẻ, chăm sóc rất nhiều thai phụ, sản phụ. Chị đặc biệt rất yêu nghề và yêu trẻ con.
05/05/2024 09:42

Hộ sinh là những người có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc chăm sóc sức khỏe cho mẹ và bé. Sự chào đời của một đứa trẻ không báo trước chính xác thời gian cũng không lựa chọn hay phân biệt sáng, trưa, chiều, tối hay là trong đêm. Vì lẽ đó những người hộ sinh sẽ luôn ở trong tâm thế sẵn sàng nhất để hoàn thành sứ mệnh “bà đỡ” của mình.

Empty

"Bà đỡ” 17 năm cống hiến trong nghề

Chị Ngọc Diệp tốt nghiệp Đại học Điều dưỡng, chuyên ngành Sản phụ khoa và đã công tác tại Bệnh viện Phụ sản Hà Nội đến nay được 17 năm. Công tác tại đây với ngành dọc là nữ hộ sinh nhưng công việc gì trong khoa thì nữ hộ sinh cũng đều làm hàng ngày như tiêm, truyền, thay băng, phát thuốc. Ngoài ra, giải quyết công văn giấy tờ, thủ tục liên quan đến thai phụ và sản phụ. Ca trực tại phòng đẻ, nhiệm vụ của nữ hộ sinh là theo dõi thai phụ đến khi nào có cơn đau đẻ để em bé chào đời thì báo bác sĩ. Những nữ hộ sinh cũng có thể đỡ đẻ các ca thai phụ dễ đẻ, với những trường hợp khó đẻ thì sẽ báo bác sĩ để bác sĩ là người trực tiếp đỡ đẻ cho thai phụ.

Một ca đẻ thông thường sẽ có 1 hoặc 2 bác sĩ và 3-4 người phụ gồm điều dưỡng, nữ hộ sinh. Nhiệm vụ của nữ hộ sinh thường sẽ là theo dõi thai phụ từ đầu đến cuối như tim thai, cơn co, thai phụ đau bụng ở mức độ như thế nào, dùng thuốc gì ở giai đoạn nào, thai phụ có thể đẻ thường được thì đỡ đẻ cho thai phụ còn nếu thai phụ nào khó đẻ mà phải mổ sẽ được báo bác sĩ để chuẩn bị phòng mổ.

Empty

Niềm vui của các nữ hộ sinh là được chăm sóc trẻ sơ sinh

Khi thai phụ bắt đầu “vượt cạn” các nữ hộ sinh phải theo dõi rất sát sao. Chỉ cần lơ là trong theo dõi chuyển dạ, thai phụ có thể bị suy tim thai hoặc tai biến, rau thai quấn cổ mà không biết. Nếu không phát hiện sớm, can thiệp kịp thời thì em bé sinh ra có thể bị ngạt, sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe sau này.

“Trong quá trình ‘vượt cạn’, để thai phụ đỡ sợ và lo lắng, chúng tôi thường chuyện trò, động viên, cỗ vũ sản phụ cố gắng thực hiện theo hướng dẫn và hợp tác tốt hơn trong quá trình chuyển dạ. Khi nhìn thấy em bé chào đời khỏe mạnh, sức khỏe sản phụ ổn định, đó là niềm vui rất lớn của chúng tôi”, chị Ngọc Diệp cho hay. 

Không chỉ giúp các sản phụ “vượt cạn” một cách an toàn mà ngay từ lúc mang thai, các nữ hộ sinh cũng đã hướng dẫn cho các sản phụ chăm sóc em bé như thế nào để có được một đứa con khỏe mạnh, thông minh và phát triển đầy đủ, toàn diện.

Empty

Nữ hộ sinh chính là người đầu tiên nâng niu, ẵm bồng trên tay đứa bé chào đời và cũng là người chăm sóc sức khỏe trực tiếp cho cả mẹ và bé

“Ngành y đem đến niềm vui cho bệnh nhân là cho họ sức khỏe phục hồi sau khi bệnh. Còn đối với Khoa Sản nhiễm trùng niềm vui được nhân đôi, đó là khi đến với mình là một người nhưng khi họ về sẽ là hai. Tôi rất vui vì đã lựa chọn con đường đầy ý nghĩa đó là giúp đỡ được các thai phụ sinh nở an toàn. Nếu được chọn lại từ đầu tôi vẫn sẽ lựa chọn làm một nữ hộ sinh”, chị Ngọc Diệp chia sẻ. 

