Nhiều chính sách hiện hành dành cho người cao tuổi

Người cao tuổi là đối tượng yếu thế, cần được sự quan tâm đặc biệt trong xã hội. Chính vì vậy, Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều chế độ chính sách, nhằm hỗ trợ, giúp đỡ, tạo điều kiện, để người cao tuổi được hưởng cuộc sống ấm no và hạnh phúc.
13/12/2020 08:00

Mới đây, theo kết quả Tổng điều tra dân số và nhà ở vào tháng 4/2019 của Tổng cục Thống kê, cả nước có khoảng 11,4 triệu người cao tuổi, chiếm khoảng 11,86% dân số. Chất lượng cuộc sống của người cao tuổi, nhất là ở vùng nông thôn còn rất khó khăn, tỷ lệ người nghèo ở người cao tuổi là 23,5%. Chỉ có khoảng 60% người cao tuổi (NCT) có thẻ bảo hiểm y tế.

Người cao tuổi tại Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, trong đó 73% không có lương hưu và phải sống phụ thuộc vào con cái. Thậm chí nhiều NCT phải tự lao động và kiếm sống hàng ngày.

Dự báo, Việt Nam sẽ bước vào thời kỳ dân số già vào năm 2035, khi tỷ lệ NCT tăng lên tới 20% (khoảng 21 triệu người). Đến năm 2049, NCT  sẽ chiếm 25% dân số.

Chiếm một phần đông đảo trong tháp dân số của nước ta, nên các chế độ, chính sách về hỗ trợ, giúp đỡ, bảo vệ NCT cũng được đưa ra là vấn đề then chốt, bên cạnh các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội khác.

Thực tế cho thấy, NCT đóng vai trò quan trọng trong đời sống gia đình và cộng đồng. Họ là nơi lưu giữ văn hóa, tri thức bản địa; bằng kinh nghiệm sống và làm việc của mình, NCT đã góp phần giáo dục và hỗ trợ những người trẻ tuổi trên con đường hoàn thiện, phát triển sự nghiệp của bản thân và xây dựng đất nước.

nct

Hình minh họa.

Chính vì vậy, việc quan tâm, chăm sóc NCT là việc làm cần thiết, đó không chỉ là trách nhiệm của từng cá nhân, từng gia đình, mà còn là trách nhiệm của toàn xã hội, trong đó Nhà nước đóng vai trò quan trọng trong việc điều tiết các nguồn lực, nhằm hỗ trợ tốt nhất cho NCT thực hiện các chức năng xã hội của mình. Chính sách xã hội (CSXH) chính là công cụ để Nhà nước thực hiện vai trò đó.

Về mặt pháp lý, NCT luôn được nhắc đến trong các văn kiện đại hội Đảng và trong hệ thống pháp luật Việt Nam.

Mới đây, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đã có các Nghị quyết số 20,21 về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới và về công tác dân số trong tình hình mới. Thủ tướng Chính phủ cũng ra Quyết định số 1579/QĐ-TTg ngày 13/10/2020 phê duyệt Chương trình chăm sóc sức khỏe NCT đến năm 2030.

Hiến pháp năm 2013 đã đề cập một cách đầy đủ và khẳng định mục tiêu phát triển hệ thống an sinh xã hội, bảo đảm bình đẳng, công bằng cho mọi thành viên trong xã hội, lần đầu tiên thuật ngữ “Người cao tuổi” được nhắc đến trong bản Hiến pháp năm 2013 tại khoản 2 Điều 59 và khoản 3 Điều 37.

Ngày 1/10 hằng năm được coi là Ngày Quốc tế Người cao tuổi và tháng Mười là tháng hành động vì NCT.

Việt Nam đã xây dựng luật riêng dành cho người cao tuổi, đó là Luật Người cao tuổi năm 2009. Theo đó, căn cứ theo quy định tại Điều 2 Luật Người cao tuổi 2009, Người cao tuổi được quy định trong Luật này là công dân Việt Nam từ đủ 60 tuổi trở lên.

