Người tiên phong bắc cầu quảng bá hình ảnh Ngã Ba Đồng Lộc qua sự kiện truyền thông và âm nhạc

Âm nhạc là một trong những công cụ truyền thông mạnh mẽ, lan tỏa, đi vào tiềm thức con người. Thực tế đã chứng minh, quảng bá du lịch thông qua sự kiện các sản phẩm âm nhạc đã tạo được những hiệu ứng ấn tượng và sâu sắc.
03/08/2023 16:38

Trong những ngày tháng 7, khu di tích lịch sử ngã ba Đồng Lộc đón hàng ngàn lượt du khách về tham quan, dâng hương, tri ân các anh hùng liệt sĩ. Nhiều người biết đến Đồng Lộc không chỉ qua các tài liệu lịch sử, các kênh thông tin mà còn qua những nhạc phẩm viết về Đồng Lộc. Trên các chuyến xe, trong các hội thi, hay ở bất cứ đâu người nghe cũng dễ dàng bắt gặp những ca khúc về xứ Nghệ… Một trong những người có công lớn trong việc lan tỏa hình ảnh Đồng Lộc để Nhân dân trong cả nước biết đến địa danh này qua các sự kiện và âm nhạc đó là cựu chiến binh, bác sĩ Nguyễn Xuân Lam – Nguyên Chủ tịch Hội Đồng hương Hà Tĩnh tại TP. Hồ Chí Minh.

coi thieng dong  loc

Chương trình “Cõi thiêng Đồng Lộc – Nối mạch ngàn năm” diễn ra tối ngày 22/7 tại Khu di tích lịch sử Ngã ba Đồng Lộc nhiều ca khúc trong đợt phát động sáng tác năm 2008 được biểu diễn, đặc biệt là bài “Cúc ơi” và “Đồng Lộc đẹp mãi tên em”

Người mang duyên nợ ân tình

Những người con của Hà Tĩnh dù sống và làm việc ở đâu vẫn đau đáu hướng về quê hương, xứ sở bằng những việc làm thiết thực, nồng ấm và nghĩa tình. Đặc biệt với những người lính đã đi qua gian khổ của chiến tranh, họ càng trân quý cuộc sống thanh bình của quê nhà, luôn mong muốn đóng góp dựng xây quê hương.

Sinh ra và lớn lên ở xã Cẩm Huy, nay là thị trấn Cẩm Xuyên, mạch nguồn văn hoá quê hương đã ngấm sâu nuôi dưỡng tâm hồn ông từ thủa bé. Cũng như những người con của đất Cẩm Xuyên, ông rất đỗi tự hào về một miền quê mộc mạc, êm ả mà con người nặng nghĩa, ân tình, kiên gan, bền chí đã trở thành động lực lớn lao.

Xa quê hương gần cả cuộc đời nhưng tâm hồn, tính cách của Cựu chiến binh, bác sĩ Nguyễn Xuân Lam vẫn in đậm dấu ấn của người Hà Tĩnh. Với ông, mảnh đất quê hương gió Phơn Tây Nam, nắng cháy, mưa tuôn, với nhút mặn, dưa, cà… Để rồi “đi mô rồi cũng nhớ về Hà Tĩnh”.

bác si laM 2

Cựu chiến binh, bác sĩ Nguyễn Xuân Lam chụp ảnh Kỷ niệm cùng với Bí thư Thành uỷ TPHCM Nguyễn Văn Nên và đồng đội nhân Kỷ niệm 46 năm Ngày Giải phóng miền Nam (30/4/1975-30/4/2021)

Tốt nghiệp Đại học Y Hà Nội năm 1975, Nguyễn Xuân Lam lên đường nhập ngũ. Bác sĩ trẻ Nguyễn Xuân Lam phụ trách khoa lây, da liễu Bệnh viện 5/8 Quân Chủng Hải quân tại Hải Phòng. Khi chiến tranh biên giới Tây Nam nổ ra, tháng 1/1978 bác sĩ Nguyễn Xuân Lam nhận nhiệm vụ là Trưởng khoa Ngoại tại Đội Điều trị 78 vùng 5 Quân chủng Hải Quân, Bệnh xá Trưởng Quân dân y hỗn hợp tại cảng Kampongsom Campuchia.

Trưởng thành, tôi luyện mình trong quân ngũ, bác sĩ Nguyễn Xuân Lam có thêm bản lĩnh trong nhiều vị trí công tác, nhiều lĩnh vực gai góc. Tháng 7/1989, rời quân ngũ với cấp bậc Thiếu tá, ông về công tác tại Trung tâm Ứng dụng khoa học kỹ thuật thuộc Viện Khoa học Việt Nam, đồng thời học tại Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh.

