Nguyên nhân và cách điều trị rối loạn ngửi

Khứu giác là giác quan có chức năng phát hiện và phân biệt các mùi trong không khí được hít vào mũi và mã hoá thành thông tin đưa lên não xử lí. Ước tính, con người có thể phát hiện khoảng 1.000 tỉ loại mùi khác nhau, từ những mùi hấp dẫn như hoa hồng, thức ăn tới mùi báo hiệu nguy hiểm như mùi khét, khói, khí gas, …
03/03/2022 10:41

Rối loạn ngửi là vấn đề thường gặp trong dân số với biểu hiện đa dạng. Theo nghiên cứu, khoảng 20% dân số Mỹ và châu Âu bị rối loạn ngửi. Rối loạn chức năng ngửi không chỉ làm giảm chất lượng cuộc sống mà còn có thể gây ra thiệt hại vật chất và đe doạ đến tính mạng do không phát hiện ra các mối nguy hiểm.

Rối loạn ngửi là gì?

Rối loạn ngửi là những bất thường trong khả năng phát hiện và phân biệt mùi. Trên lâm sàng, rối loạn ngửi có biểu hiện ở các dạng như sau:

- Mất ngửi (anosmia): mất hoàn toàn khả năng ngửi.

- Giảm ngửi (hyposmia): giảm khả năng ngửi.

- Tăng ngửi (hyperosmia): tăng nhạy cảm với các mùi.

- Loạn ngửi (parosmia): cảm nhận với một vài mùi bị thay đổi so với trước, thường là mùi khó chịu như hôi thối.

- Ảo khứu (phantosmia): ngửi thấy mùi mà thực tế không tồn tại mùi này.

photo-1-15350141829531834434531

(Ảnh minh họa)

- Ngửi thối (cacosmia): do các nguyên nhân thực sự như dị vật mũi, viêm xoang hàm do răng (ngửi thối khách quan) hoặc không phát hiện được nguyên nhân (ngửi thối chủ quan).

- Đồng khứu (heterosmia): tất cả các mùi ngửi đều giống nhau.

- Lão khứu (presbyosmia): giảm ngửi do quá trình lão hoá.

- Sợ mùi (osmophobia): cảm giác sợ khi ngửi thấy một vài mùi.

- Asgnosia: mất khả năng phân biệt mùi dù hệ thần kinh ngửi bình thường.

Nguyên nhân gây rối loạn ngửi:

Rối loạn ngửi do bệnh lí trong hốc mũi, dây thần kinh khứu giác hoặc trung tâm khứu giác ở não. Không khí không đến được vùng niêm mạc khứu giác nằm ở phần cao của hốc mũi gây ra rối loạn ngửi dẫn truyền hoặc không được mã hoá thành tín hiệu thần kinh dẫn về não để xử lí gây ra rối loạn ngửi tiếp nhận.

Những nguyên nhân gây rối loạn ngửi thường gặp là:

- Viêm: nhiễm trùng virus, vi khuẩn, lao,… Giảm hoặc mất ngửi không chỉ là triệu chứng thường gặp trong bệnh viêm mũi, viêm mũi xoang cấp và mạn tính mà còn là triệu chứng gợi ý chẩn đoán bệnh ví dụ bệnh COVID-19.

- Chấn thương: tai nạn gây xơ dính hốc mũi, tổn thương niêm mạc khứu giác và hành khứu, dập não, …

- Phẫu thuật: mũi xoang gây tổn thương niêm mạc khứu giác và xơ dính hốc mũi, cắt thanh quản toàn phần, mở khí quản, …

- Khối u: u lành và ác tính của mũi xoang, nền sọ, não.

- Nhiễm độc: hoá chất, khí độc, thuốc, …

- Bệnh lý thần kinh trung ương, tự miễn: Parkinson, Alzheimer, xơ cứng rải rác. Người bệnh Parkinson có thể gặp triệu chứng sớm là giảm hoặc mất ngửi trước khi xuất hiện các dấu hiệu về thần kinh nhiều năm.