Gia đình của sản phụ vui vẻ khi đón nhận con, cháu họ từ tay nữ hộ sinh. Nếu mẹ là người mang sứ mệnh tạo ra sự sống cho một sinh linh thì nữ hộ sinh chính là người hoàn tất sứ mệnh ấy. Nữ hộ sinh chính là người đầu tiên nâng niu, ẵm bồng trên tay đứa bé chào đời và cũng là người chăm sóc sức khỏe trực tiếp cho cả mẹ và bé.

Empty

Niễm vui mỗi ngày với công việc của một nữ hộ sinh

“Cảm xúc mỗi khi trao tận tay cho người nhà sản phụ những đứa trẻ sơ sinh đáng yêu, rất đỗi hạnh phúc, tôi như được ‘lây’ niềm hạnh phúc của cả gia đình sản phụ vậy, thực sự rất vui”, chị Ngọc Diệp bộc bạch.

Tuy làm một công việc như vậy hàng ngày nhưng mỗi ngày chị Ngọc Diệp lại tiếp xúc với những người khác nhau nên công việc của chị cũng không bị nhàm chán. Bởi vì mỗi ngày được tiếp xúc với nhiều người, nhiều đối tượng, nhiều ngành nghề, khiến chị Ngọc Diệp thêm cả kỹ năng giao tiếp, thêm tự tin và trau dồi cả những kiến thức cần thiết trong cuộc sống từ các “khách hàng”.

Chính từ điều này đã tạo nên một sự gần gũi, thân thiết, gắn bó và kéo lại khoảng cách giữa các thai phụ, sản phụ,… và cán bộ, nhân viên y tế. Khi thai phụ đến thì luôn được tiếp đón nồng hậu, chăm sóc tận tình, khi sản phụ về thì đều được chào hỏi chu đáo.  

“Công việc của nghề hộ sinh giống như làm dâu trăm họ, vì vậy để lan tỏa được năng lượng tích cực cho bệnh nhân thì mỗi ngày chúng tôi đều phải tạo cho mình một niềm vui để chuyển tải niềm vui, niềm lạc quan cho người bệnh, tạo cho mình có thêm động lực. Dù bất kể ngành nào, công việc nào cũng vậy, hiểu được ý nghĩa của công việc mình đang làm, yêu nghề, có tâm với nghề và đặc biệt có một trái tim nhân hậu thì dù công việc có khó khăn đến mấy cũng sẽ vượt qua”, “bà đỡ” Ngọc Diệp bộc bạch.

Trong 17 năm công tác, không phải lúc nào cũng gặp những trường hợp vui vẻ, có những trường hợp sản phụ bị nhiễm trùng vết mổ phải quay trở lại Khoa Sản Nhiễm trùng để điều trị. Khi đó, sản phụ bị đau, xa con và trở nên nóng tính, người nhà có những thái độ không phải với các cán bộ, nhân viên y tế. Lúc đó, nữ hộ sinh phải là người mềm mỏng nhất, khuyên họ cũng phải bình tĩnh để cùng phối hợp với cán bộ, nhân viên y tế điều trị cho sản phụ nhanh lành vết thương đạt hiệu quả cao nhất.

Empty

Cán bộ, nhân viên y tế của Khoa Sản Nhiễm trùng

Không chỉ vậy, trong quá trình công tác, chị cũng gặp những trường hợp các bà mẹ “anti” vaccine - họ không cho phép con mình được tiêm bất cứ 1 loại vaccine nào vào cơ thể; Hoặc như trường hợp sản phụ nhất quyết phải cho con uống sữa mẹ bằng được mà không dùng sữa công thức mặc dù bản thân chưa có sữa khi vừa sinh mổ xong và đi xin sữa của người khác cho con ăn.