Bắt đầu khởi nghiệp năm 1991 trong lĩnh vực kinh doanh với vai trò nhân viên trong Công ty Cổ phần Doanh nghiệp nhà nước. Sau đó, bác sĩ Nguyễn Xuân Lam lại trở về với mối duyên áo blouse trắng. Hiện tại, ông đang làm Giám đốc Phòng khám Đa khoa quốc tế Yersin TP. Hồ Chí Minh.

trao qua 2

Bằng hình thức trực tiếp hoặc gián tiếp, năm nào vào mỗi dịp Ngày Thương binh - Liệt sĩ 27/7, ông Nguyễn Xuân Lam cũng trở về quê hương để trao những món quà nghĩa tình

Nối nhịp cầu quảng bá hình ảnh cho Hà Tĩnh hôm nay

Năm 2006, trong vai trò là Chủ tịch Hội Đồng hương Hà Tĩnh tại TP. Hồ Chí Minh, ông đã lên ý tưởng, chủ trì, tài trợ và kết nối các đơn vị tổ chức đêm nhạc “Như những thiên thần” với những ca khúc Cách mạng do cán bộ, nhân viên Khu di tích Ngã Ba Đồng Lộc và văn công Quân khu 7 biểu diễn, truyền hình trực tiếp trên sóng HTV 9 vang danh thủa đó.

Chương trình đêm nhạc “Như những thiên thần” tổ chức tại TP. Hồ Chí Minh năm 2006 truyền hình trực tiếp trên sóng HTV9

Tiếp đó, năm 2007, cùng với sự chủ trì của Báo Công an TP. Hồ Chí Minh phối hợp của Hội Nhạc sĩ TP. Hồ Chí Minh, Hội Đồng hương Hà Tĩnh tại TP. Hồ Chí Minh đã tổ chức cuộc thi sáng tác ca khúc về ngã ba Đồng Lộc.

Ông Nguyễn Xuân Lam là người trực tiếp mời và tài trợ vé máy bay các nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu, Trần Long Ẩn, Đào Văn Sử, Phạm Minh Tuấn, Quỳnh Hợp, Nguyễn Thập Nhất, Đào Trọng Minh, Nguyễn Hữu Xuân, Phạm Minh Tuấn, Phan Long thăm quê hương Hà Tĩnh và nắm được thực tế để sáng tác.

“Sau chuyến đi các nhạc sĩ, đặc biệt là nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu đã hoàn thiện sáng tác về Đồng Lộc, về Hà Tĩnh, ông say sưa, khó diễn tả cảm xúc, vui mừng và sau này ca khúc của ông đã đoạt giải Nhất với bài 'Tình yêu của mẹ' phổ thơ Nguyễn Thị Hồng Ánh. Trước đây mỗi khi nhắc đến Hà Tĩnh, Đồng Lộc là ông lại rất hồ hởi, và tiếc rằng, Hà Tĩnh đẹp, cảm nhận dâng trào thế mà về quá trễ. Nay ông đã đi xa, nhưng bài hát của ông vẫn còn vang vọng mãi. Đó cũng là lý giải vì sao mảnh đất Hà Tĩnh có nhiều bài hát hay, mà ca khúc của các nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý, Trần Hoàn, Ngọc Thịnh, An Thuyên… là tiêu biểu”, ông Lam nói.

Cuộc thi sáng tác ca khúc về Đồng Lộc được thực hiện từ 7/2007 đến 4/2008, 84 tác phẩm được gửi tới ban tổ chức, hội đồng âm nhạc đã họp để bình chọn ca khúc đoạt giải. Hội đồng giám khảo (nhạc sĩ Trần Long Ẩn, Phó Tổng Thư ký, Thường trực Hội Âm nhạc; Nhạc sĩ Trần Anh, Thành viên Hội đồng nghệ thuật; Nhà văn, nhà báo Trần Tử Văn, Phó Tổng biên tập Báo Công an TP. Hồ Chí Minh) đã chọn được 11 ca khúc bao gồm: 1 giải Nhất, 2 giải Nhì, 3 giải Ba và 5 giải Khuyến khích.

Cũng từ những sự kiện đó đã góp phần khẳng định thêm giá trị và những hy sinh lớn lao trên mảnh đất Đồng Lộc bằng âm nhạc mà nhân dân cả nước biết đến Đồng Lộc nhiều hơn, luôn dành cho mảnh đất nhuốm máu đào các Anh hùng liệt sĩ một tình cảm sâu nặng.

“Vào năm 2007, để chuẩn bị cho sự kiện 2008, Hội Âm nhạc Thành phố Hồ Chí Minh cử đoàn nhạc sĩ ra thăm Hà Tĩnh, thăm Khu di tích Ngã ba Đồng Lộc và tạo nguồn cảm hứng để sáng tác. Sau đợt đó cả nước gửi về trên 80 ca khúc. Đặc biệt rất xúc động khi tôi trở lại Đồng Lộc sau này, đang thắp hương trong mộ 10 nữ TNXP thì tôi thấy trên tay cầm điện thoại, người nào cũng có những bài nhạc đó và họ mở lên, họ nghe và họ hát theo rất thuộc. Sức mạnh của hiệu ứng âm nhạc đã đến với công chúng”, Tổng đạo diễn “Chương trình Ngã ba Đồng Lộc 40 năm” Hà Thanh Hoàng hồi tưởng.

