Vì sao bệnh nhân hen suyễn ít có nguy cơ phát triển u não?

Theo một nghiên cứu mới của Ðại học Washington (Mỹ), hoạt động của tế bào T - một loại tế bào miễn dịch - ở những người mắc hen suyễn có thể đã giúp bảo vệ họ khỏi nguy cơ phát triển u não. Phát hiện hứa hẹn có thể dẫn đến các phương pháp điều trị mới ở những đối tượng có nguy cơ bị u não.
24/12/2021 14:38

Hen suyễn là một trong những bệnh phổi phổ biến nhất trên thế giới, ảnh hưởng đến người ở mọi lứa tuổi. Tuy có thể kiểm soát bằng thuốc, nhưng hen suyễn có thể ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của nhiều bệnh nhân. Một số yếu tố nguy cơ gây bệnh bao gồm: tiền sử gia đình mắc hen suyễn, tiếp xúc với các chất gây dị ứng và kích thích từ môi trường, béo phì khi còn nhỏ. Thực ra, các nhà khoa học lần đầu tiên quan tâm đến việc những người mắc bệnh viêm nhiễm - như hen suyễn hoặc chàm bội nhiễm - ít có nguy cơ phát triển khối u não từ cách đây 15 năm. Tuy nhiên, nguyên do vì sao 2 bệnh lý khác biệt này lại có mối liên hệ với nhau thì chưa được làm rõ.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Tương tự, Giáo sư David H. Gutmann - một chuyên gia về bệnh u sợi thần kinh (NF) - đã ghi nhận việc những trẻ em mắc NF loại 1 đã phát triển một dạng u não gọi là u thần kinh đệm đường thị giác. Nghiên cứu mà ông thực hiện từ 5 năm trước cho thấy bệnh nhân mắc hen suyễn ít có rủi ro phát triển khối u nghiêm trọng hơn. Gần đây, các nghiên cứu từ phòng thí nghiệm của Giáo sư Gutmann chỉ ra rằng các tế bào miễn dịch đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển của các u thần kinh đệm đường thị giác. Ðiều này khiến ông bắt đầu tìm hiểu xem rằng liệu các tế bào miễn dịch có thể giải thích cho mối liên quan giữa hen suyễn và u não hay không.

Trong nghiên cứu mới công bố, các chuyên gia bắt đầu từ việc biến đổi gien chuột để chúng mang một đột biến gien NF1, nhằm khiến chúng sẽ phát triển u thần kinh đệm đường thị giác khi được 3 tháng tuổi. Kế đến, họ cho chuột tiếp xúc với các chất kích thích gây ra hen suyễn khi được 1 đến 1,5 tháng tuổi, trong khi quan sát với nhóm đối chứng chỉ tiếp xúc với nước muối. Nhóm nghiên cứu kiểm tra việc phát triển u não lần lượt vào thời điểm chuột được 3 và 6 tháng tuổi. Kết quả bất ngờ cho thấy những con chuột bị hen suyễn không hình thành bất kỳ u não nào. Những thử nghiệm tiếp theo của họ chỉ ra rằng việc kích hoạt bệnh hen suyễn trên những con chuột sắp phát triển khối u đã làm thay đổi hành vi của những tế bào T.

Cụ thể, các tế bào T của chuột bắt đầu tiết ra decorin - một prôtêin có trong các mô liên kết trong cơ thể người. Ở bệnh nhân hen suyễn, decorin có tác động gây tổn thương, bởi nó tương tác với lớp niêm mạc đường thở và làm trầm trọng thêm các triệu chứng. Tuy nhiên, các tác giả phát hiện decorin lại có lợi khi ở trong não. Loại prôtêin này hoạt động trên các tế bào miễn dịch của não (microglia) và ngăn chặn chúng khởi động, bằng cách can thiệp vào con đường kích hoạt NFkappaB. Thông thường, khi microglia được kích hoạt, chúng có thể thúc đẩy sự tăng trưởng và phát triển của các khối u não và ung thư.

Trong thử nghiệm, nhóm nghiên cứu đã điều trị cho nhóm chuột mang đột biến gien NF1 bằng decorin hoặc CAPE, một hợp chất có công dụng ức chế con đường NfkappaB. Họ nhận thấy việc này đã giúp bảo vệ chuột khỏi nguy cơ phát triển các khối u. Trước kết quả tích cực trên, nhóm nghiên cứu tin rằng việc ngăn chặn kích hoạt các microglia có thể được coi là một phương pháp điều trị tiềm năng chống lại các khối u não.

Theo Study Finds, IB Times

comment Bình luận

largeer