Nguyên nhân, biểu hiện và cách điều trị suy tim phải

Suy tim phải tuy không phổ biến như suy tim trái nhưng nếu không điều trị tốt nguy cơ suy tim trái, suy tim toàn bộ hay tử vong là không thể tránh khỏi. Vậy nguyên nhân nào dẫn đến suy tim phải, các biểu hiện ra sao và điều trị suy tim phải như thế nào?
16/02/2023 15:03

Suy tim phải là gì?

Suy tim phải là tình trạng suy giảm chức năng buồng tim bên phải (tâm thất phải và tâm nhĩ phải). Đây là một trong các loại suy tim, bên cạnh suy tim trái và suy tim toàn bộ.

Bình thường, tâm thất phải cùng các cấu trúc khác của phần tim bên phải chịu trách nhiệm vận chuyển máu đã qua sử dụng (máu nghèo oxy) từ tim trở về phổi để được cấp thêm oxy. Khi tim phải bị suy yếu, buồng tim bên phải đã giảm/mất khả năng bơm máu. Đồng thời, tim cũng không thể chứa đủ máu và máu sẽ chảy ngược vào các tĩnh mạch,  dẫn đến phù và tràn dịch tại các cơ quan.

Nguyên nhân, biểu hiện và cách điều trị suy tim phải. Ảnh minh họa

Nguyên nhân, biểu hiện và cách điều trị suy tim phải. Ảnh minh họa

Những nguyên nhân nào dẫn đến suy tim phải

Bệnh lý tại phổi

Các bệnh phổi mãn tính như khí phế thũng hoặc thuyên tắc phổi gây ra tăng áp động mạch phổi, dẫn đến tăng gánh nặng cho tâm thất phải. Về lâu dài, áp lực này khiến tâm thất phải hoạt động không hiệu quả, suy tim phải.

Suy tim phải do bệnh phổi còn có tên khác là bệnh tim phổi mạn tính. Nguyên nhân trực tiếp là tăng áp động mạch phổi. Nguyên nhân gián tiếp có thể do COPD, hen phế quản, xơ phổi…

Gù vẹo cột sống, dị dạng lồng ngực

Gù vẹo cột sống có thể làm dị dạng lồng ngực bên cao bên thấp. Khi bị vẹo cột sống, khung xương sườn sẽ đè ép và phổi và tim, làm cho bệnh nhân khó thở, làm giảm sức co bóp của tim, lâu ngày sẽ dẫn đến suy tim, hạn chế hô hấp.

Do bệnh lý tim mạch

Hẹp van 2 lá: Khi bị hẹp van hai lá, áp lực mạch máu trong phổi gia tăng lên, dẫn đến ứ dịch, làm cho tim phải căng, lâu dần sẽ dẫn đến suy tim phải.

Bệnh tim bẩm sinh: Chức năng tim bất thường có thể là kết quả của các tình trạng cấu trúc của tim khi mới sinh bao gồm: van tim bất thường, mạch máu bất thường, hình thành trái tim không đúng cách,… Những tình trạng này có thể ảnh hưởng đến chức năng vận chuyển máu của tim dẫn đến suy tim.

Viêm nội tâm mạc nhiễm khuẩn

Bệnh nhiễm trùng màng trong tim, do nhiều tác nhân gây bệnh và nhiều đường vào khác nhau cuối cùng khu trú ở nội tâm mạc, gây loét và sùi các van tim, nhất là van 2 lá rồi đến van động mạch chủ. Lâu dần sẽ dẫn đến suy tim phải.

Suy tim trái

Suy tim trái làm giảm khả năng bơm máu khiến máu bị ứ đọng tại phổi, làm tăng áp lực động mạch phổi. Điều này làm cản trở quá trình bơm máu từ thất phải lên phổi. Lâu dần sẽ dẫn đến suy tim phải, cuối cùng là suy tim toàn bộ.

Bệnh động mạch vành

Bệnh động mạch vành có thể là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến suy tim phải hoặc gián tiếp thông qua việc gây suy tim trái.

