Những công dụng chữa bệnh của cây đinh hương

Đinh hương là vị thuốc có tính kháng khuẩn rất tốt, theo kinh nghiệm dân gian, khi đi vào vùng có dịch bệnh, người ta thường nhai một ít đinh hương để phòng bệnh.
10/07/2023 17:48

Cây đinh hương có tên khoa học là Syzygium aromaticum, thuộc họ Đào kim nương: Myrtaceae. Trong cây đinh hương, tinh dầu tập trung nhiều nhất là ở nụ hoa, kế đến là cuống hoa và lá.

Có người cho rằng, loại cây này có tên là đinh hương là vì nụ của nó khi phơi khô thì có hình như cây đinh, hơn nữa, trong nụ hoa lại có nhiều tinh dầu thơm, vì vậy mà gọi là “đinh hương”. 

Khi nụ đinh hương khô lại, nó sẽ chuyển thành màu nâu đất và chỉ ngửi nhẹ là đã thấy mùi hương. Mùi đinh hương cay ấm và quen thuộc như mùi dầu gió nhưng thơm tự nhiên và mạnh hơn, ngát hơn. Điều đặc biệt là, bốn cánh hoa đinh hương tạo thành cái đầu nụ tròn tròn, khi đã phơi khô thì giòn, cắn vào là nghe rộp rộp. Tuy nhiên, đinh hương không phải là thứ gia vị có thể “ăn chơi” vì nó the cay và đặc biệt là có tác dụng gây tê rõ rệt. Nếu cắn ngang phần đài hoa hình trụ dài, lập tức lưỡi và môi của bạn sẽ cay tê như lấy dầu gió chấm vào vậy. So với dầu gió, nụ đinh hương không cay xé nhưng lại gây tê mạnh hơn (vì thế mà chiết xuất Eugenol của đinh hương được dùng để gây tê trong nha khoa).

Những công dụng chữa bệnh của cây đinh hương. Ảnh: Caythuoc.org

Những công dụng chữa bệnh của cây đinh hương. Ảnh: Caythuoc.org

Những công dụng của đinh hương

Điều trị một số bệnh về tiêu hóa

Nụ đinh hương được biết đến là loại gia vị giúp dễ tiêu bởi vị cay và đặc tính nóng ấm, thông vào tỳ vị của nó. Theo y học cổ truyền, có thể dùng nụ đinh hương để điều trị trong các trường hợp đầy hơi, khó tiêu, lạnh bụng, đau bụng hay rối loạn tiêu hóa (gây nôn mửa)… Cách dùng rất đơn giản: lấy vài nụ đinh hương (khoảng từ 2 – 6g) và sắc lấy nước uống.

Điều trị bệnh về răng miệng

Nếu chân răng viêm sưng gây đau đớn, khó chịu, bạn có thể lấy một lượng bằng nhau nụ đinh hương và xuyên tiêu, tán mịn ra rồi cho thêm một ít băng phiến, một ít mật ong (sao cho vừa đủ sệt) rồi bôi lên chân răng.

Điều trị đinh nhọt

Đinh hương có tính sát khuẩn rất tốt. Vì vậy, nếu bị mụn nhọt hay đinh râu, bạn có thể dùng đinh hương kết hợp với ngọn cây dứa dại (ngọn tươi, liều lượng của ngọn cây dứa dại gấp đôi đinh hương), sau đó giã nát và đắp lên da. Đinh hương tuy tê cay nhưng không làm hại da nếu dùng đúng liều lượng, vì vậy, các bạn có thể yên tâm khi dùng bài thuốc này.

Điều trị các bệnh do tỳ vị hư hàn

Đinh hương có đặc tính nóng ấm nên được ứng dụng hiệu quả trong trường hợp thể trạng hư hàn. Nếu trong người hay cảm thấy ớn lạnh, ăn uống khó tiêu, dễ buồn nôn, tiêu chảy… các bạn có thể dùng 3g đinh hương, 4,5g sa nhân và 9g bạch truật, tất cả tán bột để uống dần (mỗi lần uống chỉ dùng 1,5g bột này và uống hai lần mỗi ngày, không dùng quá liều vì sẽ gây ảnh hưởng đến bao tử).

Ngoài ra, đinh hương còn được dùng để ngâm rượu xoa bóp giúp giảm nhức mỏi tay chân, cổ và lưng. Ở một số nơi, người ta còn dùng nụ đinh hương cùng nhiều vị thuốc khác để đắp khi bị gãy xương.

Lưu ý

Người tạng nhiệt hay bị âm như sinh nội nhiệt không nên dùng đinh hương. Bên cạnh đó, những người bị hen suyễn nặng và chảy máu dạ dày cũng không nên dùng vị thuốc này.

Một số người có thể không quen với mùi đinh hương và vị cay tê của nó.

Theo Caythuoc.org

comment Bình luận

largeer