Nguyên nhân khiến ca nhiễm tăng đột biến tại New Zealand và Hong Kong

Nghiên cứu các kết quả giải trình tự gene của SARS-CoV-2 tại New Zealand và Hong Kong (Trung Quốc) cho thấy nguyên nhân chính khiến virus này tiếp tục lây lan là nhờ vào khả năng tiến hóa liên tục.
21/03/2022 15:13

Một nghiên cứu mới được công bố trên nền tảng bioRxiv cho thấy các đột biến được tìm thấy trong dòng phụ BA.1 của biến thể Omicron ở Đặc khu hành chính Hong Kong (Trung Quốc) và New Zealand có thể là nguyên nhân chính khiến số ca mắc mới COVID-19 tăng đột ngột tại các khu vực này.

Các chuyên gia đã sử dụng các công cụ giải trình tự toàn bộ bộ gene cải tiến để tìm hiểu về virus SARS-CoV-2 và phát hiện rằng nguyên nhân chính khiến virus này tiếp tục lây lan trên toàn cầu là nhờ vào khả năng tiến hóa liên tục.

Việc nghiên cứu các kết quả giải trình tự gene của virus SARS-CoV-2 tại New Zealand và Hong Kong đã giúp phát hiện dòng phụ BA.1.1 và BA.2 của biến thể Omicron.

Đáng chú ý, đây là các khu vực có số ca mắc tăng mạnh, bất chấp việc áp đặt nhiều biện pháp phòng, chống dịch nghiêm ngặt. Thực tế này cho thấy chính các dòng phụ là nguyên nhân khiến số ca mắc mới COVID-19 tăng mạnh tại đây.

Theo các báo cáo khoa học, 3 dòng phụ của Omicron bao gồm BA.1, BA.2 và BA.3, trong đó, BA.1 có chứa đột biến gai R346K và dòng phụ BA.1.1 gây ra hầu hết các ca nhiễm mới ở thời điểm hiện tại. New Zealand ghi nhận ca đầu tiên nhiễm dòng phụ BA.1 hồi tháng 12/2021 và ca đầu tiên nhiễm BA.1.1 vào tháng 1/2022.

000

Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Hong Kong (Trung Quốc)

Trong khi đó, làn sóng dịch bùng phát tại New Zealand từ ngày 22/2 cho thấy nhiều khả năng virus liên tục tiến hóa trong thời gian này. Nhận định này đã được củng cố khi các chuyên gia phát hiện 70 đột biến trên mỗi bộ gene của virus, với BA.1.1 và BA.2 gây ra hầu hết các ca nhiễm, trong khi số ca nhiễm BA.1 giảm.

Tại Hong Kong, biến thể Omicron là nguyên nhân dẫn đến số ca mắc tăng cao vào tháng 2/2022, dù biến thể này được phát hiện lần đầu tại đây từ giữa tháng 11/2021. Điều này chỉ ra rằng trong khoảng thời gian nói trên, nhiều đột biến mới đã xảy ra.

Trên thực tế, nghiên cứu hiện nay cho thấy hầu hết các ca nhiễm sau ngày 1/2 tại Hong Kong là do dòng phụ BA.2, chứ không phải BA.1 hoặc BA.1.1. Omicron không dễ gây ra đột biến hơn so với các biến thể khác, do không có biến thể mới nào được xác định kể từ sau Omicron.

Việc các dòng phụ của Omicron chiếm đa số tại New Zealand và Hong Kong dường như là một quá trình ngẫu nhiên. Kể cả những dòng phụ chiếm đa số tại hai khu vực này cũng chỉ có 2 đến 3 đột biến, chứng tỏ tỷ lệ đột biến của biến thể Omicron cũng tương đương tỷ lệ ở các biến thể khác.

Tuy nhiên, không thể phủ nhận các đột biến mới của dòng phụ BA.1.1 và BA.2 đã khiến dịch COVID-19 tiếp tục hoành hành tại Hong Kong và New Zealand, bất chấp các nỗ lực phòng, chống dịch của nhà chức trách.

Do đó, các nhà khoa học cho rằng cần tiếp tục nghiên cứu điều gì đã khiến Omicron xuất hiện và lan rộng, cũng như cần tiếp tục theo dõi quá trình giải trình tự gene để hiểu rõ hơn về sự tiến hóa của virus SARS-CoV-2 - vốn có thể khiến đại dịch kéo dài.

Theo Vietnam+

comment Bình luận

largeer