Ngồi nhiều có bị trĩ không?

Trĩ là căn bệnh phổ biến nhiều người mắc phải. Tuy nhiên, nhiều thắc mắc xoay quanh việc ngồi nhiều có phải là nguyên nhân trực tiếp gây ra căn bệnh này không?
11/03/2021 17:45

"Tôi là dân văn phòng, thường xuyên phải ngồi làm việc liên tục 8 tiếng một ngày. Gần đây, tôi thấy xuất hiện các cơn đau rát vùng hậu môn khi đi vệ sinh. Liệu có phải tôi ngồi quá nhiều nên bị trĩ không?" (Lan Phương, Hải Phòng)

Theo các chuyên gia y tế, bệnh trĩ mà dân gian hay gọi là bệnh lòi dom xảy ra do giãn quá mức các đám rối tĩnh mạch trĩ ở mô xung quanh hậu môn. Trong trạng thái bình thường, các mô này giúp kiểm soát phân thải ra. Khi các mô này phồng lên do sưng hoặc viêm thì gọi là trĩ.

ngoi nhieu bi tri

Ngồi nhiều có bị trĩ không? (Hình minh họa)

Trong y học, trĩ được phân chia làm hai loại là trĩ nội và trĩ ngoại. Cụ thể, gọi là trĩ nội nếu búi trĩ xuất phát phía trên đường lược (hay còn gọi là đường hậu môn-trực tràng) và búi trĩ được bao phủ bởi niêm mạc và lớp biểu mô chuyển tiếp (transitional epithelium). Ngược lại, khi búi trĩ xuất phát phía dưới đường lược được gọi là trĩ ngoại. Lúc này búi trĩ được phủ bởi lớp biểu mô vảy (squamous epithelium) và nằm bên dưới lớp da bao quanh hậu môn.

Một số nguyên nhân có thể gây ra bệnh trĩ như: 

  • Táo bón, hoặc tiêu chảy làm tăng tần suất bệnh trĩ, rặn làm tăng áp lực lên các tĩnh mạch gây căng giãn và ứ máu.
  • Chế độ ăn ít chất xơ
  • Thừa cân và béo phì,
  • Gia tăng áp lực ổ bụng gặp trong những người thường xuyên lao động nặng như khuân vác, vận động viên cử tạ, quần vợt,..., đứng lâu, ngồi nhiều, làm gia tăng áp lực ổ bụng cản trở sự hồi lưu máu về tim đưa đến giãn tĩnh mạch hậu môn.

Do đó, ngồi nhiều cũng là một trong những tác nhân gây ra bệnh trĩ. Lý giải điều này, các nhà khoa học đã chứng minh, thông thường những người ngồi nhiều như dân văn phòng, lái xe phải ngồi làm việc trong thời gian dài khiến máu lưu thông kém. Đặc biệt, khi ngồi, vùng chậu và hai chân khiến máu lưu thông kém, lâu dài sẽ gây phù nề, chân di chuyển khó và dễ bị ngã khi đột ngột đứng dậy. Kết quả là máu bị tụ hoặc tắc nghẽn trong ống tiêu hóa, tăng cao áp lực trực tràng và đường ruột, từ đó tạo điều kiện cho bệnh trĩ phát sinh.

Ngoài ra, nhiều người ngồi nhiều nhưng lại ngại đi vệ sinh nên cố nhịn. Việc này vô tình gây ra tác động xấu đến chức năng hoạt động của trực tràng. Nếu vấn đề này diễn ra thường xuyên có thể gây táo bón và làm tăng nguy cơ mắc bệnh trĩ. Không những thế, phải rặn quá nhiều sức khi đi đại tiện cũng là nguyên nhân khiến tĩnh mạch vùng hậu môn giãn và tăng nguy cơ hình thành búi trĩ.

Khi bị trĩ, chúng ta phải kiêng các thực phẩm cay, nóng, rượu bia và chất kích thích. Đến gặp bác sĩ để tư vấn điều trị trước khi bệnh phát triển nặng và gây ra các biến chứng nguy hiểm khác.

Minh Tuyết (tổng hợp)

 

comment Bình luận

largeer