Phần lớn những người bị bệnh động mạch vành đều có tình trạng xuất hiện mảng xơ vữa động mạch. Điều này làm giảm lưu lượng máu đến nuôi dưỡng tim gây thiếu máu cơ tim hay nguy hiểm hơn là nhồi máu cơ tim. Lúc này, cơ tim sẽ phải tăng cường hoạt động để đáp ứng nhu cầu máu của cơ thể. Và điều này sẽ khiến cơ tim dần yếu đi.

Tăng huyết áp

Huyết áp càng cao thì tim càng phải co bóp mạnh hơn để tống máu đi nuôi cơ thể. Theo thời gian, cơ tim buộc phải dày lên, yếu dần đi do phải làm việc gắng sức.

Rối loạn nhịp tim

Rối loạn nhịp tim bao gồm nhịp nhanh, nhịp chậm hoặc loạn nhịp hoàn toàn. Cho dù là loại loạn nhịp nào thì cũng dẫn đến hoặc lượng máu tim bơm không đủ đáp ứng nhu cầu cơ thể hoặc tim phải làm việc quá sức. Nếu tình trạng này không được giải quyết thì tim sẽ suy yếu dần.

Co thắt màng ngoài tim

Màng ngoài tim là một túi màng bao quanh tim. Tình trạng viêm lặp đi lặp lại hoặc liên tục gây ra tình trạng cứng và dày lên, ngăn tim mở rộng để bơm máu bình thường.

Những nguyên nhân khác

Ngoài những nguyên nhân nêu trên, suy tim phải có thể do:

- Tuổi tác: Tuổi càng cao, trái tim càng yếu.

- Tiền sử gia đình có người thân bị suy tim và các bệnh tim khác.

- Lạm dụng rượu, ma túy và các chất kích thích; hút thuốc, hoặc chế độ ăn không điều độ, hợp lý… 

Dấu hiệu nhận biết suy tim phải

Các triệu chứng của suy tim phải chủ yếu là do tình trạng ứ trệ tuần hoàn khiến lượng máu trở về tim giảm và ứ đọng ở ngoại vi gây ra. Giai đoạn đấu các triệu chứng biểu hiện kín đáo, khó nhận biết sau đó rầm rộ khi suy tim tiến triển.

Các biểu hiện suy tim phải trên lâm sàng mà người bệnh có thể nhận biết bao gồm:

- Khó thở, đặc biệt khi nằm xuống hoặc làm việc gắng sức. Mức độ khó thở có thể khác nhau ở mức độ suy tim nhưng thường không có cơn khó thở kịch phát như suy tim trái.

- Ho khan, đặc biệt khi về đêm. Khi có hiện tượng ho khạc, đờm đỏ, bọt trắng hay bọt hồng là dấu hiệu phù phổi cấp và cần được cấp cứu ngay.

- Xanh tím: Suy tim phải dẫn đến máu không được cung cấp thêm oxy. Khi nồng độ oxy trong máu thấp, máu có màu đỏ sẫm và được ánh sáng xanh phản chiếu khiến da người bệnh có màu xanh tím nhìn thấy được bằng mắt thường.

- Phù: Phù do suy tim có thể xuất hiện ở ngoại biên, vùng thấp của cơ thể như chân, mắt cá chân, bàn chân hoặc ở nội tạng (phù bụng hay cổ trướng).

- Mệt mỏi, chán ăn, đầy chướng bụng, tăng cân…

- Hồi hộp trống ngực, nhịp tim nhanh.

- Đau tức vùng gan, do máu bị ứ lại ở gan.

- Tĩnh mạch cổ nổi to và nhìn thấy đập rõ.

- Đi tiểu nhiều, có hiện tượng tiểu đêm.

- Chóng mặt, ngất...

Để chẩn đoán suy tim phải, ngoài dựa vào triệu chứng, các bác sĩ cần làm thêm xét nghiệm để phân biệt với các bệnh lý khác như xơ gan, nhồi máu cơ tim, hội chứng thận hư…

Dấu hiệu nhận biết suy tim phải. Ảnh minh họa

Dấu hiệu nhận biết suy tim phải. Ảnh minh họa

Suy tim phải biểu hiện như thế nào trên cận lâm sàng?