Ông Nguyễn Xuân Lam là người trăn trở và đưa ra quyết định đầy táo bạo khi đưa cả ekip thực hiện vận chuyển hàng tấn, thiết bị từ Thành phố Hồ Chí Minh về Hà Tĩnh tổ chức đêm công diễn, trao giải tại Ngã ba Đồng Lộc nhân Kỷ niệm 40 năm chiến thắng Đồng Lộc và 40 năm ngày hy sinh của 10 cô gái TNXP Ngã ba Đồng Lộc vào năm 2008.

Lần đầu tiên một chương trình hoàng tráng, quy mô được tái hiện trên vùng đất lịch sử Ngã ba Đồng Lộc và được truyền hình trực tiếp đã có sức lan tỏa mạnh mẽ vào năm 2008.

Chương trình “Kỷ niệm 40 năm chiến thắng Đồng Lộc” được phát trực tiếp trên Đài PTTH Hà Tĩnh và HTV9 TP. Hồ Chí Minh năm 2008

Cũng bởi lòng tri ân và một nỗi niềm sâu thẳm, nặng nghĩa tình nên Đồng Lộc luôn là điểm đến để vào tháng 7 mỗi năm cựu chiến binh, bác sĩ Nguyễn Xuân Lam tìm về. Hàng chục năm đã trôi qua nhưng nhiều cán bộ, nhân viên của Ban Quản lý Khu di tích lịch sử Ngã ba Đồng Lộc vẫn luôn nhớ những ngày đầu cùng ông tham gia các chương trình "Tri ân Đồng Lộc".

Anh Đào Văn Tuân, Phó Trưởng Ban Quản lý Khu di tích lịch sử Ngã ba Đồng Lộc chia sẻ: “Mỗi một lần bác Lam về với Khu di tích Ngã ba Đồng Lộc chúng tôi rất vui mừng. Vào năm 2006, chương trình 'Như những thiên thần' tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh, chúng tôi cảm xúc rất sâu sắc và ý nghĩa. Mình hát những bài hát, mình nói, những câu chuyện để truyền tải đến được cho người nghe, đặc biệt đó là người dân xa quê, người dân xứ Nghệ hiểu được mảnh đất và con người và hơn thế nữa là họ hiểu được truyền thống của quê hương… Sau chương trình đó còn có rất nhiều chương trình khác nữa!”.

“Càng ngày sự lan tỏa của truyền thông càng lớn và nhiều người biết đến Đồng Lộc. Nhiều người khi đến Đồng Lộc họ thấy âm hưởng độc lập, hoà bình, về sự hy sinh. Đó là điều mà tôi cảm nhận sâu sắc nhất”, trong mắt ông Lam sáng rực khi nói đến một phần tâm nguyện của mình.

Nghĩa tình của một người cựu chiến binh dành cho các Liệt sĩ, TNXP và người dân đã góp phần đưa tiếng hát về Đồng Lộc bay xa, lan xa. Còn với cựu binh Nguyễn Xuân Lam, mỗi lần trở về luôn là một hành trình tri ân thầm lặng, ấm áp, vẹn nghĩa, trọn tình với những người đã hiến trọn cả cuộc đời, cho Tổ quốc, cho quê hương.

cuoi thieng dong loc

Cựu chiến binh, bác sĩ Nguyễn Xuân Lam tham dự chương trình “Cõi thiêng Đồng Lộc – Nối mạch ngàn năm”

Trong chương trình nghệ thuật “Cõi thiêng Đồng Lộc – Nối mạch ngàn năm” diễn ra tối ngày 22/7 tại Khu di tích lịch sử Ngã ba Đồng Lộc nhiều ca khúc trong đợt phát động sáng tác năm 2008 được biểu diễn, đặc biệt là bài hát “Cúc ơi” và “Đồng Lộc đẹp mãi tên em”, lấy đi rất nhiều xúc động và nước mắt của người xem. Cái tên Nguyễn Xuân Lam cứ xanh trong, ân tình như dòng Lam, dòng La xứ Nghệ… chứa chan Câu đợi câu chờ:

“Nay anh trở về bên dòng sông La

Con đò vẫn nguyên dòng sông còn đó

Câu hò quê mình mộc mạc mà thương

Ngày xưa anh mang đi khắp nẻo đường

Câu hò ví dặm anh thương anh thương trọn đời…”.

Tình Vũ

(Ghi chép sau khi xem chương trình Thời sự trên Đài PTTH Hà Tĩnh ngày 27/7/2023 nhân kỷ niệm 55 năm chiến thắng Đồng Lộc)

comment Bình luận

largeer