Hậu quả của rối loạn ngửi

Nguy hiểm đến tính mạng khi không phát hiện được các yếu tố độc hại như khói từ chập điện, cháy nhà, mùi khí độc, rò rỉ gas, thức ăn và đồ uống ôi thiu.

Giảm chất lượng sống của người bệnh vì không thưởng thức được các hương vị (đồ ăn uống, hoa, …), dẫn đến sút cân, suy dinh dưỡng, trầm cảm, từ đó ảnh hưởng đến các mối quan hệ trong gia đình và xã hội.

Người bệnh cần làm gì khi phát hiện rối loạn ngửi?

Khi có biểu hiện rối loạn ngửi như giảm, mất khả năng phát hiện mùi, ngửi mùi bị thay đổi so với trước … thì người bệnh nên đi khám chuyên khoa Tai Mũi Họng càng sớm càng tốt.

Những việc bác sĩ chuyên khoa Tai Mũi Họng sẽ làm đối với người bệnh

Bác sĩ sẽ hỏi bệnh để biết rối loạn ngửi có biểu hiện cụ thể là gì, xuất hiện từ bao giờ, các triệu chứng mũi xoang kèm theo như ngạt mũi, chảy nước mũi, hắt hơi, ngứa mũi, ngứa mắt, đau nhức vùng mặt, triệu chứng thần kinh tâm thần như đau đầu, rối loạn nhận thức … và tiền sử các bệnh nội ngoại khoa như chấn thương sọ não, phẫu thuật mũi xoang, … Trên lâm sàng, rối loạn ngửi thường gặp nhất là giảm ngửi và mất ngửi.

Tiếp theo, bác sĩ sẽ khám mũi để đánh giá tình trạng hốc mũi như mức độ thông thoáng từ cửa mũi trước đến cửa mũi sau, niêm mạc bình thường hay phù nề, nhợt màu, vùng khe giữa và khe sàng bướm có mủ, polyp hay không, trần hốc mũi có bình thường hay sẹo dính.

Để đánh giá khả năng ngửi của người bệnh, bác sĩ sẽ đo chức năng khứu giác:

- Xác định ngưỡng ngửi bằng dung dịch Phenyl Ethyl Alcohol (PEA ): chất thử có mùi hương hoa hồng với nhiều nồng độ khác nhau. Qua việc xác định nồng độ mùi thấp nhất mà bệnh nhân phát hiện ra và so sánh với giá trị bình thường, bác sĩ sẽ đánh giá người bệnh ngửi bình thường, giảm hay mất ngửi. Hiện tại ở Khoa Tai Mũi Họng, Bệnh Viện Bạch Mai đang áp dụng bộ dung dịch thử mùi PEA theo phiên bản của đại học Bắc Carolina - Hoa Kỳ. Phương pháp này dễ thực hiện, đáng tin cậy giúp chẩn đoán chính xác và theo dõi kết quả điều trị.

- Bộ test UPSIT của Đại học Pelsylvania (University of Pelsylvania Smell Identification Test) với 40 mùi khác nhau.

-       Ngoài ra còn một số bộ thử mùi khác được áp dụng trên thế giới như: Sniffin’ Sticks, ngưỡng Butanol BTT….

- Đo điện khứu giác đồ (Electro-olfactogram): đánh giác hoạt động sinh lý của tế bào biểu mô khứu giác thông qua ghi lại điện thế hoạt động trong quá trình dẫn truyền các xung động thần kinh khi mũi được kích thích mùi.

Trong trường hợp cần thiết, bác sĩ sẽ chỉ định một số thăm dò chuyên sâu khác:

- Chụp cắt lớp vi tính mũi xoang: phát hiện tổn thương mũi xoang và hố sọ trước, đặc biệt là vùng hố khứu giác.

