Người cựu chiến binh gửi nỗi lòng nhớ thương đồng đội vào tiếng kèn ngân nga

Nghĩa trang Liệt sỹ Quốc gia Vị Xuyên là nơi an nghỉ của các anh hùng liệt sỹ đã hy trong cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc. Trong số hơn 1.900 phần mộ ở đây, có 80 liệt sỹ là những người con ưu tú của tỉnh Hà Giang và hơn 340 ngôi mộ vẫn chưa tìm được danh tính người ngã xuống.
25/12/2023 10:58

Đoàn người lặng lẽ trong bộ quân phục xanh, xếp hàng nghiêm trang trước đền thờ Bác Hồ và các anh hùng liệt sỹ tại nghĩa trang. Những chàng trai, cô gái năm ấy giờ đã lên chức ông, bà, cùng nhau thắp nhang cho đồng đội thân thương. Họ chẳng thể kìm nổi những giọt nước mắt nghẹn ngào khi về lại chiến trường xưa.

Empty

Nghĩa trang Liệt sỹ Quốc gia Vị Xuyên

Nghĩa trang Liệt sỹ Quốc gia Vị Xuyên rộng lớn cùng đài tưởng niệm bằng đá hoa cương và hàng dài những phần mộ liệt sỹ. Không gian lắng đọng của non cao như gợi nhắc lời thề sắt son năm xưa “Sống bám đá đánh giặc, chết hóa đá bất tử” của các chiến sỹ. Chẳng ai quên được bức điện mật: “Chúng tôi đã chiến đấu hết đạn. Xin vĩnh biệt các đồng chí” của những chiến sỹ Đồn Pha Long năm ấy. Bức điện ngắn ngủi nhưng khiến người đọc phải thảng thốt giật mình bởi sự tàn khốc của chiến tranh và bởi trái tim dành trọn cho Tổ quốc của những người lính Vị Xuyên.

Nhân kỷ niệm 79 năm Ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam (22/12/1944 – 22/12/2023), Ban Liên lạc Cựu chiến binh (CCB) Lữ đoàn 168 và Lữ đoàn 297, Quân khu II và xã Phong Quang (Vị Xuyên) vừa tổ chức khánh thành nhà bia Liệt sỹ xã Phong Quang.

Empty

Đông đảo các CCB Lữ đoàn 168 và Lữ đoàn 297 về dự lễ khánh thành nhà bia

Hơn 40 năm trước, Mặt trận Vị Xuyên, trong đó có địa bàn xã Phong Quang là nơi cuộc chiến đấu bảo vệ Tổ quốc diễn ra ác liệt. Các cán bộ, chiến sỹ của 2 Lữ đoàn 168 và 297 đóng chân trên địa bàn xã Phong Quang, cùng với nhân dân các dân tộc anh dũng chiến đấu; 21 cán bộ, chiến sỹ của Lữ đoàn Pháo binh 168 và 7 chiến sỹ Lữ đoàn Pháo phòng không 297 đã hy sinh, nhiều cán bộ, chiến sỹ bị thương trong giai đoạn từ 1979 – 1989. Để mãi ghi nhớ công ơn của những cán bộ, chiến sỹ đã hy sinh xương máu, bảo vệ Tổ quốc, nhà bia Liệt sỹ xã Phong Quang đã được xây dựng tại thôn Lùng Càng bằng hình thức xã hội hóa. Nhà bia ghi tên 37 Liệt sỹ, gồm 28 Liệt sỹ của các Lữ đoàn 168 và 297 và 9 Liệt sỹ của xã Phong Quang hy sinh trong các cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ.

Empty
Empty

Sau 5 tháng xây dựng, công trình được hoàn thành đúng dịp kỷ niêm 79 năm Ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam 22/12/2023. Nhà bia được thiết kế đẹp, đúng với quy định của công trình tâm linh Quân đội, với tấm bia đá nơi ghi danh các Anh hùng Liệt sỹ được đặt trang trọng ở vị trí trung tâm nhà bia; không gian khu vực nhà bia được thiết kế vườn hoa, cây xanh hài hòa, với diện tích 200m2. Nhà bia là một “địa chỉ đỏ” để nhân dân dân, các cán bộ, chiến sỹ, CCB và thân nhân đến thắp hương, tưởng nhớ các Liệt sỹ. Qua đó, góp phần giáo dục truyền thống cách mạng anh hùng của cán bộ, chiến sỹ 2 Lữ đoàn 168 và 297 nói riêng, của quân và dân ta nói chung.