Điện tâm đồ

Thường thấy các dấu hiệu của trục phải, dày nhĩ phải, dày thất phải.

X-quang tim phổi

Trên phim tim phổi thẳng:

- Tim to ra nhất là buồng bên phải. Cung dưới phải (tâm nhĩ phải) giãn.

- Mỏm tim nâng cao hơn phía trên vòm hoành trái do tâm thất phải giãn.

- Cung động mạch phổi cũng giãn to.

- Phổi có hình ảnh mờ vì ứ máu.

Trên phim nghiêng trái: thất phải to làm cho khoảng sáng sau xương ức bị hẹp lại.

Siêu âm tim

Là một thăm dò rất quan trọng. Siêu âm tim thường cho thấy hình ảnh kích thước tâm thất phải giãn to. Trong nhiều trường hợp có thể thấy các dấu hiệu của tăng áp động mạch phổi. Ngoài ra siêu âm tim còn giúp ta khẳng định một số nguyên nhân đã gây ra suy tim phải.

Các phương pháp điều trị suy tim phải

Nguyên tắc điều trị

- Giảm các triệu chứng cho người bệnh và kiểm soát căn nguyên gây bệnh.

- Thay đổi chế độ ăn uống và lối sống lành mạnh.

- Điều trị nguyên nhân.

- Dùng thuốc (nhiều loại).

- Sử dụng các thiết bị hỗ trợ điều trị (như cấy máy khử rung, máy tái đồng bộ tim, hỗ trợ tuần hoàn cơ học).

- Trường hợp nặng có chỉ định ghép tim.

- Chăm sóc đa chuyên ngành.

Chế độ nghỉ ngơi và ăn uống

Để giúp tim hoạt động hiệu quả, cần tuân thủ các biện pháp, lối sống sau đây:

- Không hút thuốc.

- Tuân theo một chế độ ăn uống cân bằng, ít Natri.

- Hạn chế uống rượu, bia và các chất kích thích khác.

- Không thức khuya và tránh bị căng thẳng quá mức.

- Tập thể dục thường xuyên theo lời khuyên của bác sĩ hoặc theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa phục hồi chức năng tim.

Lời khuyên cho người suy tim phải

Nếu bạn đã bị chẩn đoán mắc suy tim phải, điều quan trọng là phải chủ động kiểm soát bệnh. Ngoài các phương pháp điều trị kể trên thì thay đổi lối sống cũng là cách đơn giản giúp bạn bảo vệ trái tim tốt hơn. Theo đó bạn cần chú ý:

- Ăn một chế độ ăn uống lành mạnh, nhiều trái cây tươi và rau quả, ít chất béo, ít cholesterol để giúp cải thiện các triệu chứng.

- Giảm lượng muối ăn hàng ngày bằng cách giảm muối khi nêm nếm, nấu nướng, không dùng mì chính, khi chấm nhẹ tay, không ăn dưa muối, cà muối…

- Duy trì cân nặng hợp lý, kiểm soát tốt huyết áp, đường huyết (đặc biệt với bệnh nhân bị tăng huyết áp hay đái tháo đường)

- Tăng cường hoạt động thể thao. Mỗi ngày bạn nên tập luyện 30 phút, ít nhất 5 ngày mỗi tuần. Cường độ bài tập nên nhẹ nhàng, nếu thấy mệt hãy nghỉ ngơi ngay.

- Từ bỏ hút thuốc, cắt giảm rượu hoặc bỏ rượu hoàn toàn

- Giảm căng thẳng, stress.

Nghĩ đến suy tim phải hay suy tim nói chung, chúng ta thường cảm thấy sợ hãi. Tuy nhiên, nếu hiểu đúng về bệnh và tích cực áp dụng các giải pháp điều trị hiệu quả, bạn hoàn toàn có thể kiểm soát bệnh, tìm lại được cuộc sống như những người bình thường khác.

Theo Thầy thuốc Việt Nam

comment Bình luận

largeer