Người dân cần thực hiện tốt các biện pháp để chủ động phòng, chống bệnh dại

Bệnh dại là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do virus dại gây ra, khi đã lên cơn dại, kể cả động vật và người đều tử vong. Người dân cần thực hiện tốt các biện pháp để chủ động phòng, chống bệnh dại.
19/12/2022 10:55

Theo báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), bệnh dại phổ biến trên toàn thế giới. Mỗi năm có trên 10 triệu người bị súc vật dại hoặc nghi dại cắn phải đi điều trị dự phòng bằng vaccine dại, có khoảng 60.000 - 70.000 người bị chết do bệnh dại, phần lớn được báo cáo từ các nước thuộc vùng nhiệt đới, nơi có tới 3/4 dân số thế giới sinh sống.

tiem-vaccine-phong-dai-bac-kan-1671375836751673301502-crop-1671375866075720264242

Tiêm phòng dại cho vật nuôi (Ảnh: CDC Bắc Kạn)

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Bắc Kạn, trong mấy năm gần đây, trên địa bàn tỉnh đã xuất hiện từ 1-2 ca tử vong/năm do bệnh dại.

Tại Việt Nam, chó là ổ chứa virus dại chủ yếu chiếm 96-97%, sau đó là mèo: 3- 4%, động vật khác (thỏ, chuột, sóc...) chưa phát hiện được.

Virus xâm nhập qua vết cắn, vết cào, vết liếm của động vật qua các vết thương hở: da, niêm mạc bị tổn thương… Thời gian ủ bệnh dại ở người thường từ 2-8 tuần, có thể ngắn khoảng 10 ngày hoặc dài trên 1 năm hoặc 2 năm.

Thời gian ủ bệnh phụ thuộc vào số lượng virus xâm nhập vào cơ thể, sự nặng nhẹ của vết thương, khoảng cách xa gần từ vết thương đến não bộ. Vết thương nặng, gần thần kinh trung ương thì thời gian ủ bệnh ngắn.

Theo WHO, thời kỳ lây truyền bệnh ở chó, mèo trong vòng 10 ngày. Một số nghiên cứu cho thấy dơi và một số động vật hoang dã khác như chồn, đào thải virus dại ít nhất là 8 ngày trước khi có triệu chứng lâm sàng và có thể kéo dài tới 18 ngày trước khi chết.

Người mắc bệnh dại thường có các biểu hiện như tăng cảm giác của các giác quan, sợ gió, sợ nước, hoang tưởng, gào thét, đập phá, khó thở do co thắt thanh quản...hoặc bệnh nhân thường nằm im lìm. Tất cả các bệnh nhân lên cơn dại đều bị tử vong trong vòng 7 -10 ngày.

Để chủ động phòng chống bệnh dại, người dân cần thực hiện tốt các biện pháp sau:

- Tiêm phòng đầy đủ cho chó, mèo nuôi và tiêm nhắc lại hàng năm theo khuyến cáo của ngành thú y.

- Không thả rông chó, mèo; Khi cho chó ra đường phải được đeo rọ mõm và có người dắt.

- Không đùa nghịch, trêu chọc chó, mèo.

- Khi bị chó, mèo cắn, cào, liếm cần:

+ Rửa kỹ vết thương bằng nước và xà phòng đặc liên tục trong 15 phút, nếu không có xà phòng thì phải xối rửa vết thương bằng nước sạch - đây là biện pháp sơ cứu hiệu quả để giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh dại khi bị chó, mèo cắn.

+ Sau đó tiếp tục rửa vết thương bằng cồn 70%.

+ Hạn chế làm dập vết thương và không được làm vết thương rộng hơn.

+ Đến ngay Trung tâm y tế gần nhất để được tư vấn và tiêm phòng bệnh dại kịp thời. Chỉ có tiêm phòng mới ngăn ngừa không bị bệnh dại.

+ Tuyệt đối không được điều trị bằng thuốc nam và các phương thuốc dân gian, gia truyền.

Bệnh dại mặc dù gây chết người nhưng hoàn toàn phòng tránh được khi tiêm đầy đủ vaccine phòng bệnh ngay sau khi bị động vật cắn, cào, liếm…

Theo VTV

comment Bình luận

largeer