Ngực to gấp 4 người lớn, nữ sinh 14 tuổi phải phẫu thuật thu nhỏ

Nữ sinh lớp 8 có vòng một to gấp 4 lần bình thường khiến em luôn mặc cảm. Bác sĩ kết luận bệnh nhi bị phì đại tuyến vú, phải phẫu thuật thu nhỏ.
21/01/2021 14:19

GS Trần Thiết Sơn, nguyên Trưởng bộ môn Phẫu thuật Tạo hình, Đại học Y Hà Nội vừa thực hiện ca thu nhỏ tuyến vú phì đại cho bệnh nhi Lan Hương, 14 tuổi ở Hưng Yên. Đây cũng là trường hợp nhỏ tuổi nhất mắc căn bệnh này được GS Sơn thực hiện phẫu thuật.

Chị Tuyết, mẹ bệnh nhi chia sẻ, Lan Hương vốn bụ bẫm từ nhỏ nên khi con gái mới dậy thì, gia đình không để ý nhiều. Suốt năm học lớp 5, Lan Hương vẫn mặc áo lá như các bạn.

Tuy nhiên từ sau khi xuất hiện kinh nguyệt năm 11 tuổi, vòng một của cô bé to nhanh bất thường, trong thời gian ngắn, áo ngực chuyển từ size nhỏ nhất sang size 43 cúp DD.

Để che đi vòng ngực quá khổ, mùa hè chị Tuyết phải may cho con gái áo đồng phục cỡ to hơn ở trường, mùa đông mặc áo khoác rộng để nguỵ trang.

Vòng ngực to bất thường khiến cô bé gù gập người về phía trước, em cũng tự co mình lại, không dám tham gia các môn chạy nhảy ở trường. Trọng lượng ngực lớn cũng tác động lên hai vai khiến em luôn bị đau vai, khó thở.

nguc-to-gap-4-nguoi-lon-nu-sinh-14-tuoi-phai-phau-thuat-thu-nho

Ở giai đoạn dậy thì, vòng ngực phát triển quá mức là một yếu tố gây rối loạn phát triển tâm sinh lý khiến trẻ thu hẹp quan hệ, khó hoà đồng, sống cô lập và luôn đối kháng với những tác động bên ngoài. Tâm lý không muốn có người yêu, không muốn lập gia đình gặp ở những bệnh nhân để vú phì đại đến năm 30 tuổi.

Về mặt sức khoẻ, nếu để tình trạng phì đại kéo dài sẽ khiến cơ thể đổ về phía trước, cột sống gù theo, lâu ngày sẽ làm thoái hoá đốt sống cổ và thiểu năng tuần hoàn não.

Khi đến khoa Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ, Bệnh viện Bạch Mai thăm khám, GS Sơn kết luận trường hợp này bị phì đại tuyến vú khổng lồ, ngực sa trễ độ 3, chỉ định thu gọn vú.

Sau hơn 3 năm phát triển, vòng một của bệnh nhi sa trễ 26cm, mỗi bên có thể tích 1.000cc, gấp 4 lần thể tích vú của phụ nữ trưởng thành.

GS Sơn cho biết, bệnh phì đại tuyến vú là bệnh tiến triển lành tính do rối loạn hormone. Ở các nước phương Tây, do đặc thù chủng tộc nên tỷ lệ trẻ vị thành niên bị phì đại tuyến vú rất cao song tại Việt Nam, phì đại tuyến vú hay gặp ở phụ nữ sau sinh.

 

Mỗi năm GS Sơn phẫu thuật thu gọn vú khoảng 30 trường hợp. Ca nhỏ tuổi nhất trước đây 16 tuổi, trường hợp phì đại lớn nhất mỗi bên nặng 4kg.

Để thu gọn tuyến vú, nhiều nước trên thế giới và nhiều cơ sở y tế trong nước sử dụng phương pháp phẫu thuật cổ điển Thorek. Bác sĩ sẽ cắt rời tuyến vú, lấy phần quầng và núm vú ghép lên để tạo hình thẩm mỹ.

Dù đảm bảo về tạo hình nhưng phương pháp này bộc lộ nhiều hạn chế như vết cắt lớn, ống tuyến và dây thần kinh cảm giác bị đứt lìa nên bệnh nhân mất cảm giác sau phẫu thuật, không thể nuôi con bằng sữa mẹ do mất tuyến sữa.

Nhiều năm nay, GS Sơn đã nghiên cứu ra phương pháp thu gọn vú có bảo tồn, khắc phục các nhược điểm của phương pháp truyền thống.

Với phương pháp mới, bác sĩ thực hiện siêu âm doppler xác định mạch máu nuôi quầng núm vú, lần theo đường đi của cuống nuôi để thiết kế vạt mang quần núm vú. Sau khi cắt thu nhỏ tuyến vú, bác sĩ sẽ cuộn vạt lên để tạo hình bầu vú. Kĩ thuật này giúp quần núm vú có tỷ lệ sống cao, tỷ lệ rối loạn cảm giác rất thấp, bệnh nhân sau thu gọn có thể nuôi con bằng sữa mẹ bình thường, không có nguy cơ tái phát.

Trường hợp của Lan Hương, bác sĩ đã cắt bỏ mỗi bên hơn 800cc thể tích, tạo hình lại bầu vú. 5 ngày sau phẫu thuật, bệnh nhi được xuất viện và sẽ tiếp tục mặc áo định hình thêm 3-4 tuần.

GS Sơn lưu ý, phụ nữ có vòng một to gấp đôi bình thường, ngực chảy xệ quá mức cần đi khám ngay.

Riêng nhóm trẻ vị thành niên thường có tâm lý giấu giếm, dễ bị bạn bè trêu chọc nên trẻ có xu hướng co cụm, thậm chí trầm uất, vì vậy bố mẹ cần quan tâm tới con hơn để phát hiện sớm bệnh.

Theo Vietnamnet

comment Bình luận

largeer