Người bán thực phẩm chức năng Cela có thể bị phạt tù vì sản phẩm không rõ nguồn gốc

Sản phẩm không đạt chuẩn, không được cấp phép nhưng các sản phẩm thực phẩm chức năng Cela đã ngang nhiên bán ra thị trường.
17/11/2018 09:20

Uống mầm đậu Cela mẹ sau sinh bị nôn nao, đầy hơi

Chị Diệu Linh (28 tuổi, ở Nguyễn Trãi, Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết, nhiều tháng trước, sau khi sinh, vì lo sợ thay đổi nội tiết tố nên chị Linh đã tìm hiểu về các sản phẩm có công dụng bổ sung, cân bằng nội tiết tố.

Trước lời quảng cáo về công dụng kỳ diệu của sản phẩm Mầm đậu nành nguyên xơ Farm, chị Linh đã mua về uống. Tuy nhiên, sau khoảng 3 ngày dùng, chị Linh có dấu hiệu khó chịu nôn nao, đầy hơi.

“Khi đó tôi nghĩ có thể mình bị đau dạ dày hoặc do mầm đậu nành gây nên. Vì đang cho con bú lại lo cho sức khỏe nên tôi đi khám bác sĩ. Sau khi thăm khám, bác sĩ hỏi về chế độ dinh dưỡng, tôi có nói là sử dụng thêm mầm đậu nành, bác sĩ cho biết, mầm đậu nành có chứa raffinose (một loại đường khó tiêu), nếu ăn vào cơ thể sẽ gây lên men trong ruột kết, sinh ra một số vi khuẩn có hại gây đầy hơi khó chịu, nhất là với những người sức khỏe chưa tốt như mới sinh con. Mặc dù khi mua tôi cũng nói rõ với nhân viên bán hàng mình mới sinh con, đang cho con bú nhưng người bán hàng Cela vẫn khẳng định tôi có thể sử dụng tốt, đảm bảo không có tác dụng phụ”, chị Linh nói.

Hàng nghìn sản phẩm mang nhãn Cela đang được tiêu thụ ra thị trường.

Hàng nghìn sản phẩm mang nhãn Cela đang được tiêu thụ ra thị trường.

Cũng theo chị Linh, có thể bụng dạ người sau sinh còn yếu nên chưa thích hợp sử dụng mầm đậu nành nhưng chị không hề được nhân viên bán hàng tư vấn. Chị Linh cũng khuyến cáo các bà mẹ sau sinh nên nói không với mầm đậu nành.

Theo sản phẩm chị Linh cung cấp, sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khoẻ nhãn hiệu Cela là “Mầm đậu nành nguyên xơ Farm”, thuộc Công ty CP Đầu tư và phát triển thương mại Cela (số 18/104, ngõ 364, đường Giải Phóng, tổ 6, phường Thịnh Liệt, quận Hoàng Mai, Hà Nội).

Để xác thực những thông tin trên, trong vai người mẹ sau sinh cần mua sản phẩm Mầm đậu nành Cela để cân bằng nội tiết tố, PV được các nhà phân phối sản phẩm Cela khẳng định hãy hoàn toàn yên tâm sử dụng(?).

Một tài khoản có tên Duyên Nguyễn, tự giới thiệu là Tổng giám đốc Công ty Cela cho biết: “Mới sinh bé cũng dùng được mầm. Khách nhà em hay dùng combo mầm và ngũ cốc. Ngũ cốc thì lợi sữa, cho sữa đặc và thơm”(?).

Cela thừa nhận sai phạm và khẳng định bán để thử nghiệm thị trường

Được biết, Công ty Cela đang phân phối 2 dòng sản phẩm là “Mầm đậu nành nguyên xơ Farm” và “Ngũ cốc dinh dưỡng Farm”. Đây là những sản phẩm đang khiến nhiều khách hàng “mở ví” vì những quảng cáo về tác dụng kỳ diệu của sản phẩm.

“Mầm đậu nành nguyên xơ Farm” được quảng cáo có các công dụng như: “Bổ sung Estrogen tự nhiên, giúp cân bằng nội tiết tố nữ; Giảm triệu chứng tiền mãn kinh, bốc hoả, mất ngủ ở nữ giới; Làm đẹp da, chống lão hóa; Tăng cường sinh lí nữa, giảm khô âm đạo; Ngăn ngừa ung thư và các bệnh về tim mạch”.

Sản phẩm “Ngũ cốc dinh dưỡng Farm” cũng được quảng cáo có công dụng thần kỳ không kém, hướng đến đối tượng khách hàng là trẻ em và người già như: “Bồi bổ sức khỏe, tăng sức đề kháng cho mọi lứa tuổi đặc biệt là trẻ nhỏ, người già và người ốm; Lợi sữa cho phụ nữ sau sinh; Giúp trẻ nhỏ phát triển trí não; Bổ sung nội tiết tố, làm đẹp da, ngừa lão hóa; tăng cân, giảm cân theo ý muốn, phòng ngừa ung thư vú, chống suy nhược thần kinh…”.

