Những điểm du xuân hấp dẫn dịp đầu năm ở Thanh Hóa

Tại Thanh Hóa, những điểm du lịch nổi tiếng như: Khu di tích Lam Kinh, Thành Nhà Hồ, Khu di tích lịch sử Quốc gia Am Tiên,... được nhiều du khách lựa chọn tham quan, cầu bình an dịp đầu năm.
04/02/2025 07:36

Khu di tích lịch sử Quốc gia Am Tiên

Khu di tích lịch sử văn hóa Quốc gia Am Tiên tọa lạc tại thị trấn Nưa, huyện Triệu Sơn. Với diện tích khoảng 100ha. Khu di tích không chỉ được biết đến là nơi Bà Triệu dấy binh chống ách đô hộ phương Bắc, đây còn được xem là nơi có huyệt đạo linh thiêng bậc nhất nước ta.

Khu di tích được biết đến là nơi Bà Triệu dấy binh khởi nghĩa và là nơi có huyệt đạo linh thiêng bậc nhất nước ta

Khu di tích được biết đến là nơi Bà Triệu dấy binh khởi nghĩa và là nơi có huyệt đạo linh thiêng bậc nhất nước ta

Năm 274, Triệu Thị Trinh (tức Bà Triệu) cùng người anh trai Triệu Quốc Đạt, một huyện lệnh có thế lực trong vùng, đã tập hợp nghĩa sĩ, chọn núi Nưa làm căn cứ để luyện tập võ nghệ, dấy binh khởi nghĩa, đánh đuổi quân Đông Ngô xâm lược. Cuộc khởi nghĩa sau đó tuy đã thất bại, nữ tướng phải tuẫn tiết ở núi Tùng (xã Triệu Lộc, huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa).

Theo sử sách, nước ta có 3 huyệt đạo thiêng gồm núi Đá Chông (huyện Ba Vì, TP Hà Nội), núi Bà Đen (TP Tây Ninh, tỉnh Tây Ninh) và Ngàn Nưa. Huyệt đạo trên đỉnh Ngàn Nưa được đánh giá là một trong những huyệt đạo linh thiêng nhất nước ta.

Hiện nay, đường lên đỉnh Ngàn Nưa đã khác xưa khá nhiều, du khách có thể dùng ô tô, xe máy lên đến tận nơi, không phải nhọc công bái bộ cả buổi trên đường đất như chục năm về trước.

Khu di tích Lam Kinh

Khu di tích Lam Kinh tại huyện Thọ Xuân là địa điểm thu hút du khách đến tham quan, du xuân. Nơi đây được biết đến là địa điểm linh thiêng với nét đẹp cổ kính giữa lòng xứ Thanh.

Đến Lam Kinh, du khách không chỉ đến nơi phát tích của triều hậu Lê - một triều đại thái bình, thịnh trị và kéo vào bậc nhất trong lịch sử phong kiến nước ta, mà ở đó còn có những câu chuyện kỳ bí xung quanh các loài “linh mộc” vẫn đang tồn tại mà không phải ai cũng biết.

Đầu tiên là chuyện về cây lim cổ đã hiến xác cho công cuộc trùng tu, phục dựng lại chính điện Lam Kinh. Vào năm 2010, khi Dự án phục hồi Chính điện Lam Kinh được phê duyệt thì cây lim đang xanh tốt, tỏa bóng bất ngờ trút lá như người đã thụ đại thọ.

Lễ hội Lam Kinh tại huyện Thọ Xuân, Thanh Hóa

Lễ hội Lam Kinh tại huyện Thọ Xuân, Thanh Hóa

Sự việc nhanh chóng được Ban Quản lý khu di tích báo cáo lên UBND tỉnh Thanh Hóa. Một năm sau, nhân dịp giỗ Vua Lê Thái Tổ, tỉnh Thanh Hóa đã làm lễ “phạt mộc”, cây lim cổ được hạ. Thường thì đặc tính của cây gỗ lim trong tự nhiên, khi già chết đi tâm sẽ rỗng ruột, nhưng riêng cây lim này thì không, ruột cây vẫn đặc nguyên khối.