Đồng thời, tại Điều 4 của Luật này có quy định cụ thể về chính sách của Nhà nước đối với người cao tuổi được quy định như sau: Bố trí ngân sách hằng năm phù hợp để thực hiện chính sách chăm sóc và phát huy vai trò người cao tuổi. Bảo trợ xã hội đối với người cao tuổi theo quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan. Lồng ghép chính sách đối với người cao tuổi trong chính sách phát triển kinh tế - xã hội. Phát triển ngành lão khoa đáp ứng nhu cầu khám bệnh, chữa bệnh cho người cao tuổi; đào tạo nhân viên chăm sóc người cao tuổi. Khuyến khích, tạo điều kiện cho người cao tuổi rèn luyện sức khoẻ; tham gia học tập, hoạt động văn hoá, tinh thần; sống trong môi trường an toàn và được tôn trọng về nhân phẩm; phát huy vai trò người cao tuổi trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Khuyến khích, hỗ trợ cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện tuyên truyền, giáo dục ý thức kính trọng, biết ơn người cao tuổi, chăm sóc, phát huy vai trò người cao tuổi. Khen thưởng cơ quan, tổ chức, cá nhân có thành tích xuất sắc trong việc chăm sóc, phát huy vai trò người cao tuổi. Xử lý nghiêm minh cơ quan, tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan.

Ngoài ra, Nghị định số 06/2011/NĐ-CP ngày 14/01/2011 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật NCT, trong đó hướng dẫn việc thực hiện các hoạt động liên quan đến chăm sóc, phụng dưỡng NCT, các quy định đối với cá nhân, tổ chức trong việc chăm sóc, phụng dưỡng NCT.

Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình năm 2007, Bộ luật Dân sự năm 2015 đã có quy định về các quyền được chăm sóc, được phụng dưỡng và phát huy các vai trò của NCT, nhấn mạnh về quyền bình đẳng trước pháp luật của NCT trong các lĩnh vực.

Về chăm sóc sức khỏe: Một số bộ, ban, ngành cũng đưa ra các văn bản pháp luật liên quan: Thông tư số 35/2011/TT-BYT ngày 15/10/2011 của Bộ Y tế hướng dẫn thực hiện chăm sóc sức khỏe NCT; Thông tư số 21/2011/TT-BTC ngày 18/02/2011 của Bộ Tài chính quy định quản lý và sử dụng kinh phí chăm sóc sức khỏe ban đầu cho NCT tại nơi cư trú, chúc thọ, mừng thọ và biểu dương, khen thưởng NCT; Thông tư số 96/2018/TT-BTC ngày 18/10/2018 thay thế Thông tư số 21/2011/TT-BTC với các nội dung cụ thể hơn và phù hợp với điều kiện mới.

Về chính sách bảo trợ xã hội đối với NCT: được hưởng trợ cấp xã hội hằng tháng, hỗ trợ chi phí mai táng khi chết, được hưởng bảo hiểm y tế. Mức trợ cấp xã hội được hưởng hằng tháng từ 180.0000 - 360.000 đồng/tháng, tùy từng đối tượng cụ thể. Mức chuẩn trợ cấp, trợ giúp xã hội (sau đây gọi chung là mức chuẩn trợ giúp xã hội) là 270.000 đồng. Mức hỗ trợ chi phí mai táng khi NCT qua đời quy định tại Điều 18, Điều 19 Luật Người cao tuổi là 3.000.000 đồng. Người từ đủ 80 tuổi trở lên đang hưởng trợ cấp tuất bảo hiểm xã hội hằng tháng, trợ cấp hằng tháng khác, mà chưa được cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí, thì được Nhà nước cấp thẻ bảo hiểm y tế.

Về văn hóa, thể thao, du lịch: mức thu phí thăm quan di tích văn hóa, lịch sử, bảo tàng, danh lam thắng cảnh đối với NCT, trong đó quy định rõ mức thu phí bằng 50% mức phí hiện hành theo Thông tư 127/2011/TT-BTC. Chính phủ quy định rõ vai trò của các cá nhân, tổ chức có liên quan trong việc đầu tư xây dựng, cải tạo cơ sở văn hóa, giáo dục, thể dục, thể thao, giải trí, du lịch phù hợp với điều kiện kinh tế – xã hội, nhằm đáp ứng nhu cầu tinh thần và rèn luyện sức khỏe của NCT.

Về tham gia giao thông: Người cao tuổi luôn là đối tượng được ưu tiên khi tham gia các phương tiện giao thông đường bộ, đường thủy, hàng không... nhiều chương trình cấp phát thẻ xe buýt miễn phí cho NCT, giảm giá vé tàu hỏa, ô tô, máy bay cho NCT được thực hiện trong nhiều năm qua...

Như vậy, có thể thấy rằng, NCT luôn là đối tượng đặc biệt đáng được quan tâm trong xã hội. Đảng và Nhà nước ta đã xây dựng hệ thống pháp luật về NCT khá toàn diện, trong đó, luôn tạo điều kiện tối đa đảm bảo cho NCT có được cuộc sống vui vẻ, hạnh phúc trên mọi mặt.

Thùy Dương (tổng hợp)

 

 

 

 

 

comment Bình luận

largeer