- Chụp cộng hưởng từ sọ não: đánh giá đặc điểm giải phẫu của hành khứu, tìm tổn thương như khối u, thoái hoá chất trắng, …

- Các xét nghiệm khác tùy bệnh cảnh: dị ứng, hormon, chuyển hóa…

Điều trị

Để điều trị hiệu quả cần xác định cụ thể nguyên nhân gây rối loạn ngửi.

- Rối loạn ngửi dẫn truyền: loại trừ các tắc nghẽn để không khí hít vào mũi đến được vùng niêm mạc khứu giác nằm ở phần cao của hốc mũi.

+ Nội khoa: rửa mũi hàng ngày, kháng sinh, corticoid, kháng histamin…

+ Ngoại khoa: phẫu thuật nội soi mũi xoang, chỉnh hình cuốn mũi dưới, chỉnh hình vách ngăn, phẫu thuật lấy u, …

- Rối loạn ngửi tiếp nhận: tuỳ thuộc vào diễn biến thời gian, bệnh toàn thân (nhiễm trùng, thần kinh, nội tiết, chuyển hóa …). Kết hợp huấn luyện ngửi hoặc sử dụng một số thuốc như corticoid, alpha-lipoic acid, vitamin A, omega-3… Gần đây, trên thế giới đang nghiên cứu những phương pháp mới như tiêm huyết tương giàu tiểu cầu vào biểu mô khứu giác, kích thích điện thần kinh, liệu pháp tế bào gốc.

- Loạn khứu, ảo khứu: gửi chuyên khoa tâm thần kinh.

Huấn luyện ngửi

Hiện nay tại Khoa Tai Mũi Họng, Bệnh Viện Bạch Mai đang áp dụng phương pháp huấn luyện ngửi (Olfactory Training) để điều trị cho bệnh nhân giảm, mất ngửi. Nhờ kích thích mạnh mẽ hệ thống khứu giác bằng các mùi khác nhau kết hợp với trí nhớ về mùi giúp tăng cường khả năng tái tạo và phục hồi tế bào thần kinh khứu giác. Huấn luyện ngửi được áp dụng ở bệnh nhân giảm, mất ngửi do nhiều nguyên nhân khác nhau như sau nhiễm trùng hô hấp trên, đặc biệt sau nhiễm virus SARS-CoV-2 trong bệnh COVID-19, sau chấn thương sọ não, do các bệnh lý thần kinh như Parkinson.

Quá trình huấn luyện ngửi sẽ bắt đầu bằng cách sử dụng các mùi cơ bản, quen thuộc và dễ chịu như hoa hồng, chanh, khuynh diệp, đinh hương… để bệnh nhân luyện tập ngửi hàng ngày trong khoảng thời gian xác định. Sau đó, bác sĩ sẽ đánh giá và tiếp tục cho bệnh nhân luyện ngửi với các mùi khác. Bệnh nhân cần tuân thủ hướng dẫn của bác sĩ nhằm theo dõi tiến triển, hiệu quả và điều chỉnh cho thích hợp.

Lời khuyên của bác sỹ

Rối loạn ngửi không chỉ làm giảm chất lượng cuộc sống mà còn có thể nguy hiểm khi người bệnh không phát hiện được nhiều yếu tố độc hại. Đặc biệt, hiện nay đại dịch COVID-19 vẫn đang diễn biến phức tạp thì vấn đề này lại càng trở nên bức thiết. Chính vì vậy, khi phát hiện bị rối loạn ngửi, người bệnh cần đến khám chuyên khoa Tai Mũi Họng càng sớm càng tốt. Xác định đúng loại và nguyên nhân gây rối loạn ngửi sẽ giúp bác sĩ điều trị chính xác và hiệu quả.

Phát hiện và điều trị triệt để các bệnh gây rối loạn ngửi như cảm cúm, viêm đường hô hấp trên, viêm mũi xoang cấp và mạn tính...

Đeo khẩu trang tránh khói bụi, hoá chất bay hơi, không hút thuốc lá, thuốc lào.

Theo Bệnh viện Bạch Mai

comment Bình luận

largeer