Empty

Ban Liên lạc Cựu chiến binh lữ đoàn 168 và lữ đoàn 297 tặng quà cho các gia đình thân nhân liệt sĩ

Nhân dịp này, Ban Liên lạc Cựu chiến binh lữ đoàn 168 và Ban Liên lạc Cựu chiến binh lữ đoàn 297 đã dành tặng những phần quà nghĩa tình tới các gia đình thân nhân liệt sĩ, chúc các gia đình luôn mạnh khỏe và tích cực chăm lo lao động sản xuất, tham gia các hoạt động phong trào ở địa phương.

Thiếu úy Minh Chí, một cựu chiến binh đã gửi nỗi lòng nhớ thương của bà và đồng đội vào tiếng kèn ngân nga. Bà thổi lên những giai điệu du dương của bản nhạc “Mẹ yêu con” (nhạc sỹ Nguyễn Văn Tý), gửi tới những “tình thân” nằm dưới mộ. Tiếng kèn như nức nở trong hòa âm của các vị cựu chiến binh gửi tới các liệt sỹ. Giai điệu mang nỗi niềm người ở lại gửi tới các anh, chị, những người con rời xa quê hương, rời xa cha mẹ, nằm lại miền biên viễn này. Tuổi thanh xuân của họ còn mãi với non cao rừng thẳm. Các anh, các chị chẳng thể nghe lại lời ru ngọt ngào của những người mẹ mãi ngóng đợi các con về.

Empty

Thiếu úy Minh Chí ngân nga tiếng kèn gọi đồng đội cũ

Thiếu uý Minh Chí ngậm ngùi chia sẻ: “Tôi rất mong nơi đây sẽ không chỉ đón các cựu chiến binh chúng tôi về thăm hàng năm mà sẽ còn đón các cháu học sinh, sinh viên, thế hệ thanh niên tương lai của đất nước về đây để thắp những nén hương thơm cho đồng đội tôi. Tôi mong các cháu hiểu, yêu và biết ơn sâu sắc đến thế hệ cha anh đi trước. Bởi họ ngã xuống để xây nên con đường cho các cháu có tương lai hòa bình như ngày hôm nay. Các cháu về đây để học lấy tinh thần kiên cường của các chiến sỹ, học lấy lý tưởng để tiếp tục dựng xây đất nước Việt Nam ngày càng hùng cường, phát triển cho muôn đời sau”.

Còn chúng tôi, những người trẻ được sống trong hòa bình, trở lại Vị Xuyên lần nào cũng mang nhiều kỷ niệm. Được đi, gặp gỡ những nhân chứng sống và đến những vùng đất, địa danh, những dòng sông, ngọn núi mà một thời thế hệ cha anh chiến đấu, chúng tôi càng thêm thấu hiểu và trân trọng sự hy sinh của những người lính để bảo vệ biên cương Tổ quốc.

Vị Xuyên giờ đây không chỉ mang trong mình giá trị lịch sử, tâm linh, mà còn có cả những vẻ đẹp của thiên nhiên hoang sơ, phong tục, tập quán, văn hóa đa dạng, phong phú, độc đáo và tinh thần đoàn kết của các dân tộc anh em cùng sinh sống. Còn đó, ngân nga trong tiếng vọng của núi và thoảng trong hương rừng nồng nàn là dòng chảy quá khứ lặng lẽ mà oai hùng của những người lính Vị Xuyên đã một thời đốt cháy tuổi thanh xuân, để Tổ quốc hôm nay vững vàng và bừng sáng.

 Nguyễn Trang - Ảnh: NVCC

comment Bình luận

largeer