Những khi như vậy, nữ hộ sinh lại phải giải thích, khuyên bảo, thuyết phục họ về những bất lợi nếu không tiêm vaccine sẽ khiến con gặp biến chứng sau này khi nhiễm bệnh hoặc xin nguồn sữa ngoài sẽ không đảm bảo nếu sản phụ kia mắc bệnh, không kiểm soát nguồn sữa, cũng có thể sữa mẹ đang ở giai đoạn chưa phù hợp với trẻ sơ sinh… Đối với những sản phụ không nghe theo sự giải thích của hộ sinh thì báo với bác sĩ để giải thích mà họ vẫn không nghe theo thì sẽ làm thủ tục sản phụ cam kết với Bệnh viện chịu trách nhiệm về quyết định của mình.

Cũng có trường hợp sản phụ nhiễm HIV và yêu cầu được giữ bí mật tuyệt đối với chồng, gia đình hai bên,… Khi đó, nữ hộ sinh vừa phải đảm bảo bí mật vừa phải chăm sóc sản phụ và trẻ sơ sinh một cách đặc biệt để tránh lây nhiễm cao nhất có thể.

“Đôi khi cũng gặp những trường hợp đi đẻ nhưng gia đình khó khăn, những trường hợp như vậy, Khoa hay Phòng Công tác xã hội của Bệnh viện đều có hỗ trợ cho các sản phụ đó”, chị Ngọc Diệp cho biết.

Khoảng thời gian dịch bệnh COVID-19 diễn ra là những khó khăn nhất mà chị Ngọc Diệp và toàn thể cán bộ, nhân viên y tế của Khoa Sản nhiễm trùng phải trải qua. Cứ một tuần trực 24/24 tại Bệnh viện, một tuần trở về nhà. Có đợt cao điểm thì một tháng trực tại Bệnh viện khu cách ly riêng để chăm sóc cho các sản phụ, trẻ sơ sinh mắc COVID-19 để tránh lây lan bệnh truyền nhiễm. Khi đó, chị Ngọc Diệp phải mặc bộ quần áo bảo hộ kín mít từ đầu đến chân, đeo khẩu trang, đeo găng tay, đeo kính suốt 24/24 để bảo vệ bản thân và gia đình trước nguy cơ lây bệnh khi chăm sóc cho bệnh nhân. Rất may mắn, chị Ngọc Diệp có người thân hỗ trợ công việc gia đình và chăm sóc con cái để chị có thể hoàn thành các công việc tại Bệnh viện.

Empty

Chị Ngọc Diệp thực hiện công tác thiện nguyện

Trải qua nhiều khoảng thời gian làm việc tại Bệnh viện, chị không chỉ cống hiến cho nghề mà còn hoạt động các công việc thiện nguyện khác bên ngoài hỗ trợ cộng đồng và nhận được Giấy khen của phường Tây Mỗ, của quận Nam Từ Liêm trong công tác hỗ trợ phòng chống dịch bệnh COVID-19.

Quá trình vượt cạn của thai phụ vốn luôn tiềm ẩn nhiều rủi ro, đồng cảm thấu hiểu với thiên chức làm mẹ của người phụ nữ và mong muốn những đứa trẻ ra đời khỏe mạnh đó là lý do mà những nữ hộ sinh vượt qua mọi áp lực để gắn bó với nghề này. Chị Ngọc Diệp chỉ mong mình có sức khoẻ để có thể gắn bó với nghề và tiếp tục thực hiện các công việc của một nữ hộ sinh để đem đến niềm vui, niềm hạnh phúc cho các sản phụ và gia đình sản phụ.

“Nhân kỷ niệm ngày Quốc tế Hộ sinh 5/5, chúc quý đồng nghiệp, đặc biệt là đội ngũ Hộ sinh luôn tràn đầy năng lượng, nhiệt huyết và thành công hơn nữa trong công việc!”, chị Ngọc Diệp vui vẻ nói.

Dương Hương - Nguyễn Trang. Ảnh: NVCC

comment Bình luận

largeer