Điểm mặt các đại lý phân phối sản phẩm Cela chưa đáp ứng đủ quy định ra thị trường

Điểm mặt các đại lý phân phối sản phẩm Cela chưa đáp ứng đủ quy định ra thị trường

Quảng cáo là vậy nhưng cả hai dòng sản phẩm của Cela đều không đáp ứng các quy định tối thiểu đối với một sản phẩm thực phẩm chức năng, như: không có số công bố sản phẩm; không số chứng nhận điều kiện ATTP; không mã vạch; Thành phần không có định lượng cụ thể; Tên đơn vị phân phối, đơn vị sản xuất...

Trao đổi với PV, ông Nguyễn Quang Trung - Trưởng phòng Y dược hành nghề tư nhân (Sở Y tế Hà Nội) khẳng định, một sản phẩm thực phẩm chức năng đạt “chuẩn” khi bán cho người tiêu dùng, phải đáp ứng đủ các quy định về tem nhãn tại Nghị định 43/2017 của Chính phủ về tem nhãn hàng hoá. Như nhãn sản phẩm phải có thành phần đi kèm định lượng cụ thể; công dụng; lưu ý hoặc cảnh báo người dùng; mã số, mã vạch; số lô sản xuất; ngày sản xuất, hạn sử dụng; tem chống hàng giả; đặc biệt quan trọng là số công bố sản phẩm.

Cũng theo ông Trung, thực tế, Nghị định 15/2018 đã rất “mở” cho doanh nghiệp trong khâu làm thủ tục công bố sản phẩm. Tuy nhiên, một sản phẩm trước khi được cơ quan quản lý nhà nước cấp mã số công bố thì phải đảm bảo các quy định cơ bản về ghi nhãn. Yêu cầu này là cơ sở cho khách hàng khi lựa chọn sản phẩm tiêu dùng.

Ngược lại, một sản phẩm không đáp ứng các yêu cầu trên, có thể khẳng định, sản phẩm này chưa đủ yếu tố pháp lý khi đưa ra thị trường. Khi chưa đủ yếu tố pháp lý thì đương nhiên, vấn đề chất lượng cũng không được đảm bảo.

Ngay sau khi nhận được thông tin từ PV, bà Phạm Thị Hoa - đại diện Công ty Truyền thông Đa Phong Cách, tự nhận là đơn vị bảo trợ truyền thông và là người có “sự ảnh hưởng” với Công ty Cela đã đến Tòa soạn Báo để làm việc. Trong buổi làm việc, bà Hoa đã xác nhận các thông tin mà PV đưa ra là hoàn toàn đúng. Hai sản phẩm của Cela hiện chưa đáp ứng đầy đủ các quy định về số công bố sản phẩm, quy định tem nhãn, kiểm nghiệm tiêu chuẩn cơ sở… trước khi đưa ra thị trường.

Tuy nhiên, việc sớm bán ra rộng rãi là để thăm dò thị trường, xem khách hàng có đón nhận sản phẩm này hay không (?).

Có thể phạt tù đơn vị bán hàng không rõ nguồn gốc

Trao đổi với PV Báo, luật sư Trương Anh Tú (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho biết, tại Điều 26 Nghị định 178/2013 quy định mức xử phạt hành chính về an toàn thực phẩm nêu rõ: Đối với hành vi buôn bán thực phẩm đã qua chế biến bao gói sẵn, nguyên liệu thực phẩm… thuộc diện phải thực hiện công bố hợp quy, công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm mà không có giấy tiếp nhận công bố hợp quy, giấy xác nhận công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm hoặc có nhưng đã hết hiệu lực trước khi hàng hóa đó được sản xuất, nhập khẩu; bán buôn, bán lẻ thực phẩm, nguyên liệu thực phẩm… lưu thông trên thị trường không phù hợp quy chuẩn kỹ thuật hoặc quy định an toàn thực phẩm, thì bị xử phạt cảnh báo hoặc phạt tiền từ 100.000 - 50.000.000 đồng đối với trường hợp lô hàng vi phạm có giá trị đến 5.000.000 đồng đến hơn 200.000.000 đồng, tùy vào từng mức độ vi phạm.

Trong khi đó, luật sư Nguyễn Thế Truyền - Giám đốc Công ty Luật hợp danh Thiên Thanh (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho biết: “Điều 193 Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017 về tội sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm, khẳng định: Đơn vị bán hàng, sản xuất thực phẩm chức năng không rõ nguồn gốc mà vẫn lưu hành trên thị trường thì mức xử phạt thấp nhất đối với cá nhân là 2 năm tù, cao nhất là tù chung thân. Đối với pháp nhân thì phạt tiền từ 6 tỷ đến 9 tỉ đồng, cấm kinh doanh hoạt động trong một số lĩnh vực, đình chỉ hoạt động có thời hạn, đình chỉ hoạt động vĩnh viễn, cấm huy động vốn”.

Theo đó, sản phẩm Cela chưa đáp ứng đủ tiêu chuẩn để đưa ra thị trường nên người bán sản phẩm này có thể bị phạt tù vì tội bán hàng không rõ nguồn gốc.

Cục an toàn thực phẩm sẽ kiểm tra, xử lý

PV Báo Gia đình & Xã hội đã thông tin các nội dung bài viết đã đăng tải đến Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) đề nghị thông tin về hướng xử lý đối với đơn vị Cela. Ngày 13/11, ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm cho biết, Cục sẽ tiến hành kiểm tra, xử lý và sẽ có phản hồi chính thức đến Báo.

Thông tin cảnh báo từ báo Gia đình và Xã hội 
Link tham khảo:

comment Bình luận

largeer