Những người thi công dự án đã quyết định đưa toàn bộ phần thân cành vào để thi công khu chính điện. Dù không nói ra nhưng hầu hết những người chứng kiến đều tin rằng: Cây lim được sinh ra để thực hiện sứ mệnh cao cả của riêng mình ở 600 năm sau.

Một câu chuyện khác là chuyện về Cây ổi “cười” trong khu di tích. Cây vốn được ông Trần Hưng Dẫn – một người dân trú tại làng Hành Thiện, xã Xuân Trường, tỉnh Nam Định cung tiến vào năm 1933.

Thân và cành cây có dáng huyền uyển chuyển, nhìn xa tựa như một con rồng đang bay la đà, chầu về nghinh môn. Đứng bên gốc ổi, người ta chỉ cần dùng một ngón tay “cù” nhẹ vào bất cứ phần nách cành nào đó, cả thân cây cũng sẽ rung lên, cả những chiếc lá dù ở tít trên ngọn cây cũng rung động như đang phải bật cười vì... nhột.

Nhằm giải mã hiện tượng kỳ bí của cây ổi, năm 2008, Bộ Khoa học Công nghệ cũng đã có đề án nghiên cứu cấp quốc gia về dòng gen của cây ổi ở Lam Kinh, nhưng đến nay vẫn chưa thể công bố kết quả.

Ở Lam Kinh, ngoài các câu chuyện về cây lim hiến thân, cây ổi cười, người ta còn được nghe một câu chuyện khác mang đậm tính truyền kỳ, liêu trai về cây đa thị.

Tương truyền, hơn 300 năm trước, ở vị trí cây đa ngày nay có một cây thị rất lớn tọa lạc. Nhiều chim chóc về làm tổ trú ngụ và mang theo quả đa về ăn nên hạt rơi xuống đất mọc thành cây. Khi lớn lên, cây đa ngày càng xanh tốt, ôm chặt lấy cây thị, dần dần hai cây hóa thành 1 gốc quấn quýt nên dân gian vẫn thường gọi là cây đa - thị.

Thành Nhà Hồ

Cách Khu di tích Lam Kinh khoảng 40 km, Thành Nhà Hồ thường đón hàng nghìn lượt du khách đến tham quan, cầu bình an dịp Tết.

Thành Nhà Hồ tọa lạc tại huyện Vĩnh Lộc, là một kiến trúc thành đá kỳ vĩ, độc đáo, có một không hai của khu vực Đông Á và Đông Nam Á cuối thế kỷ XIV, đầu thế kỷ XV. Với những giá trị nổi bật và khác biệt, tháng 6/2011, UNESCO công nhận Thành Nhà Hồ là Di sản văn hóa thế giới.

Thành Nhà Hồ đón hàng nghìn lượt du khách đến tham quan mỗi năm

Thành Nhà Hồ đón hàng nghìn lượt du khách đến tham quan mỗi năm

Ngay từ đầu tháng 1/2025, tại đây sẽ diễn ra một loạt sự kiện vui Xuân đón Tết. Mở đầu cho chuỗi sự kiện là trưng bày ảnh với chủ đề “Thành Nhà Hồ - Di sản và cộng đồng” cung cấp cho du khách những câu chuyện bình dị, đời thường trong hoạt động sinh kế của cư dân vùng di sản.

Tiếp đó, từ suốt nửa tháng trước và sau Tết Nguyên đán, Trung tâm Bảo tồn di sản Thành Nhà Hồ sẽ tổ chức 1 chuỗi các sự kiện như trưng bày hoa Xuân và cây cảnh chủ đề “Hoa Xuân cố đô” (ngày 14/1), tái hiện không gian Tết xưa với chủ đề “Tết xưa thành cổ” (ngày 19/1), tái hiện lễ thượng nêu Tết xưa và thả cá ông Công trong Hoàng cung (ngày 21/1), chương trình nghệ thuật “Sắc Xuân thành cổ” (ngày 30/1), lễ hội thư pháp và cho chữ đầu Xuân với chủ đề “Tết xưa thành cổ” (ngày 31/1)...

Đây là những sự kiện nhằm kết nối cộng đồng, là cơ hội để du lịch Thanh Hóa lan tỏa thông điệp “Hương sắc bốn mùa” cùng những hành trình khám phá mới với nhiều trải nghiệm thú vị cho du khách.

Mạnh Linh

comment Bình luận

largeer