Phẫu thuật lấy vòng tránh thai trong ổ bụng

Bệnh nhân 34 tuổi được các bác sĩ Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên ngày 19/1 phẫu thuật nội soi lấy vòng sau khi chiếc vòng này đi lạc vào ổ bụng.
21/01/2021 08:16

Bác sĩ Hà Thị Minh Phương, Phó Giám đốc Trung tâm Sản Phụ khoa, người trực tiếp phẫu thuật, cho biết quá trình phẫu thuật gặp khó khăn do toàn bộ phần thân vòng tránh thai nằm trong dây chằng rộng, vị trí sát với các mạch máu nuôi dưỡng tử cung và buồng trứng, chỉ có phần dây lơ lửng trong ổ bụng. Quá trình gỡ dính tương đối khó khăn, đòi hỏi sự tỉ mỉ, tránh làm tổn thương đến các mạch máu lớn xung quanh.

vong tranh thai

Vòng tránh thai được lấy ra khỏi ổ bụng bệnh nhân. Ảnh: Bệnh viện cung cấp

Vòng tránh thai là một dụng cụ nhỏ (thường có hình chữ T) được đặt vào lòng tử cung giúp tránh thai nhiều năm. Hai loại vòng thông dụng hiện nay là vòng hình chữ T và hình cánh cung, có quấn đồng. Cơ chế vòng tránh thai là gây ra phản ứng viêm tại niêm mạc tử cung, làm thay đổi về cấu trúc sinh hóa tế bào nội mạc, không để trứng thụ tinh làm tổ trong tử cung.

Bác sĩ Phương cho hay đặt vòng tránh thai là biện pháp tránh thai tạm thời dành cho nữ, hiệu quả cao, dễ thực hiện, tiết kiệm và có tác dụng tốt trong nhiều năm. Tuy nhiên, vòng tránh thai có thể gây vài biến chứng như rong kinh, đau thắt lưng, đặc biệt là đi lạc chỗ.

Vòng tránh thai lạc chỗ là bệnh cảnh hiếm gặp. Vòng không nằm đúng vị trí trong buồng tử cung mà nằm ở các vị trí bất thường khác như trong cơ tử cung, trong dây chằng, trong ổ bụng, thậm chí chui vào các tạng khác trong ổ bụng. Trường hợp này gây nguy hiểm cho người bệnh, do có thể xảy ra các biến chứng như chảy máu, thủng ruột hay viêm phúc mạc.

Bác sĩ khuyến cáo nên tháo vòng sau 5 năm khi đã hết tác dụng tránh thai. Trong thời gian đặt vòng, cần khám phụ khoa định kỳ hoặc ngay khi có dấu hiệu bất thường để phát hiện các biến chứng và xử trí kịp thời.

Theo VnExpress

comment Bình luận

largeer