Nhiều doanh nghiệp dược thành công trong mùa dịch COVID-19

Dưới tác động của đại dịch COVID-19 kéo dài, nhiều doanh nghiệp trên cả nước đều gặp khó khăn và doanh nghiệp ngành dược cũng không phải là ngoại lệ. Tuy nhiên, vẫn có nhiều doanh nghiệp trong thời điểm dịch COVID-19 vẫn "vượt khó" và có kết quả kinh doanh thành công.
18/09/2021 11:35

 Dược Hậu Giang vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý II-2021. Công ty ghi nhận doanh thu tăng 15,5% so với cùng kỳ, đạt xấp xỉ 948 tỷ đồng. Tốc độ tăng giá vốn 21,5% cao hơn so với mức tăng doanh thu. Theo đó, tỷ suất lợi nhuận gộp trên doanh thu giảm từ 51,8% của quý II năm ngoái xuống còn 48,8% quý này. Kết quả, lợi nhuận sau thuế công ty mẹ của Dược Hậu Giang tăng 8% đạt 201 tỷ đồng. Mức tăng này thấp hơn mức tăng 19% của quý I.

23

Dây chuyền sản xuất dược phẩm của Dược Hậu Giang

Luỹ kế 6 tháng, Dược Hậu Giang đạt doanh thu thuần hợp nhất 1.965 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế công ty mẹ đạt 405,4 tỷ đồng, tăng lần lượt 17,1% và 11,8% so với cùng kỳ năm ngoái. So với kế hoạch kinh doanh năm 2021, doanh nghiệp dược hoàn thành lần lượt 49% chỉ tiêu doanh thu và 55% chỉ tiêu lợi nhuận năm.

Năm 2021, công ty lên kế hoạch doanh thu 3.970 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế dự kiến đạt 821 tỷ đồng, tương đương mức năm ngoái thực hiện. Lãnh đạo hãng dược cho biết năm 2021, doanh thu công ty dự kiến tăng trưởng khoảng 4% nhưng lợi nhuận đi ngang, do dự trù sụt giảm khoản thu tài chính từ lãi tiền gửi.

Công ty đưa ra mục tiêu chiến lược phát triển giai đoạn 2021-2025 với tăng trưởng bình quân 8-10%/năm. Mức này thấp hơn so với mức tăng trưởng bình quân của ngành dược 11%, theo dự báo của hãng nghiên cứu thị trường IBM.

Đối với Tra phaco, lũy kế 6 tháng đầu năm 2021, Traphaco đạt doanh thu 1.028 tỷ đồng, tăng 21,24% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận sau thuế đạt 124,06 tỷ đồng tăng 37,43% so với cùng kỳ. Năm 2021, Traphaco lên kế hoạch doanh thu đạt 2.100 tỷ đồng, và lợi nhuận sau thuế 240 tỷ đồng. 6 tháng đầu năm, công ty thực hiện được 49% kế hoạch doanh thu và 51,7% kế hoạch lợi nhuận.

Tuy nhiên, thị trường vẫn gặp nhiều khó khăn khi dịch COVID-19 lần thứ 4 khiến thách thức tăng lên, ngành dược Việt Nam khó tăng đột phá, vì nguồn nguyên liệu sản xuất phụ thuộc đến 90% vào nhập khẩu, Trung Quốc và Ấn Độ chiếm hơn 80% nguồn cung.

Doanh nghiệp Dược phẩm Imexpharm trong báo cáo tài chính quý II-2021 ghi nhận hơn 317,4 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng gần 10% so với cùng kỳ năm trước. Doanh nghiệp lãi sau thuế 49,3 tỷ đồng, tăng nhẹ 4,3%. Luỹ kế nửa đầu năm 2021, Imexpharm lãi ròng sau thuế 91,2 tỷ đồng, tăng hơn 3% so với cùng kỳ năm ngoái. Năm 2021 cũng tròn 20 năm Imexpharm trở thành doanh nghiệp dược đầu tiên trong Tổng công ty Dược Việt Nam cổ phần hóa. Mới đây, một quỹ liên quan đến SK Group, tập đoàn đa ngành lớn bậc nhất Hàn Quốc, vừa mua thêm cổ phiếu IMP để tăng lên 29,42% tỷ lệ sở hữu.

22

Nhân viên của Công ty CPC1 Hà Nội nghiên cứu sản phẩm tại nhà máy sản xuất

Đối với Dược phẩm trung ương CPC1 là doanh nghiệp nhà nước, tiền thân là "Quốc doanh Y dược phẩm trung ương" ra đời năm 1956. Trong quý II-2021, công ty mang về doanh thu 483,7 tỷ đồng, lãi sau thuế 10,5 tỷ đồng, lần lượt tăng 6,3% và 9% so với cùng kỳ năm trước. Song biên lợi nhuận gộp điều chỉnh giảm từ mức 15% về 13%. Lũy kế nửa đầu năm nay, Dược phẩm trung ương CPC1 đạt doanh thu 902,2 tỷ đồng, giảm 8,5% so với nửa đầu năm trước. Dù vậy doanh nghiệp vẫn gặt hái 20,9 tỷ đồng lãi sau thuế, tăng gần 7%.

Tuy còn nhiều khó khăn nhưng dư địa phát triển còn lớn, BMI dự báo doanh thu thị trường dược phẩm Việt Nam đạt 7,7 tỷ USD vào năm 2021 và 16,1 tỷ USD năm 2026, tăng 10,6%/năm.

* "Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ"

Trần Tuyên

comment Bình luận

largeer